Thuốc lá điện tử đang dễ dàng lôi cuốn giới trẻ

Trong khi tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành có xu hướng giảm thì nguy cơ lan tràn thuốc lá thế hệ mới trong giới trẻ lại ngày một tăng. Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 đến lớp 12 là 8,35%.

Tác hại khôn lường

Thời gian gần đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận không ít thanh thiếu niên sau khi sử dụng thuốc lá điện tử có biểu hiện hoang tưởng, kích động dữ dội. Theo các chuyên gia, hút thuốc lá điện tử thụ động bên cạnh gây ra các bệnh phổi như tắc nghẽn phổi mãn tính, ung thư phổi, hen… còn gây ra các bệnh lý khác như đột quỵ não, tim mạch, những bệnh lý liên quan tới ung thư. Thuốc lá điện tử cũng giống như thuốc lá truyền thống gây ảnh hưởng tới cả trẻ em, phụ nữ, những người hút thuốc lá thụ động.

Xây dựng trường học không khói thuốc đem lại môi trường trong lành, an toàn

Xây dựng trường học không khói thuốc đem lại môi trường trong lành, an toàn

Đáng lo ngại hơn, nhiều trường hợp thanh thiếu niên phải cấp cứu sau khi hút thuốc lá điện tử, qua xét nghiệm tinh chất có trong loại thuốc lá điện tử mà họ sử dụng có chứa hướng thần 5F-MDMB-PICA. Đây là một trong những loại ma túy tổng hợp kích thích thần kinh trung ương gây ảo giác mạnh về không gian và thời gian. Khi sử dụng lâu dài, 5F-MDMB-PICA khiến cấu trúc của thần kinh bị tổn thương, dẫn đến bị tâm thần phân liệt. Các loại ma túy thế hệ mới còn có thể dẫn tới ngộ độc, tử vong nhanh chóng.

Mặc dù tác hại khôn lường, song chúng ta lại không quá khó để bắt gặp những nam thanh niên tuổi còn rất trẻ hút thuốc lá, thuốc lá điện tử tại nơi công cộng, thậm chí tại các quán giải khát gần trường học.

Nguyễn Đức Việt – học sinh “có tiếng” tại một trường học trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội - cho biết, đã hút thuốc lá điện tử năm 16 tuổi. Lúc đầu em được người anh học khóa trên rủ hút thử, sau 2 – 3 lần hút thì không thể bỏ được. Cũng theo tiết lộ của Việt, hút thuốc lá điện tử “ngon” hay không phụ thuộc vào 2 thứ, đó là tinh dầu và bộ đồ hút. Thông thường một bộ đồ (gồm hộp đựng kiêm sạc pin và tẩu) có giá từ 2 - 5 triệu đồng, bộ cao cấp giá cả chục triệu. Thuốc để hút chủ yếu là các loại tinh dầu như: Chuối, xoài, dâu, cam, táo, nho, hoặc vị xì-gà, có giá từ 100.000 – 500.000 đồng/chai, tùy xuất xứ nhập khẩu cũng như mùi vị.

Nhiều học sinh sử dụng thuốc lá điện tử do thử một vài lần rồi nghiện, nhưng cũng có những bạn muốn thể hiện sự sành điệu, theo kịp “trend” giới trẻ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có nguy cơ lôi cuốn giới trẻ một cách dễ dàng, rộng rãi hơn. Đặc biệt với trẻ em gái vị thành niên. Đáng lưu ý, các sản phẩm thuốc lá điện tử hiện nay chủ yếu là hàng xách tay, trôi nổi, không được kiểm soát chất lượng, ảnh hưởng lớn đến giới trẻ.

Tăng cường giáo dục cho giới trẻ

Việc xây dựng trường học không khói thuốc không chỉ đem lại môi trường trong lành, an toàn, bảo vệ sức khỏe cho mọi người, mà còn hướng đến nếp sống văn minh cho thế hệ tương lai. Vì vậy, nhiều năm nay, toàn ngành giáo dục đã tích cực triển khai nhiều hoạt động về giáo dục sức khỏe; xây dựng môi trường lành mạnh, xanh - sạch - đẹp, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ và có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, trong đó có thuốc lá. Nội dung tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng được đưa vào chương trình giáo dục tại các bậc học THCS, THPT dưới nhiều hình thức đa dạng, như: Treo biển “không hút thuốc” được đặt từ hành lang đến các lớp học, phòng họp... Nhiều trường học lồng ghép nội dung này vào các môn học, hoặc lồng ghép nội dung tác hại của thuốc lá vào các buổi sinh hoạt chuyên đề. Ngoài ra, ban giám hiệu nhiều nhà trường còn tổ chức ký cam kết với học sinh, bí thư đoàn trường, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm xây dựng trường học không khói thuốc lá...

Cách tuyên truyền rất điển hình tại Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế, Bắc Giang): Nhà trường đã thành lập Đội phòng, chống hút thuốc lá, với lực lượng nòng cốt là những em học sinh đã từng hút thuốc hoặc có nguy cơ hút thuốc lá. Sở dĩ nhà trường sử dụng lực lượng này, bởi chính các em biết rõ nhất bạn mình ai là người hút thuốc, hút vào thời điểm nào, ở đâu, hút loại thuốc lá nào… Trên cơ sở đó, nhà trường kết hợp với giáo viên chủ nhiệm cùng sự quản lý, để hạn chế tối đa tình trạng học sinh hút thuốc lá.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Hà – Trường THPT Tiên Du, Bắc Ninh: Do tâm lý tuổi học trò muốn tìm hiểu, khám phá điều mới, không ít học sinh cấp 2, cấp 3 dù biết tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử song vẫn muốn “trải nghiệm”. Do vậy, để góp phần đẩy lùi tình trạng học sinh hút thuốc không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà cần có sự phối hợp của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều em không biết tác hại của việc hút thuốc. Vì vậy, đẩy mạnh nâng cao nhận thức tuyên truyền cho các em về tác hại của thuốc lá với sức khỏe bản thân và cộng đồng luôn luôn cần thiết.

Nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá, năm 2021 WHO chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của WHO.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuoc-la-dien-tu-dang-de-dang-loi-cuon-gioi-tre-158087.html