Thuốc điều trị lỵ amip cấp

Bệnh lỵ amip cấp do ký sinh trùng Entamoeba histolytica gây ra, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được điều trị.

1. Bệnh lỵ amip cấp là gì?

Nội dung

1. Bệnh lỵ amip cấp là gì?

2. Thuốc điều trị bệnh lỵ amip cấp

2.1 Điều trị tổng quát

2.2 Dùng thuốc

2.3 Phẫu thuật

3. Làm gì để chủ động phòng ngừa bệnh lỵ amip?

Bệnh lỵ amip cấp là một bệnh truyền nhiễm đường ruột cấp tính. Nhiễm trùng amip bắt nguồn từ một loại ký sinh trùng, được gọi là Entamoeba histolytica, sống ở niêm mạc ruột.

Vòng đời của Entamoeba histolytica gồm hai giai đoạn: Giai đoạn u nang truyền nhiễm và giai đoạn tăng sinh tư dưỡng gây bệnh.

U nang có thể lây nhiễm trong vài ngày đến 1 tháng trong điều kiện bên ngoài thích hợp. Con đường lây truyền chính là ăn thực phẩm bị nhiễm u nang, nước uống, rau quả hoặc sử dụng chung đồ ăn.

Bệnh lỵ amip cấp do ký sinh trùng Entamoeba histolytica gây ra.

Bệnh lỵ amip cấp do ký sinh trùng Entamoeba histolytica gây ra.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đau bụng, tiêu chảy, mót rặn, đại tiện ra máu và nhầy, gây ra các triệu chứng toàn thân như sốt, chán ăn.

Các triệu chứng có thể kéo dài trong vài tuần. Một số người bị viêm đại tràng do amip có thể chỉ bị chảy máu từ hậu môn (chảy máu trực tràng) mà không bị tiêu chảy. Thiếu máu là biến chứng của bệnh lỵ amip do mất máu khi tiêu chảy ra máu.

2. Thuốc điều trị bệnh lỵ amip cấp

Điều trị bệnh lỵ amip bao gồm các khía cạnh sau:

2.1 Điều trị tổng quát

Trong giai đoạn cấp tính, người bệnh nên nghỉ ngơi tại giường, chú ý bổ sung nước, ăn các chất lỏng và bán lỏng dễ tiêu.

Khi tiêu chảy nặng, có thể bổ sung chất lỏng thích hợp để phòng ngừa và điều trị rối loạn cân bằng nước và điện giải. Bệnh nhân ở giai đoạn mạn tính nên tránh ăn đồ cay như ớt, đồ chiên rán.

2.2 Dùng thuốc

Khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng, việc điều trị dựa trên hai loại thuốc: Loại đầu là thuốc diệt amip, sau đó là loại thuốc tiêu diệt các u nang có trong ruột già. Đối với các dạng amip đường ruột và dạng gan nặng, cần phải nhập viện và điều trị khẩn cấp.

- Thuốc diệt amip: Metronidazole là một tác nhân kháng khuẩn, được kê đơn cho bệnh trichomonas, bệnh amip và các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác.

Trong bệnh lỵ amip cấp, metronidazole là thuốc được ưu tiên chỉ định, thời gian điều trị từ 7 đến 10 ngày. Các phản ứng phụ thường gặp bao gồm buồn nôn, nôn, chán ăn, chóng mặt… có thể thuyên giảm sau khi ngừng thuốc.

Các loại thuốc tương tự bao gồm tinidazole, ornidazole và secnidazole.

- Thuốc diệt u nang amip trong lòng ruột: Thuốc diệt amip trong lòng ruột, thường là paromomycin hoặc diloxanide, quá trình điều trị từ 7 đến 10 ngày. Khi sử dụng thuốc cần chú ý đến phản ứng dị ứng và tiến hành xét nghiệm nước tiểu định kỳ, kiểm tra chức năng thận và kiểm tra thính giác để ngăn ngừa nhiễm độc thận, nhiễm độc tai.

Các phản ứng phụ thường gặp là buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, khó chịu ở bụng, chán ăn và cần chú ý đến tác động của nó đối với sự phát triển của răng và xương của trẻ.

Lưu ý, thuốc có chống chỉ định với những người bị dị ứng với iốt, mắc bệnh tuyến giáp, tổn thương gan nặng, bệnh thần kinh thị giác và phụ nữ mang thai.

- Bù nước và chất điện giải: Những người bị viêm đại tràng do amip có nguy cơ bị mất nước. Tình trạng này có thể xảy ra nếu lượng nước và muối bị mất qua phân không được bù lại bằng cách uống đủ nước. Những người bị mất nước nghiêm trọng có thể cần truyền dịch qua đường truyền tĩnh mạch.

2.3 Phẫu thuật

Nếu biến chứng do chảy máu đường ruột nghiêm trọng, viêm phúc mạc do thủng ruột, áp xe gan, cần điều trị bằng phẫu thuật và dẫn lưu áp xe gan.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của bệnh lỵ amip cấp là đau bụng, tiêu chảy, mót rặn, đại tiện ra máu và nhầy.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của bệnh lỵ amip cấp là đau bụng, tiêu chảy, mót rặn, đại tiện ra máu và nhầy.

3. Làm gì để chủ động phòng ngừa bệnh lỵ amip?

Ngoài việc điều trị, các biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết, đặc biệt là ở những vùng có bệnh lỵ amip phổ biến.

Các biện pháp này bao gồm:

- Thực hành vệ sinh tốt: Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch sau khi sử dụng nhà vệ sinh và trước khi chế biến thực phẩm.

- Uống nước sạch: Tránh uống nước chưa qua xử lý hoặc bị ô nhiễm, sử dụng nước lọc hoặc nước tinh khiết khi cần thiết.

- Vệ sinh đúng cách: Sử dụng các cơ sở vệ sinh và duy trì các biện pháp vệ sinh tốt để ngăn ngừa sự lây lan của ký sinh trùng qua ô nhiễm phân.

- Xử lý thực phẩm an toàn: Đảm bảo thực phẩm được nấu chín kỹ, đặc biệt là thịt và tránh ăn hải sản sống hoặc chưa nấu chín.

- Biện pháp phòng ngừa khi đi du lịch: Khi đi du lịch đến những khu vực có nguy cơ mắc bệnh lỵ amip cao hơn, hãy thận trọng về nguồn thực phẩm và nước.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Các biện pháp tăng sức đề kháng và giữ sức khỏe lúc giao mùa | SKĐS

DS. Vũ Thùy Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-ly-amip-cap-169241203105707351.htm