Thuốc lá mới: Bảo vệ sức khỏe cộng đồng cần dựa trên đánh giá khoa học toàn diện

Tiến độ trình Chính phủ phương án kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng sẽ phụ thuộc vào báo cáo khoa học toàn diện do Bộ Y tế thực hiện.

Kết quả khảo sát quốc gia của CDC Mỹ cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên tại nước này giảm mạnh. (Nguồn: CASAA)

Kết quả khảo sát quốc gia của CDC Mỹ cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên tại nước này giảm mạnh. (Nguồn: CASAA)

Trong diễn tiến mới nhất về phương án kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, để hoàn thiện Nghị định 67/2013-NĐ-CP sửa đổi, Bộ Công Thương đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá toàn diện các sản phẩm này trên căn cứ khoa học để làm cơ sở cho việc kiểm soát phù hợp.

Trước đó, phiên giải trình trách nhiệm quản lý thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử do Ủy ban Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức đầu tháng Năm vừa qua cũng kết luận trong năm 2024 Chính phủ cần chỉ đạo khảo sát, rà soát, đánh giá toàn diện thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng để làm cơ sở thống nhất quan điểm quản lý Nhà nước.

Như vậy, tiến độ trình Chính phủ phương án kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng sẽ phụ thuộc vào báo cáo khoa học toàn diện do Bộ Y tế thực hiện.

Tham khảo thông tin cập nhật căn cứ khoa học và pháp lý mới nhất trên toàn cầu

Trong Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, các đại biểu đặt vấn đề, hiện đã có nhiều biện pháp phòng, chống buôn lậu thuốc lá điện tử nhưng vì sao vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Bên cạnh đó, các hệ lụy xã hội như thuốc lá điện tử chứa chất cấm, ngộ độc hóa chất trong thuốc lá điện tử, tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng… vẫn tiếp tục gây lo lắng cho cơ quan quản lý và cộng đồng.

Thực tế từ năm 2017 khi Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các bộ liên quan đề xuất phương án quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đến nay, vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý nào được thiết lập. Đây là một thách thức lớn đối với việc phòng chống buôn lậu hiệu quả.

Trên thế giới, tại Mỹ, trong năm 2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ (12-18 tuổi) tăng vọt đến 27,7%. Đồng thời, Mỹ cũng ghi nhận hàng chục ca tử vong vì EVALI - tổn thương phổi cấp vì sử dụng thuốc lá điện tử chứa tinh dầu cần sa (THC).

Tuy nhiên sau đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ Mỹ đã liên tục giảm mạnh đến gần 2/3 vào cuối năm 2023 với chỉ 10%, theo báo cáo mới nhất của CDC (Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật) và FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm) Mỹ.

Kết quả này tại Mỹ được cho là do việc tăng cường thực thi pháp luật đối với việc kinh doanh thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép kinh doanh cho từng sản phẩm thuốc lá mới, và kịp thời khuyến cáo rõ ràng về tác hại liên quan.

Theo đó, năm 2017 FDA đã nghiên cứu và kiểm nghiệm một loại thuốc lá làm nóng, để cấp phép cho sản phẩm thuốc lá làm nóng đầu tiên này vào năm 2019. Đến năm 2020 FDA tiếp tục công nhận sản phẩm này là thuốc lá “Điều chỉnh về nguy cơ - Giảm thiểu phơi nhiễm (với các chất gây hại)” (MRTP) vì “phù hợp với mục tiêu cải thiện sức khỏe cộng đồng.”

CDC Mỹ cũng đã làm rõ về bản chất của bệnh EVALI, đưa ra khuyến cáo cụ thể là không được sử dụng thuốc lá điện tử có chứa tinh dầu THC nhập lậu. Được biết từ 2021 đến nay, Mỹ chưa ghi nhận ca tử vong EVALI mới.

Bảo vệ sức khỏe cộng đồng: Chờ kết quả đánh giá khoa học từ Bộ Y tế

Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã có nhiều lần làm việc cùng Bộ Y tế để tìm tiếng nói chung trong vấn đề kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.

Đến nay, để sớm thống nhất giải pháp, tại Phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 4-5/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ đã đề xuất Chính phủ tạm dừng thông qua Nghị định 67 về quản lý thuốc lá mới cho đến khi Bộ Y tế đánh giá chính thức về tác hại của các sản phẩm này.

 Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Trước đó, trong phiên giải trình ngày 4/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thanh Mẫn yêu cầu cần nhận diện đúng và đánh giá tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.

“Quản lý phải trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý Nhà nước,” ông Mẫn nhấn mạnh. Theo đó, Bộ Y tế cần có nghiên cứu đầy đủ toàn diện về khoa học, kinh tế, xã hội và những yếu tố tác động khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ông Tạ Văn Hạ cũng nhận định cần có nghiên cứu, công bố chính thức của các cơ quan chức năng, trong đó “pháp lý và thực tiễn kinh nghiệm của quốc tế” cũng là nguồn tham khảo cho Việt Nam để hoàn thiện khung pháp lý cho thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử.

Mặt khác, nếu quản lý theo hướng cấm thì cần phải sửa từ Luật Đầu tư đến Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.

Tuy nhiên, dẫn quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần tối thiểu 3-5 năm để sửa luật hoặc ban hành nghị quyết cấm, ông Hạ cho rằng Việt Nam có thể tham khảo, thừa nhận những căn cứ khoa học và pháp lý cập nhật nhất từ các cơ quan y tế, chính phủ trên toàn cầu để sớm có giải pháp phù hợp./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thuoc-la-moi-bao-ve-suc-khoe-cong-dong-can-dua-tren-danh-gia-khoa-hoc-toan-dien-post958699.vnp