Thuốc gì trị viêm mũi dị ứng?

Mùa xuân, thời tiết thay đổi, nồm ẩm kéo dài, phấn hoa, nấm mốc phát triển là những tác nhân phổ biến gây viêm mũi dị ứng. Vậy có thuốc gì điều trị và làm cách nào phòng tránh?

Viêm mũi dị ứng là bệnh dị ứng phổ biến với tỷ lệ mắc ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, ước tính có tới 90% bệnh nhân viêm mũi dị ứng không được điều trị, điều trị không đủ hoặc điều trị không đúng cách.

Đối với người bệnh, viêm mũi dị ứng không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

Thời tiết nồm ẩm kéo dài là điều kiện thuận lợi để viêm mũi dị ứng phát tác.

Thời tiết nồm ẩm kéo dài là điều kiện thuận lợi để viêm mũi dị ứng phát tác.

1. Viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng là viêm niêm mạc mũi xảy ra sau phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với chất gây dị ứng trong môi trường. Chất này được gọi là chất gây dị ứng mà mọi người có thể tiếp xúc theo nhiều cách khác nhau: Chạm vào, nuốt phải, hít vào…

Khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, các kháng thể của cơ thể sẽ phát hiện ra chất đó và giải phóng các hóa chất bao gồm cả histamine vào máu. Phản ứng (quá mức) này sau đó gây ra các triệu chứng: Chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi...

Người bệnh viêm mũi dị ứng cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Các bác sĩ sẽ tiến hành làm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây, từ đó có các hướng điều trị phù hợp, cũng như hướng dẫn các biện pháp phòng tránh hiệu quả...

Viêm mũi dị ứng được phân thành 2 nhóm:

Viêm mũi dị ứng theo mùa: Khi các triệu chứng xảy ra vào những thời điểm cụ thể trong năm như mùa xuân...
Viêm mũi dị ứng quanh năm: Các triệu chứng xảy ra bất cứ lúc nào trong năm.

2. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng có thể được kích hoạt bởi các yếu tố, bao gồm:

Môi trường: Thay đổi thời tiết, khói, bụi và mạt nhà, ấm mốc phát triển trên giấy dán tường, thảm và vải bọc…
Hóa chất: Tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, một số loại thuốc điều trị như thuốc gây mê, thuốc kháng sinh
Di truyền: Tiền sử gia đình bị dị ứng như mắc các bệnh dị ứng khác, như dị ứng thực phẩm, hen suyễn, viêm da cơ địa...

3. Thuốc điều trị viêm mũi dị ứng

Mặc dù phương pháp điều trị lý tưởng đối với viêm múi dị ứng là tránh các tác nhân gây dị ứng, nhưng một số tác nhân gây dị ứng là không thể tránh khỏi. Trong trường hợp này, việc sử dụng thuốc có thể giúp giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng.

Các bác sĩ sẽ tiến hành làm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây dị ứng từ đó có các hướng điều trị phù hợp.

Các bác sĩ sẽ tiến hành làm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây dị ứng từ đó có các hướng điều trị phù hợp.

Các loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng phổ biến bao gồm:

- Nước muối sinh lý: Rửa sạch mũi bằng nước muối sinh lý có thể giúp loại bỏ các chất gây dị ứng và giảm chất nhầy từ mũi, giảm thoát dịch xuống phía sau cổ họng.

- Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin làm giảm các triệu chứng ngứa, hắt hơi hoặc sổ mũi. Các loại thuốc kháng histamine phổ biến bao gồm diphenhydramine, hydroxyzine, fexofenadine, cetirizine và loratadine.

Thuốc có tác dụng phụ nhẹ nhưng có thể bao gồm khô miệng và táo bón, một số loại có thể gây buồn ngủ. Tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược dĩ trước khi dùng thuốc nếu trên 65 tuổi, mắc bệnh tăng nhãn áp, khó tiểu, phì đại tuyến tiền liệt, rối loạn tuyến giáp hoặc các tình trạng bệnh lý khác.

- Thuốc kháng viêm corticosteroid: Thuốc xịt mũi chống viêm có thể chứa thuốc kháng histamine, corticosteroid hoặc kết hợp thuốc kháng histamine và corticosteroid, làm giảm giải phóng các chất trung gian gây viêm khác nhau, giúp giảm sưng ở mũi và xoang. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ khi dùng thuốc để xác định liều lượng thích hợp.

- Thuốc thông mũi: Thuốc thông mũi làm co mạch máu trong mũi làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi. Thuốc thông mũi có thể được dùng bằng đường uống hoặc xịt mũi.

Các tác dụng phụ bao gồm tăng nhịp tim, căng thẳng và mất ngủ, vì vậy tốt nhất nên dùng thuốc vào buổi sáng. Thuốc cần được dùng thận trọng, đặc biệt ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh tim, bệnh tăng nhãn áp, cường giáp hoặc đang dùng một số loại thuốc.

Không nên dùng thuốc chống nghẹt mũi dạng xịt hoặc nhỏ quá 7 ngày. Việc lạm dụng thuốc sẽ gây hiện tượng sinh lý phản hồi, khiến bệnh nhân nghẹt mũi nặng hơn rất khó điều trị

- Thuốc đối kháng thụ thể leukotrien: Leukotrienes được giải phóng trong phản ứng dị ứng và có thể gây viêm. Thuốc chống leukotrienes có thể giúp giảm nghẹt mũi.

Trong trường hợp việc điều trị thuốc không hiệu quả các bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp miễn dịch để bệnh nhân có thể tiếp xúc với dị nguyên mà không có triệu chứng bệnh.

4. Cách phòng ngừa viêm mũi dị ứng

Có thể giảm bớt các triệu chứng của viêm mũi dị ứng bằng cách xác định tác nhân gây dị ứng và tránh tiếp xúc càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, một số biện pháp dưới đây có thể giúp phòng ngừa bệnh:

Giữ nhà cửa và môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, không ẩm mốc, càng ít bụi càng tốt bằng cách dùng khăn ẩm để phủi bụi, máy lọc bụi…
Thường xuyên giặt và thay ga giường, chăn màn.
Giữ vật nuôi sạch sẽ và không cho phép chúng vào phòng ngủ hoặc trên đồ nội thất.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

DS. Vũ Thùy Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-gi-tri-viem-mui-di-ung-169230208120627945.htm