Thuốc giảm đau phổ biến liên quan đến suy tim ở người đái tháo đường type 2
Những người mắc đái tháo đường type 2 cần tham khảo ý kiến bác sĩ về những lợi ích và rủi ro trước khi dùng các thuốc giảm đau NSAID như ibuprofen. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với người lớn tuổi hoặc bệnh đái tháo đường của họ không được kiểm soát tốt.
Những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 luôn phải đối mặt với nguy cơ suy tim cao. Ngay cả khi không được chẩn đoán bệnh tim, những người bệnh này vẫn có nguy cơ mắc bệnh suy tim cao hơn gấp đôi so với dân số nói chung,
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa kỳ, việc sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID) trong một thời gian ngắn, có liên quan đến việc nhập viện lần đầu do suy tim ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2.
NSAID được biết là có liên quan đến nguy cơ tim mạch và thường không được khuyến cáo cho những người mắc bệnh tim đã biết. Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn về vấn đề này, nhưng nghiên cứu hiện tại cho thấy, cần thận trọng dùng các thuốc này cho những người mắc bệnh đái tháo đường type 2, ngay cả khi họ không được chẩn đoán mắc bệnh tim.
NSAID thường được sử dụng để giảm đau đầu, đau lưng và viêm khớp. Các loại thuốc phổ biến nhất trong nhóm này là aspirin, ibuprofen (motrin và advil) và naproxen (aleve)...
1. Thuốc giảm đau NSAID thường được sử dụng phổ biến ở người bệnh đái tháo đường type 2
Trong nghiên cứu dựa trên dữ liệu của Đan Mạch với hơn 330.000 người mắc bệnh đái tháo đường type 2, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, cứ 6 người thì có khoảng 1 người mua ít nhất một đơn thuốc NSAID trong vòng một năm. Thực tế này rất đáng lưu ý, TS. Anders Holt, Bệnh viện Đại học Copenhagen ở Đan Mạch, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Một trong những phát hiện đáng ngạc nhiên hơn là việc sử dụng khá nhiều thuốc NSAID được kê đơn trong nhóm bệnh nhân mắc đái tháo đường, một nhóm bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tim mạch rõ ràng.
2. Thuốc giảm đau NSAID liên quan đến tăng 40% nguy cơ suy tim
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của Đan Mạch để xác định những người được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2, trong khoảng thời gian từ 1998 đến 2021. Độ tuổi trung bình là 62 tuổi và 44% là phụ nữ. Những người được chẩn đoán suy tim hoặc bệnh thấp khớp cần sử dụng NSAID lâu dài đã bị loại khỏi nghiên cứu.
Trong năm đầu tiên kể từ khi được đưa vào nghiên cứu, 16% đối tượng mua ít nhất một đơn thuốc NSAID, trong khi 3% mua ít nhất ba đơn thuốc. Trong đó, ibuprofen là phổ biến nhất (12,2%), tiếp theo là diclofenac (3,3%), naproxen (0,9%) và celecoxib (0,4%). nghiên cứu cho thấy, NSAID thường được kê đơn ở Đan Mạch hơn là mua qua quầy. Trong thời gian theo dõi trung bình gần sáu năm, hơn 23.000 đối tượng nghiên cứu, lần đầu tiên phải nhập viện do suy tim.
Các nhà khoa học nhận thấy, sử dụng NSAID có liên quan đến nguy cơ nhập viện lần đầu do suy tim cao hơn 40%. Khi phân tích riêng các NSAID, nguy cơ nhập viện do suy tim tăng lên sau khi sử dụng diclofenac hoặc ibuprofen, nhưng không phải với celecoxib và naproxen (có khả năng là do tỷ lệ nhỏ người dùng các đơn thuốc này).
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét nguy cơ suy tim khi sử dụng NSAID trong các nhóm bệnh nhân cho thấy:
Không tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng NSAID và tăng nguy cơ ở những người mắc bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt.
Mối liên hệ mạnh mẽ được tìm thấy ở những người từ 65 tuổi trở lên, trong khi không có mối liên hệ nào được tìm thấy ở những người dưới 65 tuổi.
Mối liên quan mạnh nhất được tìm thấy ở những người mới sử dụng NSAID
Ngay cả khi không được chẩn đoán suy tim trước đó, NSAID có thể gây rủi ro cho những người mắc bệnh đái tháo đường type 2.
TS. Salpy V. Pamboukian, bác sĩ tim mạch tại UW Medicine ở Seattle cho biết: Mặc dù đây là nghiên cứu đơn lẻ, nhưng nó được thực hiện trên một nhóm rất lớn bệnh nhân và sử dụng dữ liệu thực tế, cho thấy những phát hiện này trở nên rất thuyết phục.
Các bác sĩ tim mạch từ lâu đã khuyến cáo, tránh dùng NSAID ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán suy tim, vì lo ngại làm suy thận hoặc suy tim nặng hơn. Nghiên cứu này hiện mở rộng những mối quan tâm này đến những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2, mà không được chẩn đoán suy tim trước đó.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khoảng 6,2 triệu người Mỹ trưởng thành bị suy tim (tim không bơm máu tốt như bình thường). Khi một người bị suy tim, các tế bào trong cơ thể không nhận đủ máu, dẫn đến mệt mỏi và khó thở.
Nghiên cứu trước đây được công bố trên BMJ cho thấy trong dân số nói chung, việc sử dụng hiện tại (trong vòng hai tuần qua) bất kỳ NSAID nào, có liên quan đến việc tăng 19% nguy cơ nhập viện do suy tim, so với những người không sử dụng NSAIDS trong thời gian ngắn (ít nhất sáu tháng). Người dùng liều NSAID càng cao thì nguy cơ càng cao.
3. Người bệnh cần nhận thức được nguy cơ bất lợi của thuốc
TS. Pamboukian cho biết, NSAID có sẵn và được nhiều bệnh nhân sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có nhiều bệnh họ có thể không bao giờ nói với bác sĩ.
Những phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết phải giáo dục ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ tim mạch, chẳng hạn như đái tháo đường, về những nguy hiểm mà thuốc không kê đơn có thể gây ra.
Bệnh nhân cho rằng, các loại thuốc mua không cần toa bác sĩ là 'an toàn', nhưng nghiên cứu này cho thấy, ngay cả những loại thuốc được sử dụng phổ biến cũng có thể gây rủi ro, thậm chí khi được sử dụng trong một thời gian ngắn.
Do đó, bất kỳ bệnh nhân nào dùng thuốc điều trị bệnh mạn tính, cần hiểu rằng bất kỳ loại thuốc mới nào họ sử dụng, đều có thể có tương tác hoặc tác dụng phụ và nếu họ không chắc chắn về độ an toàn của thuốc (thậm chí là loại thường dùng), cần trao đổi với các bác sĩ điều trị, TS Pamboukian khuyến cáo.
4. Tuổi tác, kiểm soát mức A1C và thuốc có thể khiến một số người có nguy cơ rất cao
TS. Holt cho biết, sẽ còn quá sớm để đưa ra các khuyến nghị lâm sàng chỉ dựa trên những phát hiện này, vốn cho thấy mối liên hệ nhưng chưa chứng mình được NSAID gây ra nguy cơ gia tăng.
Tuy nhiên, các phân tích phân nhóm cung cấp một số hiểu biết thú vị. Trong thực tế, bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân chưa từng dùng NSAID, bệnh nhân mắc đái tháo đường không được kiểm soát, bệnh nhân dùng cả thuốc ức chế hệ thống renin angiotensin và thuốc lợi tiểu... dường như dễ bị ảnh hưởng bởi mối liên quan này.
Ngược lại, không có mối liên quan đáng kể nào được tìm thấy ở những bệnh nhân trẻ tuổi và ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt.
Nếu việc điều trị bằng NSAID được chỉ định rõ ràng và cần thiết, thì các phân nhóm ‘nguy cơ cao’, có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ việc theo dõi chặt chẽ hơn, giảm liều lượng hoặc các chiến lược giảm thiểu khác, mặc dù dữ liệu hiện tại không hỗ trợ thực tiễn đó, cần phải nghiên cứu thêm, TS Holt nói.
5. Người bệnh đái tháo đường type 2 có nên tránh dùng NSAID không?
TS. Pamboukian khuyến cáo rằng, những người mắc bệnh đái tháo đường, cũng như các bệnh tim mạch khác như tăng huyết áp (đặc biệt nếu họ đang dùng các loại thuốc trợ tim khác), nên tránh dùng NSAID hoàn toàn.
Bộ ba dùng NSAID, thuốc lợi tiểu và thuốc ức chế men chuyển hoặc ARB, khiến bệnh nhân có nguy cơ bị suy tim và thận rất cao. Các loại thuốc giảm đau khác có thể được sử dụng và các liệu pháp không dùng thuốc để điều trị cơn đau có thể được lựa chọn thay thế cho NSAID.
Việc dùng thuốc xoay quanh 'rủi ro so với lợi ích'. Điều quan trọng là quyết định lợi ích của NSAID có xứng đáng với rủi ro hay không,TS. Pamboukian nói.