Thước đo bản lĩnh cán bộ, công chức
Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), trong đó có nội dung đánh giá công chức dựa trên kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm; mức độ đáp ứng yêu cầu công việc và đạo đức công vụ. Theo đó, kết quả làm việc sẽ được đo lường bằng số lượng, chất lượng và tiến độ sản phẩm (Key Performance Indicator - KPI).
Phát biểu thảo luận tại tổ ở Quốc hội chiều 7-5 về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, công chức sẽ được xếp loại theo 4 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình đánh giá dựa trên kết quả, sản phẩm công việc theo vị trí đảm nhiệm, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ. Bộ trưởng cũng khẳng định việc đánh giá cán bộ, công chức sẽ thay đổi căn bản theo hướng định lượng, dựa trên KPI, thay cho cách đánh giá cảm tính, chung chung như hiện nay. Khi áp dụng phương pháp mới, việc đánh giá trở nên rất đơn giản. Công chức làm gì, hoàn thành như thế nào, bao nhiêu sản phẩm - tất cả đều được lượng hóa và dùng làm dữ liệu đầu vào. Đây là thước đo rõ ràng, minh bạch.
Đây là nội dung rất mới, nhiều người kỳ vọng, nếu hệ thống đánh giá theo KPI được áp dụng với công chức sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Thực tế, hệ thống đánh giá theo KPI đã được áp dụng trong khu vực doanh nghiệp từ lâu và đem lại hiệu quả rất thiết thực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ở khu vực tư nhân, khả năng lượng hóa công việc dễ dàng, còn trong khu vực công khó hơn vì tính chất công việc hành chính ở nhiều lĩnh vực không thể đo đếm. Đơn cử như cán bộ xây dựng chính sách rất khó định lượng vì tính chất công việc dài hạn.
Mặt khác, do nền công vụ ở nước ta còn thiếu cơ chế linh hoạt để sàng lọc, thay thế những công chức yếu kém, dẫn đến tình trạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, làm việc cầm chừng, việc hôm nay không xong để ngày mai… vẫn diễn ra phổ biến. Cũng vì không có hệ thống đánh giá rõ ràng, minh bạch dẫn đến khó phát hiện và phát triển người giỏi cũng như không thể loại bỏ được người không đáp ứng yêu cầu. Kéo theo việc đánh giá chất lượng công chức còn nhiều bất cập, thậm chí là nghịch lý (làm ít, làm nhiều, làm hay, làm dở… kết quả thành tích như nhau).
Thực tiễn nêu trên một lần nữa khẳng định, việc áp dụng KPI trong đánh giá công chức là bước tiến quan trọng nhằm lượng hóa tiêu chuẩn, chất lượng và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Minh chứng là, hiện thời hạn xử lý hồ sơ đã được số hóa công khai nên việc giải quyết thủ tục nhanh hay chậm chính là căn cứ để đánh giá hiệu quả làm việc của công chức, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, môi trường, đầu tư và kinh doanh. Theo đó, một công chức có thể hoàn thành đúng đầu việc được giao, nhưng nếu liên tục bị người dân và doanh nghiệp phản hồi tiêu cực thì rõ ràng hiệu quả công việc chưa đạt yêu cầu - từ chất lượng xử lý đến thái độ phục vụ thì không thể đánh giá là hoàn thành tốt hay xuất sắc nhiệm vụ.
Tuy nhiên, để tránh đánh giá máy móc, rập khuôn, việc xây dựng KPI phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và việc đánh giá KPI trong khu vực công cần kết hợp định lượng và định tính, bao gồm tiến độ xử lý, chất lượng văn bản và mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Song song đó, cần đưa vào hệ thống KPI tiêu chí đánh giá tinh thần đổi mới, sáng tạo của cán bộ, công chức, thậm chí lượng hóa thông qua khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức. Đồng thời có tiêu chí cụ thể trong việc đánh giá, khen thưởng những người “dám nghĩ, dám làm”, có sáng kiến, cải tiến cách làm, tạo ra hiệu quả rõ rệt.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/172755/thuoc-do-ban-linh-can-bo-cong-chuc