Thuốc kê đơn bán vô tội vạ bất cần toa bác sĩ
Rất nhiều nhà thuốc tư nhân và nhà thuốc bệnh viện ở TP.HCM sẵn sàng bán thuốc kê đơn mà không hề yêu cầu có toa của bác sĩ.
Tháng 3-2008, Bộ Y tế ban hành Công văn 1517/BYT-KCB hướng dẫn thực hiện quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú.
Công văn quy định 30 danh mục thuốc phải kê đơn và bán theo đơn. Trong đó có nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị hạ huyết áp, thuốc điều trị suy tim, thuốc chống huyết khối…
Bên cạnh đó, điểm p khoản 2 Điều 42 Luật Dược quy định cơ sở kinh doanh dược chỉ được bán thuốc kê đơn khi có đơn thuốc.
Không ai hỏi toa khi bán thuốc kê đơn
Trong vai người bị tăng huyết áp, PV Pháp Luật TP.HCM tới nhiều nhà thuốc trên địa bàn TP.HCM hỏi mua thuốc điều trị tăng huyết áp. Điều khiến PV bất ngờ là hầu hết các nhà thuốc sẵn sàng bán mà không hỏi toa của bác sĩ (BS).
Tấp vào nhà thuốc Long Châu (122 Trường Chính, phường 12, quận Tân Bình), PV hỏi mua thuốc điều trị tăng huyết áp. Không cần hỏi PV có toa của BS hay không, nhân viên sốt sắng vào trong lấy thuốc. Sau đó, nhân viên này đưa cho PV vỉ thuốc Stadovas 5mg với giá 7.000 đồng kèm hóa đơn bán hàng.
PV bước vào nhà thuốc Minh Châu (126 Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình) nằm kế bên. Nghe PV hỏi mua thuốc điều trị tăng huyết áp, nhân viên chẳng buồn hỏi có đơn thuốc hay không mà nhanh chóng đến kệ, lấy vỉ thuốc Stadovas 5mg rồi đưa cho PV. Sau khi nhận 7.000 đồng, nhân viên nhà thuốc này không cho PV hóa đơn bán hàng.
Ghé nhà thuốc Pharmacity (632 Hương Lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân), PV hỏi mua thuốc điều trị tăng huyết áp Stadovas 5mg.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vào cuộc
PV Pháp Luật TP.HCM cung cấp toàn bộ nhà thuốc đã bán thuốc kê đơn khi không có toa của BS cho Thanh tra Sở Y tế TP.HCM. Nơi đây cho biết sẽ nhanh chóng kiểm tra những nhà thuốc do Sở Y tế TP.HCM quản lý và thông tin kết quả cho PV.
Điểm đ khoản 3 Điều 59 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc. Bên cạnh đó, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của nhà thuốc trong thời hạn 6-9 tháng.
Cũng như nhân viên hai nhà thuốc nói trên, nhân viên nhà thuốc này không hỏi PV đơn thuốc. Đến kệ tủ có gắn bảng “Thuốc kê đơn”, nhân viên tìm một lúc rồi nói thuốc Stadovas 5mg hết hàng. Tiếp theo, nhân viên này nói có thuốc điều trị tăng huyết áp Amlodipin 5mg với giá 13.000 đồng/30 viên. Cầm hộp thuốc trên tay, PV thấy dòng chữ “Thuốc bán theo đơn” in rõ bên ngoài.
Tại quầy thuốc của Trung tâm Y khoa chuyên sâu quốc tế Bernard (201 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3), nhân viên không hỏi đơn thuốc sau khi nghe PV hỏi mua thuốc điều trị huyết áp. Sau đó, nhân viên này đưa cho PV một viên Amlor 5mg với giá 8.200 đồng.
Bệnh viện cũng “xé rào” bán thuốc kê đơn chẳng màng toa
Cứ tưởng thuốc kê đơn bán không cần toa chỉ xảy ra ở các nhà thuốc tư nhân nhưng thực tế vẫn tồn tại rất nhiều trong nhà thuốc bệnh viện (BV) công.
Tại nhà thuốc BV đa khoa khu vực Hóc Môn, nhân viên cũng không cần hỏi toa khi nghe PV nói mua một vỉ thuốc điều trị tăng huyết áp. Nhân viên này còn nói sao không mua luôn một hộp để dành uống. Nhà thuốc này bán vỉ thuốc Stadovas 5mg với giá 9.000 đồng nhưng không có hóa đơn.
Tương tự, nhân viên nhà thuốc BV Nguyễn Tri Phương cũng không yêu cầu đưa toa BS khi PV hỏi mua vỉ thuốc điều trị tăng huyết áp. Sau khi PV đóng 8.000 đồng, nhân viên này đưa cho PV vỉ thuốc Stadovas 5mg kèm hóa đơn bán hàng.
Ghé vào nhà thuốc BV Thống Nhất, PV cũng hỏi mua vỉ thuốc điều trị tăng huyết áp. Không cần biết PV có toa của BS hay không, nhân viên nhà thuốc này nhanh chóng tới kệ tủ lấy thuốc. Lát sau, nhân viên đưa cho PV vỉ thuốc Stadovas 5mg giá 9.000 đồng nhưng không có hóa đơn bán hàng.
Tại nhà thuốc BV Quân y 175, nhân viên chẳng quan tâm đơn thuốc khi nghe PV hỏi mua thuốc điều trị tăng huyết áp. Vỉ thuốc Stadovas 5 Tab tại đây được bán với giá 6.000 đồng nhưng không có hóa đơn bán hàng.
Nhân viên nhà thuốc BV Tân Phú và nhà thuốc BV Bình Tân cũng không hỏi toa của BS khi PV hỏi mua thuốc điều trị tăng huyết áp. Hai nhà thuốc này cũng không cho PV hóa đơn bán hàng.
Nhà thuốc BV Tân Phú bán vỉ thuốc Stadovas 5mg với giá 9.000 đồng, cao hơn 2.000 đồng so với vỉ thuốc cùng loại được bán tại nhà thuốc tư nhân. Nhà thuốc BV Bình Tân bán vỉ thuốc Amlodipine EG với giá 10.000 đồng. Điều đáng nói, một nhân viên của nhà thuốc BV này không mang khẩu trang khi bán thuốc.
Dễ ảnh hưởng sức khỏe nếu dùng không đúng chỉ dẫn của bác sĩ
Thuốc là hàng hóa đặc biệt, dễ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người nếu dùng không đúng hướng dẫn của BS. Đặc biệt là thuốc kê đơn. Do vậy, thuốc kê đơn chỉ được phép bán khi có toa của BS.
Không ít người có thói quen mua loại thuốc mình đã sử dụng từ trước tới nay, dù đó là thuốc kê đơn. Điều này không nên bởi sau thời gian điều trị và dùng thuốc, bệnh nhân có thể phát sinh những bệnh lý khác nên cần điều chỉnh loại thuốc đang sử dụng. Do đó, cần được BS khám và cho đơn thuốc mới.
Đối với nhà thuốc, khi bán thuốc kê đơn nhưng không có toa của BS sẽ khiến bệnh nhân dễ bị kháng thuốc hoặc dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc, thuốc giảm tác dụng điều trị.
BS PHAN QUỐC BẢO, phụ trách Khoa khám bệnh thuộc BV ĐH Y Dược TP.HCM (Cơ sở 2)
Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/thuoc-ke-don-ban-vo-toi-va-bat-can-toa-bac-si-1044322.html