Thung lũng Silicon thập niên 1950-1960

Steve Jobs nắm rõ lịch sử từng giai đoạn của thung lũng và mong muốn phát triển nó bằng chính sức lực của mình.

Từ bé, Paul và Clara Jobs đã nuôi dưỡng cậu con trai của họ, có thể nói, giống như khuôn mẫu nuôi dạy vào cuối những năm 1950. Khi Steve hai tuổi, họ tiếp tục nhận nuôi một bé gái tên là Patty. Ba năm sau, họ chuyển về sống tại một căn hộ ở ngoại ô.

Công ty Tài chính CIT mà Paul đang làm việc với vị trí nhân viên ký kết hợp đồng mua lại (repo) đã luân chuyển ông tới trụ sở tại Palo Alto, nhưng những chi phí sinh hoạt ở đó nằm ngoài khả năng của gia đình ông, vì thế ông chọn làm việc ở một chi nhánh của công ty đặt tại Mountain View, một thị trấn ở miền Nam, với sinh hoạt phí ít đắt đỏ hơn.

Tại đây, Paul cố gắng truyền tình yêu cơ khí và sửa chữa ô tô của mình cho cậu con trai. […]

Nhờ những chiếc ôtô, cha của Steve đã cho ông những trải nghiệm đầu tiên về điện tử. “Cha tôi không hiểu sâu về điện tử, nhưng ông đã “chạm trán” nhiều trường hợp trong khi giải quyết những vấn đề liên quan đến ôtô và những thứ ông đã sửa chữa. Ông chỉ cho tôi những nguyên lý cơ điện tử, và tôi thích thú về điều đó”. […]

Điều làm cho khu vực mà gia đình Steve Jobs sống khác biệt so với hàng nghìn khu vực không một bóng cây xanh trên khắp nước Mỹ đó là ngay cả những kẻ chẳng làm nên trò trống gì cũng có khuynh hướng làm kỹ sư.

Jobs nhớ lại: “Khi chúng tôi mới chuyển đến đây, khắp nơi bạt ngàn những vườn mơ và mận. Nhưng những khoản đầu tư quân sự được rót xuống kéo theo sự phát triển bùng nổ của những thung lũng xanh này”. Ông nắm rõ lịch sử từng giai đoạn của thung lũng và mong muốn phát triển nó bằng chính sức lực của mình. […]

 Thung lũng Silicon khi gia đình Jobs mới chuyển đến, khắp nơi bạt ngàn những vườn mơ và mận. Ảnh: Getty Images.

Thung lũng Silicon khi gia đình Jobs mới chuyển đến, khắp nơi bạt ngàn những vườn mơ và mận. Ảnh: Getty Images.

Cùng sự trỗi dậy của các ngành công nghiệp quốc phòng, một nền kinh tế phát triển dựa trên công nghệ cao đã thật sự bùng nổ. Nguồn gốc của sự bùng nổ này phải kể đến việc David Packard và vợ ông chuyển đến sống ở Palo Alto năm 1938.

Ngôi nhà của vợ chồng ông có một nhà kho và đây chính là nơi người bạn của ông, Bill Hewlett, đã chọn để tập trung nghiên cứu và sáng tạo, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.

Gara, vốn là một phần phụ hữu ích và mang tính đặc trưng của vùng thung lũng này, cũng là nơi họ sử dụng để làm xưởng chế tạo sản phẩm đầu tiên: bộ dao động âm thanh. Cho đến những năm 1950, Hewlett-Packard được đánh giá là một công ty sản xuất thiết bị điện tử tăng trưởng với tốc độ chóng mặt nhất.

May mắn thay, ở gần đó có chỗ để đáp ứng nhu cầu “bành trướng” của những công ty “phát triển vượt quá phạm vi một gara”. Trong sự chuyển dịch mang tính chất quyết định để biến khu vực này trở thành cái nôi của cuộc cách mạng công nghệ, chủ nhiệm khoa kỹ thuật của Đại học Standford, Frederick Terman, đã cho xây dựng một khu công nghiệp với diện tích khoảng 283 hecta (700 acre) ngay trong khuôn viên trường, dành cho những công ty tư nhân có khả năng thương mại hóa các ý tưởng của sinh viên trong trường.

 Năm 1952, hãng máy tính IBM khánh thành trụ sở tại Thung lũng Silicon. Ảnh: Getty Images.

Năm 1952, hãng máy tính IBM khánh thành trụ sở tại Thung lũng Silicon. Ảnh: Getty Images.

Và người chuyển đến đầu tiên chính là Tập đoàn Varian Associates, nơi Clara Jobs đang làm việc.

Jobs đã nói rằng “Terman đã có một ý tưởng tuyệt vời. Chính ý tưởng này đóng vai trò tiên phong tạo đà cho ngành công nghệ tại vùng này phát triển một cách mạnh mẽ”. Lúc Jobs lên mười tuổi thì HP đã có 9.000 công nhân viên và là một công ty lớn mạnh (Blue chip) trên thị trường, nơi mà tất cả kỹ sư mưu cầu sự ổn định tài chính đều mong muốn được làm việc.

Tuy nhiên, chúng ta đều biết điểm mấu chốt quan trọng nhất dẫn đến sự phát triển của vùng thung lũng này chính là chất bán dẫn.

Năm 1956, một trong những nhà phát minh ra bóng bán dẫn ở Phòng thí nghiệm Bell, New Jersey tên là William Shockley đã chuyển tới Moutain View và bắt đầu xây dựng công ty sản xuất bóng bán dẫn sử dụng silicon thay vì nguyên tố germani đắt đỏ như truyền thống.

Tuy nhiên, Shockley ngày càng chán nản và đã bỏ rơi dự án bóng bán dẫn silicon, khiến cho tám kỹ sư của ông, đáng chú ý nhất là Robertу Noyce và Gordon Moore, phải tách ra khỏi nhóm để thành lập một công ty sản xuất chất bán dẫn khác tên là Farchild Semiconductor. Công ty này phát triển lớn mạnh với 12.000 công nhân nhưng sau đó đã tan rã năm 1968, khi Noyce thất bại trong cuộc chiến trở thành CEO.

Noyce lại cùng Gordon Moore thành lập một công ty khác lấy tên là Integrated Electronics Corporation và họ đã ngay lập tức gọi tắt là Intel. Thành viên thứ ba của họ là Andrew Grove, người sau này đã góp công đưa công ty trở nên lớn mạnh nhờ sự chuyển đổi từ lĩnh vực then chốt là sản xuất chip bộ nhớ sang bộ vi xử lý. Chỉ trong vòng vài năm đã có hơn 50 công ty sản xuất thiết bị bán dẫn mọc lên ở khu thung lũng này.

Sự tăng trưởng theo cấp số nhân của ngành công nghiệp này có mối liên hệ mật thiết với hiện tượng khoa học nổi tiếng được phát hiện bởi Moore, một nhân vật mà năm 1965 đã đưa ra biểu đồ tốc độ của mạch tích hợp dựa trên số lượng bóng bán dẫn có thể gắn trên một con chip. Moore đã chỉ ra rằng số lượng bóng bán dẫn sẽ tăng gấp đôi theo chu kỳ hai năm và quỹ đạo phát triển này được cho là vẫn tiếp tục diễn ra.

Kết luận này được tái khẳng định một lần nữa vào năm 1971, khi Intel có thể đặt trọn một bộ xử lý trung tâm vào một con chip, được gọi là bộ vi xử lý Intel 4004.

Định luật Moore vẫn còn giá trị đến tận ngày nay và dự đoán tin cậy về hoạt động của bộ vi mạch ảnh hưởng đến giá cả đã cho phép cả hai thế hệ doanh nhân, bao gồm cả Steve Jobs và Bill Gates, thiết kế được biểu đồ giá cả cho các thế hệ sản phẩm của mình.

Ngành công nghiệp sản xuất chip thật sự đã mang lại một cái tên mới cho vùng đất này kể từ khi Don Hoefler, người phụ trách chuyên mục của Electronic News, một tờ báo về thương mại phát hành định kỳ hàng tuần, đã cho đăng một loạt các phóng sự có tựa đề “Thung lũng Silicon Mỹ” vào tháng 1 năm 1971.

Cách đó 40 dặm, Thung lũng Santa Clara trải dài từ phía Nam San Francisco qua Palo Alto đến San Joe, có trung tâm thương mại El Camino Real, là con đường huyết mạch từng nối liền 21 nhà thờ đặc trưng ở California giờ đã bùng nổ thành đại lộ trung chuyển giữa các công ty lớn, nhỏ có tổng số vốn đầu tư chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư toàn nước Mỹ mỗi năm.

Jobs từng nói: “Luôn phát triển không ngừng, lịch sử của nơi này đã truyền cảm hứng sáng tạo cho tôi rất nhiều. Và đó là lý do khiến tôi luôn muốn là một phần của nó”.

Walter Isaacson / Alpha Books - NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thung-lung-silicon-thap-nien-1950-1960-post1356794.html