Thuốc chữa căn bệnh '3 không'
Báo cáo tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cho thấy: Động lực tăng trưởng chính trong nền kinh tế đất nước đang có dấu hiệu hụt hơi, khi mà TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, được xem là năng động, luôn đi đầu trong đổi mới, sáng tạo và phát triển, nhưng trong quý I năm 2023, tăng trưởng của thành phố chỉ đạt 0,7%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 30 năm qua.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc TP Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng ở nhóm thấp nhất cả nước đã được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chỉ ra tư tưởng "3 không" của một bộ phận cán bộ hiện nay là “Không nói - Không tham mưu đề xuất - Không triển khai hoặc triển khai cầm chừng”. Câu chuyện sợ trách nhiệm đã được nói đến nhiều lần, nhiều năm… Nhưng có lẽ chưa khi nào chuyện "sợ sai", "sợ trách nhiệm" lại xuất hiện nhiều trên khắp các diễn đàn như thời gian gần đây. Đây là nguyên nhân gây ra những ách tắc, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và rộng ra là ảnh hưởng tới cả nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch.
Trong lúc kinh tế thế giới khó khăn do ảnh hưởng của xung đột vũ trang, những diến biến phức tạp của dịch bệnh, vẫn xuất hiện các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, công ty tư nhân dám đột phá, sáng tạo, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm để đem lại lợi ích rất lớn không chỉ cho riêng họ mà còn cho đất nước. Vì sao trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước, cán bộ công chức lại chưa phát huy được tố chất này? Liệu có phải lâu nay do cơ chế còn thiếu, hay do các quy định về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo chưa cụ thể, rõ ràng nên cán bộ, đảng viên không phát huy được hết khả năng của mình? Một cảm giác chung là cán bộ, công chức suy nghĩ và làm theo lối mòn, sợ đụng chạm, sợ sai vẫn là tâm lý bao trùm đang là điểm nghẽn, là lực cản lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Có ý kiến cho rằng, thời gian qua công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã xử lý nhiều cán bộ sai phạm khiến một số người có tâm lý sợ sai, không dám quyết, không dám làm. Tuy nhiên, đây là một sự bao biện, những cán bộ bị xử lý kỷ luật đều từ những sai phạm vì động cơ cá nhân, có những trường hợp "núp bóng” sáng tạo, đổi mới để trục lợi. Còn công tác phòng, chống tham nhũng, theo khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không cản trở phát triển kinh tế - xã hội, làm nhụt chí cán bộ, mà ngược lại, đem đến những thành tựu đáng tự hào về kinh tế - xã hội, làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Trường hợp "núp bóng” sáng tạo, đổi mới mà phục vụ lợi ích cá nhân thì cần phải xử lý thật nghiêm để răn đe, giáo dục.
Một đoàn tàu muốn chạy tốt thì mọi toa tàu phải được vận hành trơn tru, bộ phận nào hư hỏng phải thay ngay, không thể để tình trạng chạy chậm chờ sửa chữa được. Trước tình trạng một bộ phận cán bộ công chức co cụm, cầu an, sợ sai, sợ trách nhiệm... giải pháp nào để tìm ra những con người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đang ẩn nấp đâu đó có lẽ việc đầu tiên là phải loại bỏ thái độ “3 không” bằng các chính sách thu hút cán bộ, khơi dậy tiềm năng và hành lang bảo vệ nhân tài.
Mặc dù Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Tuy nhiên, chúng ta chưa cụ thể hóa, luật hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật để đánh giá và bảo vệ cán bộ. Đồng thời tạo cơ chế để những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung không gặp phải hệ lụy tiêu cực, sự nghiệp bị ảnh hưởng bởi những quy định cứng nhắc. Như vậy, những cán bộ giỏi mới dám tư duy, tự tin để đột phá.
Định vị Kết luận số 14-KL/TW là bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung thì khi đó, những ý tưởng mới được phép thử nghiệm và quan trọng hơn cả, người thực hiện có “hành lang” rộng hơn để hoạt động. Bởi khi thử nghiệm cái mới, làm những điều khác biệt thì ranh giới giữa thành công và thất bại là rất mong manh, nhưng nếu không mang mục đích cá nhân, trục lợi mà vì cái chung, Đảng chắc chắn sẽ nhận ra và bảo vệ, bởi Đảng cũng chỉ có mục đích duy nhất là vì nước, vì dân.
Mong rằng chúng ta sẽ sớm có quy định cụ thể và được tổ chức thực hiện tốt, sẽ tạo môi trường và điều kiện để cho những cán bộ có khát vọng đổi mới, có tầm nhìn, dám quyết định, dám hành động, đề xuất giải pháp giải quyết vướng mắc... xuất hiện, phát huy và trưởng thành, bổ sung nguồn cho nguyên khí quốc gia. Tổ quốc và Nhân dân đang rất cần những "chiến tướng" có tầm nhìn, có sách lược, có trách nhiệm, tư duy sáng tạo vì lợi ích chung, vì quyền lợi của người dân và của quốc gia, dân tộc chứ đừng chỉ vì sự an toàn cho "cái ghế" của mình.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/thuoc-chua-can-benh-3-khong-i692333/