Thuế quan trả đũa của Trung Quốc với Mỹ là động thái nhằm làm dịu căng thẳng

Khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục thể hiện sức mạnh của Mỹ thông qua thuế quan, các đối tác thương mại đang dần tìm ra cách tốt nhất để ứng phó với các nguy cơ.

Hôm thứ Hai (10/2), thuế quan mới của Trung Quốc đã có hiệu lực đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm 15% đối với than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng và 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp và ô tô động cơ lớn. Trung Quốc đã công bố kế hoạch này chỉ vài phút sau khi mức thuế toàn diện 10% của Mỹ đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 4/2.

Các chuyên gia cho biết, sau khi trải qua cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng cho lần này, và có thể trả đũa bằng nhiều biện pháp khác hơn là chỉ sử dụng thuế quan.

Alex Capri, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết: "Rõ ràng là Trung Quốc đã có chiến lược từ trung hạn đến dài hạn…Khi nói đến sự cạnh tranh địa chính trị rộng hơn giữa Trung Quốc và Mỹ… Trung Quốc có thể xem xét những việc như tiến hành các cuộc điều tra chống độc quyền, thực hiện kiểm toán mạnh hơn các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc và thực hiện kiểm soát và hạn chế xuất khẩu”.

Chính quyền Trung Quốc cũng đã tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google, đưa tập đoàn công nghệ này vào diện cảnh báo về các lệnh trừng phạt có thể xảy ra.

“Ngoài ra, còn có các yếu tố chống gián điệp mà chính phủ Trung Quốc có thể triển khai để gây áp lực lên các công ty đa quốc gia của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, để gây áp lực lên chính quyền ông Trump nhằm hủy bỏ thuế quan”, ông Alex Capri cho biết.

Tuy nhiên, Tommy Xie, người đứng đầu nghiên cứu vĩ mô châu Á tại Ngân hàng OCBC cho biết hành động trả đũa của Trung Quốc đã được kiểm soát và cân nhắc.

Ông ước tính Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào khoảng 15 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu của Mỹ, một số tiền nhỏ hơn đáng kể so với 50 tỷ USD trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump.

“Lần này, giá trị mục tiêu nhỏ hơn rất nhiều. Theo quan điểm đó, có vẻ như Trung Quốc có thể đang cố gắng làm dịu căng thẳng”, ông cho biết.

Phương pháp giao dịch

Các nhà phân tích cho biết, các thông báo của Tổng thống Trump thường mang tính thất thường và ngẫu hứng, với những lần thay đổi quan điểm và trì hoãn thường xuyên, và phương pháp giao dịch của ông đối với nhiều chính sách có nghĩa là đàm phán và thỏa thuận.

“Tổng thống Trump là người rất thích giao dịch. Ông ấy sử dụng thuế quan như một công cụ để cố gắng theo đuổi chương trình nghị sự của mình. Vì vậy, tôi nghĩ ông ấy đã làm khá tốt về cách ông ấy cố gắng bảo vệ biên giới Mỹ”, chiến lược gia Tommy Xie cho biết.

Thuế quan của Tổng thống Trump đối với Canada và Mexico đã được tạm dừng trong vòng một tháng sau khi cả hai quốc gia này cam kết sẽ kiểm soát biên giới với Mỹ, trong một thỏa thuận mà Tổng thống Trump xem là chiến thắng trong việc giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy.

Canh bạc thuế quan của ông cũng đã buộc Colombia phải chấp nhận những người bị trục xuất bằng cách đe dọa áp thuế 25%.

Ông Alex Capri cho biết, các đối tác thương mại "có vẻ như đang nhượng bộ ngay từ đầu để xoa dịu Tổng thống Trump, đồng thời suy nghĩ về cách đáp trả bằng thuế quan trả đũa… điều này sẽ thúc đẩy toàn bộ quá trình vận động hành lang và hành động pháp lý.

Ai được hưởng lợi?

Khi Tổng thống Trump nhắm mục tiêu vào nhiều quốc gia hơn trong cuộc chiến thuế quan, chiến lược gia Tommy Xie cho biết, Trung Quốc có khả năng đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình lại chuỗi cung ứng. Trong khi các quốc gia Đông Nam Á nói riêng sẽ được hưởng lợi, khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào.

Các công ty muốn giảm rủi ro và tách khỏi Trung Quốc đã chuyển một phần hoạt động của họ sang các quốc gia như Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia để giảm bớt tác động.

Tuy nhiên, Mỹ không bỏ qua động thái này và vẫn lo ngại về việc Tổng thống Trump nhắm mục tiêu vào các quốc gia mà hàng hóa Trung Quốc được hoàn thiện hoặc chuyển qua.

“Chúng tôi đã nói chuyện với các công ty Trung Quốc rằng mối quan tâm lớn nhất của họ hiện tại không phải là Mỹ đang áp thuế bao nhiêu lên Trung Quốc, mà là Mỹ sẽ áp thuế bao nhiêu lên Đông Nam Á…Nhưng về lâu dài, cho dù Mỹ có áp đặt thuế quan lên Đông Nam Á hay không, xu hướng vẫn rất rõ ràng: Đông Nam Á sẽ đóng vai trò rất quan trọng với toàn bộ chuỗi cung ứng đến từ Trung Quốc. Khu vực này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới”, chiến lược gia Tommy Xie cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thue-quan-tra-dua-cua-trung-quoc-voi-my-la-dong-thai-nham-lam-diu-cang-thang-post363141.html