Thuở ấy, mẹ đã 'Sống'!
Thuở ấy – những năm tháng đất nước kháng chiến chống Mỹ - mẹ đã sống như thế và hôm nay được thế hệ gen Y lớn lên ở Pháp ghi lại bằng lăng kính mới lạ.
Đốt giấy tờ tùy thân để được ở lại với ba trong chiến khu; Nấu bếp Hoàng Cầm và dạy Toán; Là một trong hai cô gái được học lớp quay phim do các nhà điện ảnh cách mạng giảng dạy…
Thuở ấy – những năm tháng đất nước kháng chiến chống Mỹ - mẹ đã sống như thế và hôm nay được thế hệ gen Y lớn lên ở Pháp ghi lại bằng lăng kính mới lạ, thú vị.
Không ít ly kỳ
“Sống” là tiểu thuyết bằng tranh của các tác giả trẻ tuổi, trong đó phần lời do Hải Anh – sinh năm 1993, lớn lên ở Paris (Pháp) viết từ chính câu chuyện được nghe từ mẹ cô – đạo diễn, nhà biên kịch Việt Linh; còn phần tranh được thực hiện bởi họa sĩ người Pháp Pauline Guitton – người bạn ấu thơ của Hải Anh.
Họ cùng kể lại ký ức không ít ly kỳ của mẹ Linh qua những năm tháng thanh xuân chẳng thể quên ở chiến khu kháng chiến.
Đó là bà cố tình nắm bắt từ lòng khao khát làm thế nào có thể ở bên người thân, chấm dứt những năm tháng côi cút, tủi hờn, nhiều khi xuất phát từ sự ích kỷ, toan tính cá nhân nhưng không đáng bị phê phán mà có thể cảm thông: “Thế là, để trốn tránh bản thân, nhấn xẹp mọi cám dỗ đào ngũ, mẹ đốt sạch giấy tờ tùy thân, buộc mẹ chỉ còn cách phải ở lại chiến khu cho đến khi chiến tranh kết thúc”.
“Tôi hơi bất ngờ vì không được con cho đọc bản thảo nên cũng có chút giá như… Nhưng nghĩ lại, tôi thấy việc đó là đúng thôi, vì đây là cuốn sách của 3 người và tôi rất hài lòng về cuốn sách này. Mọi người tưởng chúng tôi có cuộc ngồi kể với nhau nhưng nó là câu chuyện góp nhặt của Hải Anh từ hồi 5 tuổi cho đến khi 23 tuổi mới quyết định viết. Khi đó, chúng tôi về Việt Nam ở 9 tháng để Pauline Guitton “ngửi” được không khí của Việt Nam và sống với Việt Nam.
Có ba điều tôi nhận thấy từ “Sống” là: Tôi và mẹ tôi không kể chuyện với nhau – đó là khiếm khuyết khi một đứa con không được tâm sự với mẹ, nên tôi bù lại cho con tôi – dù có khoảng cách về thế hệ nhưng chúng tôi là bạn.
Điều thứ hai là, trẻ con luôn ghi hết trong đầu những gì người lớn nói, những điều thật đáng yêu và cũng thật nguy hiểm. Và, nếu có giận, ghét ai mà chúng ta tưởng tượng về sự sắp chia ly thì nó dễ được xóa nhòa…” - Đạo diễn Việt Linh.
Từ đó, biết bao trải nghiệm đến với thiếu nữ ấy, như những thử thách lòng kiên trì, sự dũng cảm và dám chấp nhận thực tại khắc nghiệt, phức tạp của chiến tranh lẫn các mối quan hệ xã hội. Thật chẳng dễ dàng khi cô gái thị thành phải sống trong rừng luôn thiếu thốn đủ thứ, nhất là chuyện “đến kỳ” được cho là “như cực hình”.
Ngoài chuyện kín đáo giặt thì việc phơi “là cả cuộc phiêu lưu” để tìm ánh nắng giữa rừng xanh mà máy bay Mỹ không thể phát hiện. Thế nên: “Năm mươi năm sau, hình ảnh ấy vẫn đeo bám mẹ. Mẹ ở đó dưới bầu trời chiến tranh, bao quanh là những ánh nắng lấp lánh”.
Và cũng thật ngạc nhiên khi trong ánh mắt của người khác cô gái này có phần bị ám chỉ, coi là thành phần “tiểu tư sản” vì xuất thân từ thành thị nhưng cô vẫn có thể làm mọi việc như bao người.
Cô trở thành chị nuôi nấu bếp Hoàng Cầm, hái rau rừng thay rau củ, dùng nước tro khi hết muối, đốt đèn bắt mối, kiến ngày mưa để cải thiện…. Rồi là cô giáo tham gia lớp dạy Toán cho mọi người.
Thực ra, cũng có những lúc Linh cảm thấy kiệt sức khi chân trầy da, phồng rộp, bong gân; bữa ăn đầu tiên có món thịt chuột, thịt rắn; rồi bị dè bỉu vì thấy cô không vệ sinh cá nhân nơi công cộng...
Cô từng: “suýt nữa thì muốn bỏ về”, “trách mình nông nổi, chưa gì đã quyết định tới cùng như vậy” rồi lại làm phép so sánh: “ở nhà cũng đâu có hơn” để thực sự trở thành người của chiến khu.
Để có thể vượt lên tất cả, với cô gái chưa tròn tuổi 20 như Linh, những thử thách ấy chỉ là phần nhỏ nhoi trong cái tình ấm áp mà cô nhận được từ những người bà, người cô, người chị…: “Đây là đồ dùng cần thiết cho vệ sinh cá nhân và những ngày tới kỳ”; “Con cầm sợi dây dù này đi, rồi có lúc dùng đến”; “Các cô dùng vỏ máy bay Mỹ làm lược và kẹp tóc đó, tặng con nè”; “Con bong gân thì đừng nên đi bộ. Cứ ở lại đây với các cô, rồi họ sẽ trở lại kiếm con”…
Ngoài ra, chuyện Linh đến với điện ảnh giống như truyện cổ tích vậy, ngẫu nhiên lôi cuốn cô bước vào. Ngay từ buổi sáng đầu tiên ở lại chiến khu, cô đã được chứng kiến cách làm phim tư liệu đầy mạo hiểm của chú Tư khi yêu cầu mọi người chạy ngay dưới làn bom rơi.
Đó là cảnh tượng vừa kinh khủng, lại vừa ly kỳ: “Khoan đã, con cũng không hiểu, dù sao chuyện này cũng nguy hiểm quá”. “Ồ, thì đó là mặt liều lĩnh và dũng cảm của chú Tư, ông bị bộ phim hút hồn, hút vía. Khi đó mẹ chưa hiểu giá trị tư liệu của những cảnh vừa quay nhưng chắc chắn mẹ cảm nhận được điều gì đó rất mãnh liệt”. Hai mẹ con họ đã gợi mở câu chuyện như thế.
Những bừng thức tâm hồn
Hải Anh viết phần lời cho “Sống” thật ngắn gọn, hiếm khi dài tới hai câu, thậm chí là vô cùng ngắn khi có những khuôn hình chỉ đặt dấu chấm than, nhưng vẫn đủ về thông tin và điều cần biểu đạt.
Pauline Guitton thì thả sức phóng cọ, đơn giản về đường nét mà vẫn tuyệt đẹp, sống động, biểu cảm được chiều sâu tâm lý đầy phức tạp của mỗi nhân vật, nhất là thiếu nữ Linh ngày ở chiến khu đến khi trở thành bà mẹ đi về giữa Pháp - Việt Nam và đối thoại với con gái.
Sự kết hợp này đã tạo nên cuốn tiểu thuyết tiểu sử bằng tranh rất hiện đại, ấn tượng (giành giải Prix du Jury oecuménique de la BD 2024) và hợp gu giới trẻ (phát hành thành công ở Pháp năm 2023 với nhan đề luôn được viết bằng tiếng Việt: “Sống”).
Khi được Nxb Kim Đồng ấn hành và giới thiệu ở Việt Nam dịp tháng 3 vừa qua, “Sống” tiếp tục có sức hút đặc biệt khi thế hệ hôm nay muốn thấu hiểu hơn về thời hoa lửa của thế hệ đi trước trong chiến khu kháng chiến cũng như thế hệ người Việt Nam thứ hai ở nước ngoài mang ước mong tìm hiểu và kết nối về nguồn cội của mình.
Với những đan cài khéo léo từ hiện tại trở về quá khứ và ngược lại, “Sống” gỡ dần những tâm tư sâu thẳm của mẹ Linh và con gái, từ đó soi rọi những giao cảm giữa 2 thế hệ: Mẹ - con, kháng chiến – hòa bình, dân tộc – hội nhập… để có được sự bừng thức trong tâm hồn mỗi người.
Trở về những năm tháng ở chiến khu, độc giả gặp người con gái mang nỗi buồn riêng khi nghĩ về mẹ mình. Những trách cứ: Mẹ hẹn đi họp rồi sẽ về, để cô bé nhặt hoa kết cả trăm cái vòng mà lại bặt tăm; mẹ chưa bao giờ nói “yêu Linh”… cứ rót vào lòng và lớn dần theo tháng năm, tưởng như chẳng thể hóa giải.
Rồi “chìa khóa” để mở cho một tâm hồn phải chịu nhiều tổn thương ấy được tìm thấy. Nó chẳng ở đâu xa – thủ phạm chính là chiến tranh - cái thứ gây ra những chia cắt, không chỉ với riêng gia đình Linh mà với rất nhiều tổ ấm khác.
Và thật xúc động biết bao khi vừa đọc, vừa ngắm nhìn hai trang tiểu thuyết dịch dần về phía cuối không đánh số, tái hiện cuộc gặp gỡ của Linh và ba với mẹ ở “vùng trắng” (vùng đệm giữa khu vực do chính quyền Sài Gòn cai quản và Mặt trận Dân tộc giải phóng). Là bát chè được nấu trong điều kiện không dễ gì kiếm được đủ 4 loại đậu.
“Nhưng bà ngoại vẫn không bỏ cuộc bữa tối, món chè bốn loại của bà vẫn xuất hiện trên bàn như phép màu”. Để rồi: “Đã bao lần mẹ chiêm bao khoảnh khắc đó, cả nhà rốt cuộc quây quần bên mâm cơm… Cho dù khi đó đã 23 tuổi, trong sâu thẳm tâm can mẹ vẫn muốn bà ở lại với ông và mẹ. Muốn ông bà làm lại từ đầu”.
Có thể, cái kết không theo ý muốn, thế nhưng: “Trong ký ức của mẹ, món chè đó xiết bao ngon ngọt” – dòng chữ ấy cùng bức tranh này thực sự ngân lên biết bao nhớ thương...
Có một ký ức cũng rất đặc biệt được kể trọn vẹn trong phần “Quay” của “Sống”. Ở đó có một nữ chiến sĩ giải phóng thực hiện nhiệm vụ quay cảnh tù nhân chính trị trở về.
Cô tâm huyết bấm máy, bỏ mặc những định kiến giới cùng hoài nghi – nó khiến cô phải thật khó khăn “mới kìm nén được những giọt nước mắt phía sau máy quay”. Nhờ đó, nữ quay phim ấy đã ghi được cảnh cô Võ Thị Thắng được trả tự do trong cảm xúc: “Nhìn cô bước đi tập tễnh nhưng tươi tắn, mẹ cảm thấy hãnh diện vì được là một người cộng sản, một người phụ nữ”.
Nhất là, thời khắc lịch sử: “Ra khỏi trực thăng, mọi người lập tức trút bỏ những bộ đồ tù nhân để mặc trang phục kháng chiến quân. Mặt đất la liệt vải đỏ. Mỗi lần trực thăng bay lên là một lần trái tim mọi người se lại, vì thấy được những tháng năm đau khổ cất cánh bay đi”. Đó là ký ức nhói đau nhưng vô cùng quý giá!
Ngoài ra, trong “Sống” còn có nhiều câu chuyện dẫn dụ về những triết lý sống giá trị không chỉ của hôm qua mà cho cả hôm nay. Chẳng hạn, từ câu chuyện liên quan tới Nam – một thanh niên Campuchia về khu, có nhu cầu tình cảm cá nhân mãnh liệt nên liên tục vi phạm kỷ luật, thì: “Mẹ từng nghĩ, trong chiến khu, nhân danh tập thể, người ta lấn át cá nhân quá đáng… nhưng hành xử như Nam thì lại chứng minh cấp trên có lý”.
Hay như, khi nhớ lại câu chuyện về tấm ảnh, cùng với nỗi xấu hổ vì ý nghĩ ích kỷ lúc đó khi hay tin chị Ly ra tiền tuyến để “mẹ không còn thủ trưởng” (chị Ly dựng phim chính của tổ lúc nào cũng nghiêm khắc bắt lỗi-PV) thì còn là sự giật mình thức tỉnh và: “Nghĩ lại thấy thật phi lý, cứ phải đến khi ai đó sém chết, thì chúng ta mới chịu làm hòa”.
Mối hòa giải này không chỉ là của riêng cô Linh với chị Ly mà còn của mẹ Linh với cô con gái yêu – Hải An – suốt ngày bướng bỉnh tranh luận lớn tiếng, không thể cùng uống trà đàm đạo ở phòng khách hay nấu ăn trong bếp nhưng họ luôn thuộc về nhau.
Vì vậy, từ “Sống” độc giả được trải nghiệm một dạng tiểu thuyết được thể hiện rất đặc biệt khi bứt ra khỏi khuôn mẫu truyền thống và nhận không ít sẻ chia từ những giao cảm thế hệ dung dị mà sâu sắc và không kém phần đáng yêu, gần gũi về một thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam.
““Sống” là một tiểu thuyết bằng tranh mang đậm chất điện ảnh. Tôi đã đọc 3 lần: Từ nội dung đến xem tranh và đọc tổng thể. Theo tôi, có lẽ 2 tác giả đã nói chuyện với nhau rất nhiều để nếu bỏ hết các ký tự thì người đọc vẫn có thể hình dung ra câu chuyện. Đó là điều rất thú vị.
Dù tác giả rất tiết chế về câu chữ nhưng dung lượng thông tin, thông điệp, cảm xúc trong cuốn tiểu thuyết này rất lớn. Với tôi, sau những cuốn tiểu thuyết viết mấy nghìn chữ, khi đọc cuốn này thì học được nhiều điều rất đích đáng đối với nghề nghiệp là: Đôi khi không cần nói nhiều mà người đọc vẫn hiểu được” - Nhà văn Đỗ Bích Thúy.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thuo-ay-me-da-song-post680874.html