Thuốc điều trị chậm tiêu cơ năng

Chậm tiêu cơ năng có liên quan đến sự rối loạn của ống tiêu hóa trên. Đây là một trong những chẩn đoán thường gặp (khoảng 20 - 25% dân số), nhưng phần lớn chưa được quan tâm một cách đầy đủ. Vậy những thuốc nào được sử dụng trong trường hợp này...

Cho đến nay nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của chậm tiêu cơ năng chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, tuy nhiên có một vài yếu tố sau thường được nhắc đến trong bệnh sinh của chậm tiêu cơ năng: Rối loạn làm vơi dạ dày (kém vận động vùng hang vị hay còn gọi là liệt dạ dày; cường vận động dạ dày không hiệu lực; hoặc rối loạn vận động tá tràng biểu hiện là tá tràng tăng vận động nhưng không đồng bộ với dạ dày); bệnh dạ dày-tá tràng không loét; sự suy giảm hàng rào niêm mạc dạ dày; trào ngược tá tràng dạ dày; nhiễm HP và các loại vi khuẩn khác. Ngoài ra còn các yếu tố khác như: lo lắng, trầm cảm, rối loạn vận động túi mật...

Chậm tiêu cơ năng thường có các biểu hiện cảm giác đau và khó chịu vùng bụng nhất là vùng thượng vị sau ăn bao gồm rất nhiều mức độ khác nhau từ cảm giác khó chịu, nóng ran, đau tức hoặc cảm giác căng tức, cảm giác mau no, buồn nôn... Các triệu chứng này thay đổi theo thời gian và tùy thuộc vào loại hình của chậm tiêu cơ năng.

Để điều trị có hiệu quả trước hết cần khai thác được các thông tin hữu ích từ phía bệnh nhân, đặc biệt là các thói quen sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá, thuốc (thuốc chống viêm steroid hoặc non - steroid). Việc dùng thuốc điều trị chỉ thực hiện khi triệu chứng đã nặng và ảnh hưởng đến đời sống của bệnh nhân. Có rất nhiều thuốc có thể sử dụng trong điều trị chậm tiêu cơ năng, tuy nhiên liệu trình điều trị tối ưu cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ, tùy theo loại hình chậm tiêu mà có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp các thuốc. Có một số nhóm thuốc hay được sử dụng:

Nhóm thuốc an thần: Hay được sử dụng là sulpirit. Về cơ bản đây là thuốc chống rối loạn tâm thần lưỡng cực. Tuy nhiên, thuốc còn có tác dụng lên vùng thể lưới ở thân não và do đó có tác dụng ức chế tiết dịch vị dạ dày. Vì thế, thuốc còn được chỉ định dùng để điều trị trong bệnh lý loét dạ dày - tá tràng hoặc bệnh lý đại tràng chức năng. Khi dùng thuốc liều cao và kéo dài có thể gặp tác dụng không mong muốn như buồn ngủ, ngủ gật, ngủ gà, hội chứng ngoại tháp, tăng tiết sữa, vú to ở đàn ông, giảm khoái cảm, lãnh cảm, tăng cân, hạ huyết áp tư thế đứng... Không được sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú, người mắc bệnh động kinh, người bị u tủy thượng thận. Không được dùng thuốc cùng với levodopa, rượu, các thuốc hạ huyết áp khác.

Đau bụng - khó chịu vùng thượng vị là biểu hiện của chậm tiêu cơ năng.

Đau bụng - khó chịu vùng thượng vị là biểu hiện của chậm tiêu cơ năng.

Nhóm thuốc đồng vận: Hai nhóm thuốc thường được sử dụng trong trường hợp này là thuốc ức chế thụ thể domperidon và cisaprid.

Domperidon thúc đẩy nhu động của dạ dày, dùng để điều trị triệu chứng buồn nôn và nôn cấp; được chỉ định điều trị ngắn hạn triệu chứng buồn nôn và nôn nặng do nhiều nguyên nhân khác nhau; điều trị triệu chứng chứng khó tiêu không liên quan đến loét và điều trị triệu chứng của hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản. Đây là thuốc kê đơn, do vậy bệnh nhân không tự ý mua thuốc về dùng, cũng như không được dùng đơn thuốc cũ.

Cisaprid là một thuốc tăng vận động cơ trơn, kích thích vận động tất cả các phần của đường tiêu hóa, kể cả thực quản và ruột già. Thuốc làm tăng nhu động thực quản và trương lực cơ thắt tâm vị ở người bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. Cisaprid tăng cường đẩy thức ăn ra khỏi dạ dày và tăng cường vận chuyển ở ruột từ tá tràng đến van hồi - manh tràng, do tác dụng kích thích cơ trơn của thuốc phối hợp sự vận động của dạ dày, môn vị và tá tràng. Tuy nhiên, thuốc cũng làm tăng vận động đại tràng và tăng đẩy thức ăn qua manh tràng và đại tràng lên đồng thời có thể làm tăng số lần đại tiện ở cả người khỏe và người bị táo bón, một phần cũng có thể do thuốc làm giảm trương lực cơ thắt hậu môn. Thuốc chỉ được sử dụng khi có đơn của bác sĩ.

Thuốc ức chế acid: Phần lớn bệnh nhân chậm tiêu cơ năng có triệu chứng mang tính chất rối loạn acid dạ dày gọi là dạng loét, nên thuốc ức chế acid hay được sử dụng, trong đó đáng chú ý là hai nhóm thuốc kháng thụ thể H2 và nhóm thuốc ức chế bơm proton. Ngoài ra thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày như prostaglandin cũng được sử dụng trong điều trị và cho kết quả khá tốt.

Điều trị vi khuẩn HP: Thực tế lâm sàng, tần suất gặp HP trong chậm tiêu cơ năng khoảng 50%. Hiện nay tùy theo điều kiện có thể sử dụng clarythoromycin, tinidazole hay amoxycilin, hoặc metronidazole trong điều trị diệt HP. Ngoài ra việc sử dụng bismuth trong điều trị diệt HP cho kết quả khá tốt.

ThS. Nguyễn Thu Hiền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-cham-tieu-co-nang-n180903.html