Thuốc làm mềm phân là gì và khi nào cần sử dụng?
Thuốc làm mềm phân là loại thuốc hiệu quả để phòng ngừa và điều trị táo bón, nhưng cần được sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc dược sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
1. Thuốc làm mềm phân là gì?
Táo bón là tình trạng khi phân trở nên cứng và khô, khiến cho việc đi tiêu rất khó khăn và đau đớn. Nếu không được điều trị kịp thời, táo bón có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi, buồn nôn... Ngoài ra nếu rặn quá nhiều và tái diễn có thể khiến các mạch máu xung quanh hậu môn sưng lên, huyết áp tăng và tổn thương trực tràng.
Thuốc làm mềm phân là chất hoạt động bề mặt giúp tăng lượng nước mà phân hấp thụ trong ruột, làm cho phân mềm hơn và dễ đi ngoài hơn. Thuốc có thể được dùng bằng đường uống hoặc đường trực tràng.
Thuốc làm mềm phân giúp ngăn ngừa và điều trị táo bón, đồng thời giảm đau hoặc tổn thương trực tràng do phân cứng hoặc do rặn khi đi tiêu.
Thuốc làm mềm phân cũng kích thích bài tiết nước, natri, clorua và kali, đồng thời ức chế sự hấp thụ bicarbonate và glucose ở phần hỗng tràng của ruột non, cho phép các chất trong ruột giữ được nhiều chất lỏng hơn.
Thuốc làm mềm phân phổ biến là natri docusat, thường mất 1-3 ngày để phát huy tác dụng.
2. Thuốc làm mềm phân được sử dụng khi nào?
Có thể sử dụng thuốc làm mềm phân để điều trị táo bón. Điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân của táo bón trước khi sử dụng thuốc làm mềm phân.
Nếu táo bón là do chế độ ăn uống không đủ chất xơ hoặc không uống đủ nước, việc thay đổi chế độ ăn uống và uống nhiều nước sẽ giúp cải thiện tình trạng táo bón.
Tuy nhiên, nếu táo bón là do các nguyên nhân khác như bệnh trĩ, rối loạn tiêu hóa, tình trạng sử dụng thuốc khác hay mắc bệnh lý nội khoa, việc sử dụng thuốc làm mềm phân có thể được đề xuất để giúp giảm tình trạng táo bón và cải thiện sức khỏe.
Thuốc làm mềm phân cũng được sử dụng trong các trường hợp:
Bệnh nhân đang hồi phục sau phẫu thuật vùng bụng, vùng chậu hoặc trực tràng
Phụ nữ sau sinh
Huyết áp cao, đau tim
Bệnh trĩ, thoát vị bụng, hoặc nứt hậu môn...
Thuốc làm mềm phân cũng có thể được sử dụng để làm sạch ruột trước một số thủ tục kiểm tra y tế như nội soi đại trực tràng. Khi được sử dụng với mục đích này, bệnh viện hoặc phòng khám sẽ cung cấp và hướng dẫn sử dụng thuốc đầy đủ.
3. Những điều lưu ý khi sử dụng thuốc làm mềm phân trị táo bón
Dưới đây là những điều cần lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc làm mềm phân:
Liều lượng và cách sử dụng: Sử dụng chính xác theo chỉ dẫn trên nhãn, hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Không sử dụng với liều lượng lớn hơn hoặc lâu hơn so với khuyến cáo. Thuốc thường nên được sử dụng trong khoảng thời gian dưới 1 tuần. Nếu lâu hơn một tuần, cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn. Không nghiền nát, nhai, bẻ hoặc mở viên nang hoặc viên nén khi uống.
Tác dụng phụ: Bên cạnh tác dụng chữa bệnh, tất cả các loại thuốc đều có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn mặc dù không phải ai cũng gặp phải. Sử dụng thuốc làm mềm phân có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn.
Thuốc cũng có thể gây mất cân bằng điện giải, thậm chí nghiêm trọng và có thể gây co giật. Đặc biệt, người già, trẻ em và những người có tiền sử bệnh lý nội khoa cần được thăm khám bởi bác sĩ trước khi sử dụng thuốc làm mềm phân.
Tương tác thuốc: Thuốc làm mềm phân có thể tương tác với một số loại thuốc khác như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc trị ung thư… nên cần lưu ý khi sử dụng cùng các loại thuốc này.
Phản ứng dị ứng: Phản ứng dị ứng với thuốc làm mềm phân là không phổ biến, nếu gặp các triệu chứng như phát ban, hắt hơi, ngứa, khó thở, hãy ngừng sử dụng ngay lập tức và hỏi ý kiến bác sĩ. Ngừng sử dụng và hỏi bác sĩ nếu bị chảy máu trực tràng hoặc không đi tiêu được sau khi sử dụng thuốc.
Và điều cuối cùng cần lưu ý, đó là một chế độ ăn uống lành mạnh có chứa chất xơ (bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt, cám, trái cây và rau lá xanh), uống đủ nước và tập thể dục hàng ngày rất quan trọng trong việc duy trì chức năng đường ruột khỏe mạnh, giúp ngăn ngừa táo bón.
Mời xem thêm video đang được quan tâm: