Thuốc lá điện tử tại Mỹ đối mặt điều tra về tác động sức khỏe con người
Bốn công ty sản xuất thuốc lá điện tử thống lĩnh thị trường đang phải đối mặt với một cuộc điều tra do các tác động sức khỏe từ các sản phẩm thuốc lá điện tử khi ngày 21-8, Ủy ban Thương mại và Năng lượng Quốc hội Mỹ đã gửi thư yêu cầu bốn công ty cung cấp thông tin về hoạt động nghiên cứu và bán hàng.
Ủy ban này đã gửi thư tới các công ty Juul Labs, có 35% thuộc sở hữu của nhà sản xuất Marlboro Altria Group Inc, công ty Fontem Ventures; công ty thuốc lá Japan; và Reynold American, một đơn vị của công ty British American.
Nội dung của các bức thư này tập trung vào việc tìm hiểu các công ty trên có dành tài chính cho các nghiên cứu về tác hại của các sản phẩm thuốc lá điện tử tới người sử dụng hay không và các sản phẩm này có thực sự giúp người nghiện cai hoàn toàn thuốc lá thông thường hay không. Đồng thời các công ty đã gửi thông tin tới Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm hay chưa.
Việc điều tra được thực hiện trong bối cảnh các nghị sĩ Mỹ ngày càng thắt chặt việc giám sát ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá điện tử. Một ủy ban riêng của quốc hội Mỹ hồi tháng 7 đã công bố các bức thư điện tử của Juul khi nhận định là những nỗ lực để công ty này len lỏi vào các trường học và quảng cáo trực tiếp (về thuốc lá điện tử) của công ty tới đối tượng thiếu niên.
Tuy nhiên, người đồng sáng lập công ty Juul James Monsees nói với ủy ban này rằng mục tiêu của công ty là những người hút thuốc trưởng thành.
Đại diện nghị sĩ Dân chủ của Ủy ban Thương mại và Năng lượng của quốc hội Mỹ Frank Pallone đã dẫn báo cáo của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) về các ca bệnh ung thư phổi có liên quan tới thuốc lá điện tử. Ông đề nghị các hãng sản xuất phải gửi lại câu trả lời của ủy ban và các tài liệu liên quan trước ngày 20-9.
Ngày 21-8, CDC cho biết đang tiến hành điều tra 153 trường hợp có khả năng bị các bệnh phổi nghiêm trọng có liên quan thuốc lá điện tử tại 16 bang ở Mỹ dù chưa có ca tử vong nào được xác nhận.
N.T
Theo Reuters