Thùng thuốc súng Libya sắp được châm ngòi?

Tình hình và thế trận ở Libya diễn biến ngày một phức tạp và thùng thuốc súng này có thể được châm ngòi bất cứ lúc nào.

Tình hình ngày một phức tạp

Tại Libya, xung đột giữa Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA, do Khalifa Halfar đứng đầu, được Ai Cập, Nga và một số nước hậu thuẫn) và Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA, được Liên Hợp Quốc công nhận và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn), đang cực kỳ căng thẳng. Thổ Nhĩ Kỳ đã viện trợ cho GNA cố vấn quân sự và cung cấp vũ khí, cả tên lửa chống tăng và máy bay không người lái, chuyển giao công nghệ quốc phòng... Sau khi ký kết thỏa thuận với GNA ở Tripoli, kể từ đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ, đã chuyển hàng ngàn chiến binh thân Thổ Nhĩ Kỳ từ các nhóm vũ trang ở Syria sang Libya.

Các toan tính của Ankara được cho là xuất phát từ ba lý do chính - cam kết của Tổng thống và là chính sách của đảng cầm quyền nước này nhằm khôi phục ảnh hưởng chính trị-quân sự tại các quốc gia chưa từng thuộc về Đế chế Ottoman, giúp họ có được lợi thế trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2023; làm suy yếu lợi ích kinh tế của Hy Lạp, Ai Cập, Síp và Israel trong khu vực, cũng như thủ tiêu liên minh chính trị có thể được tạo ra giữa các quốc gia nói trên, từ trong trứng nước; đối đầu với kẻ thù Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ở Libya.

Trong khi Ai Cập đang sẵn sàng đưa quân sang Libya, có tin rằng, các chế độ quân chủ của Vịnh Ba Tư đã sẵn sàng phân bổ số tiền lớn cho Cairo để tiến hành các hoạt động quân sự ở Libya, "Al-Khaleej Al-Jadid" trích dẫn nguồn tin đại sứ quán Ả Rập Saudi ở thủ đô Ai Cập, cho biết. Theo nguồn tin này, Saudi Arabia cung cấp cho Ai Cập 1 tỷ USD, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - 1 tỷ USD nữa, và Bahrain - 350 triệu USD, tổng cộng là 2,35 tỷ USD.

Quân đội Ai Cập được huấn luyện và trang bị tốt; Nguồn: topwar.ru

Quân đội Ai Cập được huấn luyện và trang bị tốt; Nguồn: topwar.ru

Al-Khaleej Al-Jadid cũng tiết lộ ý định của Paris gửi 30 máy bay chiến đấu đa năng Rafale đến mặt trận Libya để ngăn chặn nỗ lực của GNA vượt qua cái gọi là “lằn ranh đỏ” mà Tổng thống Ai Cập Al-Sisi đã nói, theo đó, việc quân đội Tripoli chiếm giữ thành phố Sirte và thành phố Al-Jufra sẽ buộc Cairo tiến hành một chiến dịch trên bộ ở Libya.

Cairo đã thù địch Tripoli dưới triều đại Muammar Gaddafi và bây giờ không ngại lấy một phần lãnh thổ để chứng minh "sự tái sinh của Ai Cập vĩ đại". Quân đội Ai Cập có thể điều 2-3 lữ đoàn cơ giới và xe tăng, được trực thăng và máy bay yểm trợ, mà theo Cairo, đủ để thiết lập một hiện trạng mới ở Libya. Nếu GNA với sự giúp đỡ của các đồng minh, thành công trong việc chiếm thành phố cảng chiến lược Sirte, tình thế của LNA sẽ trở nên rất phức tạp.

Sirte là thành phố quan trọng nhất ở Libya, những người sở hữu nó kiểm soát 2/3 xuất khẩu dầu Libya. Không có dầu, sẽ không có đủ tiền để tiến hành chiến tranh. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang kéo các hệ thống tên lửa phóng loạt T-122 Sakarya và pháo tự hành T-155 Fırtına, từng được sử dụng hiệu quả ở Syria đến thành phố Sirte, theo tờ báo Milliyet của Thổ Nhĩ Kỳ. Mới đây, một đoàn xe gồm 200 phương tiện đã bắt đầu di chuyển về phía đông từ cảng Misurat, điểm chính viện trợ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cho quân đội GNA, phớt lờ lệnh trừng phạt quốc tế.

Trong 9 tháng qua, chính quyền Algeria đã điều các đơn vị của quân đội đến biên giới Libya và Tunisia. Trong cuộc xung đột ở Libya, người Algeria đứng về phía GNA. Tháng 1/2020, khi Quân đội LNA tiến vào vùng ngoại ô Tripoli và GNA bị o ép, Algeria đã vẽ ra "lằn ranh đỏ". Tại nước láng giềng Tunisia, những người Hồi giáo có cảm tình với Thổ Nhĩ Kỳ, "anh em đồng đội" của họ từ Libya và Syria, cũng như Ai Cập, đang nắm quyền. Do đó, việc giải phóng Libya khỏi những người Hồi giáo là không có lợi cho Algeria, vì họ có thể đến Tunisia tá túc, và từ đó, đến Algeria gây bất ổn cho nước này.

Tobruk và Cairo lo lắng về những người Hồi giáo kiểm soát Chính phủ ở Tripoli. Trong số đó có nhiều người chạy trốn khỏi Ai Cập vào năm 2013-2014, khi quân đội Ai Cập, do Al-Sisi chỉ huy với sự hỗ trợ của dân chúng, đã lật đổ chính phủ Hồi giáo do Mỹ dựng lên. Sau đó, cuộc nội chiến thứ hai bắt đầu ở Libya. Đối với nhiều người Libya và Ai Cập, đây thực sự là một vết thương chung đang chảy máu mà người Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định khoét sâu hơn. Hiện nay, mọi thứ phụ thuộc vào Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan - người sẽ quyết định dừng lại ở đó hay cố gắng chiếm Sirte và giành quyền kiểm soát dầu ở Cyrenaica (miền đông Libya).

Thùng thuốc súng Libya sắp được châm ngòi?

Trong cuộc họp của Quốc hội Libya tại Tobruk, Khalifa Haftar đã kêu gọi quân đội Ai Cập can thiệp để bảo vệ an ninh quốc gia. Cairo có một quân đội mạnh, có thể nhanh chóng thay đổi tình hình ở nước láng giềng Libya. Tổng thống Al-Sisi cảnh báo nước ông sẽ không để yên mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Ai Cập và Libya; Cairo cũng sẽ không thờ ơ với các mối đe dọa đối với an ninh Ả Rập, khu vực và quốc tế. Tổng thống Ai Cập cũng chỉ trích, Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập một căn cứ ở Libya và đang triển khai quân đội và lính đánh thuê từ các quốc gia khác đến Libya để kiểm soát nguồn khoáng sản tự nhiên giàu có ở đó.

Thổ Nhĩ Kỳ đã điều quân đến Libya; Nguồn: news.com.au

Thổ Nhĩ Kỳ đã điều quân đến Libya; Nguồn: news.com.au

Sau khi quốc hội Ai Cập trao quyền cho Tổng thống Al-Sisi sử dụng quân đội trên lãnh thổ Libya, khả năng xảy ra đụng độ giữa quân đội Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Libya trở nên cao hơn bao giờ hết. Một tướng quân đội đã nghỉ hưu của Ai Cập cho biết, có nhiều dấu hiệu về một cuộc tấn công sắp diễn ra của người Ai Cập ở Libya, cụ thể: lãnh đạo Ai Cập tuyên bố, quốc gia này được quốc tế công nhận quyền tiến hành các hoạt động quân sự chống lại một quốc gia láng giềng; cảnh báo của Tổng thống Ai Cập về “lằn ranh đỏ”; bản chất của các cuộc tập trận quân sự và các loại vũ khí tham gia của quân đội Ai Cập; và quyết nghị của quốc hội Libya về các hoạt động quân sự của Ai Cập ở nước này.

Ai Cập đã dồn lượng lớn binh sĩ cùng vũ khí tới sát biên giới Libya, điều động các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300VM Antey-2500 được đánh giá đủ sức thiết lập vùng cấm bay, khiến Thổ Nhĩ Kỳ không có ưu thế trên không.

Trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, theo giới quan sát, quân đội chính quy của Ai Cập chắc chắn sẽ đè bẹp các nhóm phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng GNA, vì họ được huấn luyện tốt hơn và có nhiều vũ khí hơn. Trong trường hợp đụng độ, Ai Cập sẽ có được một lợi thế, đó là có chung biên giới với Libya và có thể nhanh chóng đảm bảo nguồn lực và phương tiện chiến tranh, kỹ thuật, hậu cần…, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải nỗ lực để đảm bảo mọi mặt bằng đường biển xa xôi.

Ai Cập vừa tổ chức tập trận lớn đáp trả cuộc tập trận của Thổ Nhĩ Kỳ; Nguồn: topcor.ru

Ai Cập vừa tổ chức tập trận lớn đáp trả cuộc tập trận của Thổ Nhĩ Kỳ; Nguồn: topcor.ru

Tờ Zaman dẫn lời các nguồn thông tin từ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói, một kế hoạch quân sự và ngoại giao đã được chuẩn bị để đối phó với quyết định gửi quân tới Libya của Quốc hội Ai Cập. Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào vào lực lượng của họ ở Libya, bất kể bên nào thực hiện vụ tấn công; nếu Ai Cập động binh như tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch tăng tiếp viện quân sự ở Libya để chống lại lực lượng Ai Cập.

Tờ Haqqin.az của Azerbaijan, nhận định, việc Ai Cập can thiệp quân sự vào Libya là không tránh khỏi, tuy vậy, đó sẽ không phải là “cuộc dạo chơi" chóng vánh, thậm chí là lâu dài và tốn kém. Haqqin.az cũng nhận định, chìa khóa cho hòa bình ở Bắc Phi đang nằm trong tay Tổng thống Thổ Nhì Kỳ Erdogan.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều đơn giản như vẻ ngoài của nó và thậm chí với lợi thế trước Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya, Ai Cập cũng có thể thua. Một lực lượng thứ ba có thể can thiệp vào cuộc xung đột Libya - Quân đội Algeria không hề yếu hơn Ai Cập, thậm chí còn vượt trội trong một số tiêu chí - tuyên bố triển khai hệ thống tên lửa Iskander-E ở biên giới Libya và Tunisia, đang tập trung quân dọc biên giới. Giới chức Algeria ủng hộ GNA từng nói rằng việc vượt qua biên giới Libya của lực lượng vũ trang Ai Cập sẽ được coi là tuyên bố chiến tranh với Algeria với tất cả các hậu quả sau đó!

Trên thực tế, tại thời điểm hiện tại vẫn khó biết tình hình ở Libya sẽ phát triển như thế nào. Các bên có thể bắt đầu chiến sự và sau đó không ai có thể dự đoán được kết cục của cuộc chiến Libya. Đồng thời, các bên tham chiến cũng có thể giữ nguyên hiện trạng và vẽ một "lằn ranh đỏ" chia Libya thành hai nửa, mỗi bên có chính phủ riêng. Dù sao thì hiện tại, quốc gia Bắc Phi này cũng được ví như thùng thuốc súng, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Thời gian sẽ chứng tỏ các sự kiện sẽ phát triển theo chiều hướng nào./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thung-thuoc-sung-libya-sap-duoc-cham-ngoi-1073986.vov