Thuế quan - 'Ván cược' lớn nhất từ trước tới nay của ông Trump?

Quan điểm chính trị của ông Donald Trump đã thay đổi đáng kể qua các năm. Song, kể từ những năm 1980, chính trị gia này luôn tin thuế quan là phương tiện hiệu quả để thúc đẩy kinh tế Mỹ.

Tổng thống Trump công bố các mức thuế nhập khẩu đối ứng mới dành cho các đối tác thương mại của Mỹ ngày 2/4. Ảnh: BBC

Tổng thống Trump công bố các mức thuế nhập khẩu đối ứng mới dành cho các đối tác thương mại của Mỹ ngày 2/4. Ảnh: BBC

Theo BBC, người đứng đầu nước Mỹ hôm 2/4 đã công bố mức thuế nhập khẩu mới dành cho nhiều quốc gia, gồm cả các đồng minh, đối thủ cạnh tranh và những nước bị Washington coi là "kẻ thù".

Phát biểu giữa bạn bè, các chính trị gia bảo thủ và bộ trưởng nội các tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhắc lại sự ủng hộ nhất quán lâu nay của ông đối với thuế quan cũng như những chỉ trích ban đầu của ông đối với các thỏa thuận hợp tác thương mại quốc tế như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Lãnh đạo Nhà Trắng thừa nhận, trong vài ngày tới, ông sẽ phải đối mặt với sự phản kháng của những người theo chủ nghĩa toàn cầu và các nhóm lợi ích đặc biệt. Tuy nhiên, ông Trump kêu gọi người dân Mỹ tin vào trực giác của tổng thống.

"Đừng bao giờ quên rằng mọi dự đoán của các đối thủ Mỹ về thương mại trong 30 năm qua đều hoàn toàn sai lầm", ông Trump nhấn mạnh.

Hiện tại, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2, khi bên cạnh là những cố vấn cùng chí hướng và đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện, ông Trump đang ở vị thế có thể biến tầm nhìn của bản thân về một chính sách thương mại mới, tập trung vào nước Mỹ trở thành hiện thực. Theo ông, những chính sách đó sẽ biến Mỹ trở thành một quốc gia thịnh vượng hơn một thế kỷ trước và sẽ tiếp tục như vậy.

Ông Trump bày tỏ: "Trong nhiều năm qua, các công dân Mỹ làm việc chăm chỉ đã buộc phải đứng ngoài cuộc khi các quốc gia khác trở nên giàu có và quyền lực bằng mồ hôi của chúng ta. Với hành động ngày hôm nay, cuối cùng chúng ta cũng có thể khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại, vĩ đại hơn bao giờ hết".

Theo các nhà phân tích, Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn. Các nhà kinh tế cảnh báo, mức thuế suất nhập khẩu cao do Mỹ áp đặt với các nước, ví dụ như 53% với Trung Quốc, 20% với Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc, mức cơ bản 10% với mọi quốc gia khác, rốt cuộc sẽ chuyển sang người tiêu dùng Mỹ, làm tăng giá cả và đe dọa dẫn tới suy thoái toàn cầu.

Ken Roggoff, cựu kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, khả năng Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái đã tăng lên 50% sau thông báo áp thuế với mọi quốc gia trên thế giới của ông Trump. Ông Roggoff mô tả quyết định giống như "ông Trump đã thả một quả bom hạt nhân vào hệ thống thương mại toàn cầu", đồng thời khuyến cáo hậu quả của các mức thuế đối ứng đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ là "không thể tin được".

Động thái của ông Trump cũng có nguy cơ khiến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với các quốc gia khác leo thang. Ngoài ra, việc áp thuế không kiêng nể cũng có thể khiến các đồng minh xa lánh Mỹ trong bối cảnh Washington đang cố gắng củng cố quan hệ. Ví dụ, theo giới quan sát, Mỹ coi Nhật Bản và Hàn Quốc là thành trì để chống lại các tham vọng của Trung Quốc. Song, gần đây, 2 nước đồng minh truyền thống của Mỹ ở Đông Á đã thông báo sẽ hợp tác với Trung Quốc để đối phó với các chính sách thương mại của Mỹ.

Tuy nhiên, nếu thành công, ông Trump về cơ bản sẽ định hình lại trật tự kinh tế toàn cầu mà Mỹ đã góp phần xây dựng từ đống tro tàn của Thế chiến II. Nhà lãnh đạo này cam kết, quyết định của ông sẽ tái thiết ngành sản xuất của Mỹ, tạo ra các nguồn thu mới và khiến đất nước tự lực hơn cũng như được bảo vệ khỏi những cú sốc của chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn gây ra tình trạng hỗn loạn ở Mỹ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Đây là một sứ mệnh khó khăn và nhiều người cho rằng "rất không thực tế". Nhiều người thậm chí tin, ông Trump đang đặt cược chức tổng thống Mỹ vào "quân bài" thuế quan. Tuy nhiên, với một vị tổng thống dường như chỉ tập trung vào việc củng cố di sản của mình, dù thông qua việc chấm dứt xung đột, đổi tên các địa danh, thu mua lãnh thổ mới hay hủy bỏ các chương trình liên bang, đây là giải thưởng lớn nhất, có ý nghĩa nhất cần giành được. Theo ông Trump, đó sẽ là "Ngày giải phóng" của Mỹ.

Hoài Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thue-quan-van-cuoc-lon-nhat-tu-truoc-toi-nay-cua-ong-trump-2387444.html