Thung lũng Silicon của Trung Quốc đìu hiu vì COVID-19
Từ một văn phòng ở khu điện tử rộng lớn của Thâm Quyến, một nhóm kỹ sư nghiên cứu mẫu lò phản ứng sinh học để một ngày nào đó làm ra 'thịt nhân tạo' đang họp qua truyền hình với các nhà khoa học ngồi trong nhà bếp và phòng ngủ ở Anh.
Bên trong văn phòng của Hax ở Thâm Quyến. (Ảnh: Reuters)
Đó là một cuộc trò chuyện phức tạp về những bộ phận chính xác mà thông thường họ cần gặp trực tiếp để thực hành tại Thâm Quyến, một trung tâm phần cứng của thế giới, nơi các nhà sản xuất sản phẩm có thể mua và mày mò bất kỳ thiết bị nào họ cần.
Hax – công ty đang hỗ trợ lò phản ứng sinh học – đầu tư vào hơn 30 công ty khởi nghiệp như vậy từ nước ngoài mỗi năm và thường đưa họ đến Tham Quyến để mua sản phẩm.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc đóng cửa biên giới vì COVID-19 đã làm tê liệt sự dịch chuyển nhân tài này, trong khi sự dịch chuyển đó tạo sức bật cho chu kỳ phát triển sản phẩm và trở thành sức mạnh cho Thâm Quyến, một trung tâm công nghệ được xây dựng từ nỗ lực rất sớm của Trung Quốc để mở cửa với thế giới.
“Chúng tôi thường tập trung ở một chỗ, xắn tay áo lên để tự xử lý các thiết bị điện tử và hóa chất. Nhưng giờ chúng tôi phải tìm ra cách làm việc mới với các nhóm”, Ke Ji, một ký sư cơ khí người Canada gốc Trung Quốc và hiện là giám đốc chương trình của Hax cho biết.
Thiếu sự nhộn nhịp quốc tế đó, giờ chỉ còn các nhân viên trong nước giờ sử dụng những bể ngâm, phòng ẩm và những máy móc khó hiểu khác trong văn phòng rộng thênh thang của Hax ở Huaqiangbei, thị trường điện tử rộng nhất thế giới.
Nhóm kỹ sư của Hax giờ thường dành các buồi chiều và buổi tối để trao đổi qua điện thoại với đồng nghiệp ở Bắc Mỹ và châu Âu, tranh giành nguồn linh phụ kiện được chuyển về từ khắp thế giới thay vì đào tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của họ.
Dù các lãnh đạo của Hax nói rằng những thách thức gây ra cho việc thiết kế từ xa không phải là không thể vượt qua, nhưng thực tế này rõ ràng đang gây trở ngại cho những người khác.
Trong nhiều tháng trời, Henk Werner làm việc 14 giờ mỗi ngày để tìm mô hình mới cho không gian thiết kế Trouble Maker của anh, để giúp các nhà phát triển phần cứng quy mô nhỏ từ nước ngoài có thể đến Thâm Quyến khởi nghiệp.
Hồi tháng 2, Werner buộc phải chuyển chỗ vì người thuê chung văn phòng với anh không còn khả năng chi trả.
Giờ đây, Werner đang chuẩn bị vườn ươm tại một địa điểm mới với các đối tác Trung Quốc với hy vọng sẽ thu hút được những người khởi nghiệp địa phương và sẽ mở rộng quy mô khi biên giới mở cửa trở lại. “Mọi người đang xếp hàng để quay lại”, Werner nói.
Số ca mắc ở mức thấp giúp kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng sau làn sóng COVID-19 đầu tiên, nhưng tình trạng dừng tiếp nhận hầu hết các chuyến bay quốc tế đang gây nhiều hậu quả nặng nề cho doanh nghiệp, từ các trường quốc tế đến sàn thương mại điện tử hay chuỗi cung ứng.
Sân bay Quảng Châu, nơi cách Thâm Quyến khoảng 100km, chỉ đón tiễn 56.000 hành khách quốc tế đến hoặc đi trong tháng 6, thấp hơn nhiều so với con số 1,5 triệu hồi tháng 1/2020, trước khi biên giới đóng cửa.
Với đợt bùng phát mới nhất do biến chủng Delta, Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục duy trì chính sách đóng cửa biên giới nghiêm ngặt.
Tại Quảng Đông, một tỉnh được đánh giá là phát triển theo lối thực dụng, giới chức đang rất muốn nối lại thương mại quốc tế.
Quảng Châu, thủ phủ của Quảng Đông, đang có kế hoạch chuẩn bị trung tâm cách ly đủ chứa 5.000 người để giảm gánh nặng lên các khách sạn. Nhiều người hy vọng kế hoạch này sẽ cho phép nhiều người nước ngoài vào Trung Quốc hơn.
Nhưng bất kỳ kế hoạch tái mở cửa nào cũng phụ thuộc không chỉ vào chính sách kiểm soát của Trung Quốc.
“Nếu đại dịch không được kiểm soát tốt ở các nước khác, cánh cửa sẽ không bao giờ được mở”, chuyên gia dịch tễ học Chung Nam Sơn nói tại cuộc họp báo hồi tháng 6.
Đó sẽ là đòn giáng mạnh với Thâm Quyến, thành phố nằm giáp đặc khu Hong Kong. Thâm Quyến đang nỗ lực phát triển một nền kinh tế quốc tế dựa trên sự lưu thông hàng hóa, tài năng và tài chính quốc tế và được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Khen ngợi là một thành phố Trung Quốc kiểu mẫu.