Thuế quan và những ngọn gió đổi thay từ 'một nước Mỹ khác'

Không ai mong muốn điều đó, nhưng ai cũng biết rằng nó chắc chắn sẽ xảy ra. Ngay sau lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2, ông chủ Nhà Trắng đã lập tức kéo những hàng rào thuế quan sập xuống, không chỉ với dòng hàng hóa của các địch thủ, mà còn với cả các 'bạn bè thân hữu, hàng xóm láng giềng'.

Khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết! (America First!)" đã nhanh chóng được cụ thể hóa bằng hành động, để từ đó, khiến hầu như toàn bộ các nền kinh tế trên thế giới đều cảm nhận được hơi băng giá đầy thách thức của một thời kỳ khó khăn gấp bội. Tuy nhiên, có lẽ, mọi bài toán vẫn đều có lời giải.

"Một nước Mỹ khác"

Chẳng có gì bất ngờ, khi Tổng thống thứ 47 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nhanh chóng đảo ngược hầu hết mọi chính sách của chính phủ đảng Dân chủ tiền nhiệm. Trong sâu thẳm, đó là biểu hiện của một cuộc "báo thù", một sự phủ định tất cả mọi phương hướng chiến lược của cựu Tổng thống Joe Biden và chính quyền ông - bộ máy bị tân Tổng thống Donald Trump cùng những người ủng hộ cáo buộc rằng đã gây tổn hại cho quốc gia, bởi kỹ năng quản trị yếu kém, bên cạnh vô số khiếm khuyết.

Nước Mỹ hiện tại có cách hành xử hoàn toàn khác so với thời cựu Tổng thống Joe Biden.

Nước Mỹ hiện tại có cách hành xử hoàn toàn khác so với thời cựu Tổng thống Joe Biden.

Song, ở một khía cạnh cốt lõi khác, chuyện vào ngày đầu tiên của tháng 2/2025, nghĩa là chỉ 10 ngày sau khi tiếp nhiệm, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế quan lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc, Canada và Mexico, rồi tếp đó là những lời đe dọa dành cho Liên minh châu Âu (EU), cũng chỉ là "hồi sau" của một lập trường nhất quán đã được xác lập từ nhiệm kỳ đầu. Một cách đơn giản, đối với Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ không chấp nhận "thiệt thòi" để chịu đựng tình trạng thâm hụt thương mại, dù là với bất cứ đối tác nào.

Sắc lệnh do ông Trump ký áp thuế quan 25% lên hàng hóa từ Mexico, Canada và thuế quan 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, như tuyên bố, có hiệu lực từ ngày 4/2. Bởi vậy, điều này tạo nên tâm trạng lo lắng toàn cầu, khi không quốc gia nào đang hưởng lợi (quá nhiều) từ kim ngạch trao đổi thương mại với Mỹ cảm thấy "an toàn".

Ngay cả chính tân chủ nhân Nhà Trắng cũng xác định, trên mạng xã hội Truth Social, ngày 2/2: "Liệu có tổn thương không? Có thể có và có thể không, nhưng chúng ta sẽ đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại và mọi thứ sẽ xứng đáng với cái giá phải trả". Trong khi đó, hãng tin AP cảnh báo: Việc thổi bùng những cuộc chiến thương mại ở nhiệm kỳ 2 này khác hoàn toàn với nhiệm kỳ đầu, có thể đe dọa tăng trưởng và đẩy giá cả ở Mỹ lên cao, đi ngược lại cam kết loại bỏ lạm phát trong cương lĩnh tranh cử của ông Trump.

Không có lựa chọn, Trung Quốc lại thấy mình trong đoạn tiếp nối của cuộc "thương chiến Mỹ - Trung", vốn bị các chuyên gia gắn liền với những kịch bản "lưỡng bại câu thương". Một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được lên lịch vào ngày 4/2, đã bị hủy bỏ. Cùng lúc, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo nước này sẽ áp mức thuế 15% đối với than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG); 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số ô tô nhập khẩu của Mỹ. Mức thuế quan mới đối với hàng hóa Mỹ sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 10/2.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc và hải quan nước này cho biết họ đang áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu một số đất hiếm và kim loại có vai trò quan trọng đối với các thiết bị công nghệ cao và quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Chưa hết, Trung Quốc cũng cho biết họ đang khởi động cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google, đồng thời đưa cả tập đoàn thời trang PVH Corp (sở hữu các thương hiệu Calvin Klein, Tommy Hilfiger) và công ty công nghệ sinh học Illumina của Mỹ vào "danh sách các thực thể không đáng tin cậy".

Có điều, không chỉ khơi lại cuộc đọ sức với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, "nước Mỹ mới" dưới quyền Tổng thống Donald Trump còn nhanh chóng làm các đồng minh truyền thống bên kia Đại Tây Dương "giật mình". Thậm chí, theo tờ Financial Times, EU đang lên kế hoạch trả đũa, nếu những lời đe dọa áp thuế quan lên hàng hóa từ khối này trở thành hiện thực. EU hé lộ khả năng phản kích, trước hết là thông qua việc nhắm đến các đại gia công nghệ Mỹ (Big Tech). Còn sau đó, "mọi lựa chọn đều có thể được cân nhắc".

Hai thái cực của chủ nghĩa biệt lập

Những hàng rào thuế quan, các biện pháp bảo hộ thương mại, sự từ chối những cam kết đa phương và nỗ lực tìm kiếm những thỏa thuận song phương - nhằm giành được nhiều lợi ích nhất về cho các công dân Mỹ - thực tế đều thể hiện cách tiếp cận vấn đề mang màu sắc chủ nghĩa biệt lập mà Tổng thống Donald Trump cùng ê-kíp của mình nhất trí.

Hãy nghe đoạn phát biểu mới nhất của tân Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio, trong cuộc trao đổi với show truyền hình Megyn Kelly ngày 30/1/2025, đang "gây bão" trên truyền thông cũng như các nền tảng mạng xã hội quốc tế: "Không bình thường khi thế giới chỉ đơn giản có một cường quốc đơn cực. Điều đó không ổn - đó là một sự bất thường. Đó là sản phẩm của hậu Chiến tranh Lạnh, bởi rồi, cuối cùng chúng ta cũng sẽ quay trở lại điểm thế giới đa cực, với nhiều cường quốc ở các khu vực khác nhau trên hành tinh. Chúng ta hiện phải đối mặt điều đó với Trung Quốc và ở một mức độ nào đó là Nga, sau đó là các quốc gia thù địch như Iran và Bắc Triều Tiên mà chúng ta phải đối phó".

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã đưa ra những luận điểm cực kỳ thẳng thắn về chủ nghĩa thực dụng Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã đưa ra những luận điểm cực kỳ thẳng thắn về chủ nghĩa thực dụng Mỹ.

Ông làm rõ thêm: "Cách thế giới vẫn luôn vận hành là người Trung Quốc sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Trung Quốc, người Nga sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Nga, người Chile sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Chile, và người Mỹ cần phải làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Mỹ. Nơi nào lợi ích của chúng ta phù hợp, đó là nơi ta có quan hệ đối tác và liên minh; nơi nào sự khác biệt của chúng ta không phù hợp, việc ngoại giao cần phải làm là ngăn chặn xung đột, trong khi vẫn thúc đẩy lợi ích quốc gia của chúng ta và hiểu rằng nước khác sẽ thúc đẩy lợi ích của họ. Điều đó đã bị lãng quên. Điều đó đã bị lãng quên vào cuối Chiến tranh Lạnh, khi chúng ta trở thành cường quốc duy nhất trên thế giới, chúng ta đã đảm nhận trách nhiệm này và trở thành chính quyền toàn cầu trong nhiều trường hợp, cố gắng giải quyết mọi vấn đề. Và, nhiều điều khủng khiếp đã xảy ra trên thế giới. Sau đó xảy ra những điều kinh khủng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia của chúng ta, nên chúng ta lại phải xét ưu tiên (xử lý) những vấn đề ấy một lần nữa", theo Business Insider.

Tính thực dụng truyền thống Mỹ, không chút úp mở, đã được tô đậm như thế. Từ đó, giới quan sát quốc tế cũng như bất cứ ai quan tâm đến thời sự quốc tế cũng có thể cảm nhận được rõ hai thái cực mà chính quyền mới ở Washington lựa chọn: Họ xem mọi cuộc xung đột là tốn kém và gây tổn hại cho "chuyện làm ăn", nên sẽ cố gắng không dính dáng đến bất cứ cuộc chiến nào. Tuy nhiên, vị thế, an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ vẫn sẽ được bảo vệ, theo cách không khoan nhượng, bằng các công cụ kinh tế. Đơn cử, ngày 3/2, ông Donald Trump đã lại tuyên bố hoãn áp thuế 1 tháng đối với Canada và Mexico, khi các nhà lãnh đạo của hai nước láng giềng Bắc Mỹ này cho biết họ đã đồng ý tăng cường các nỗ lực thực thi biên giới để đáp lại yêu cầu của Tổng thống Donald Trump nhằm ngăn chặn nhập cư trái phép và buôn lậu ma túy.

Đây, cũng có thể hiểu, là một ví dụ kín đáo dành cho toàn thế giới, về cách mà nước Mỹ dưới nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump sẽ hành xử, khi hiện hữu những mâu thuẫn lợi ích. Nói cách khác, Washington sẽ không ngại ngần chứng minh rằng mình mới là kẻ mạnh, vì vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những nền kinh tế nhỏ hơn, có lẽ, sẽ phải tìm cách thích nghi và thậm chí sẵn sàng thỏa hiệp.

Có lẽ, nhiều nền kinh tế đang phát triển khác cũng đang tự cân nhắc và đánh giá lại các khía cạnh trong mối quan hệ song phương với Mỹ. Về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh cho rằng: Cách đánh thuế của ông Trump được tạo ra không chỉ để cải thiện thâm hụt thương mại mà còn là công cụ giải quyết tranh chấp và vấn đề lớn với quốc gia khác. Tuy nhiên, Việt Nam trong quan hệ với Mỹ không có vấn đề căn bản lớn cả về kinh tế, thương mại hay công nghệ.

Nhưng, dù sao, cũng vẫn luôn cần phải cẩn trọng. Tân Tổng thống Mỹ đang sử dụng đòn bẩy kinh tế như một canh bạc, nghĩa là sẵn sàng chấp nhận rủi ro từ cả đấu tranh quyền lực nội bộ đến các vấn đề chiến lược đối ngoại. Washington hướng đến sự cân bằng trong khi đề cao tính thực dụng. Vậy thì, các nền kinh tế đang phát triển có thể cũng làm như vậy hay không?

Đông Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/thue-quan-va-nhung-ngon-gio-doi-thay-tu-mot-nuoc-my-khac-i758642/