Thuốc, thực phẩm chức năng giả cần tăng nặng chế tài xử phạt

Trước vấn nạn thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng giả tràn lan, các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, để giải quyết thực trạng trên, bên cạnh giải pháp kiểm soát chặt, cần sửa đổi các quy định pháp luật để tăng nặng chế tài xử phạt.

Thuốc, thực phẩm chức năng bị làm giả ngày càng tinh vi. Ảnh: QLTT

Thuốc, thực phẩm chức năng bị làm giả ngày càng tinh vi. Ảnh: QLTT

Thuốc, thực phẩm chức năng giả ngày càng tinh vi

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng giả, điển hình như vụ thuốc giả Tetracyclin, Clorocid tại Thanh Hóa, Hà Nam với quy mô lớn, có tổ chức. Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cũng đã triệt phá một số đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, bao gồm cả sữa giả và thực phẩm chức năng giả…

Đánh giá về hệ lụy của thực trạng trên, TS. Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho rằng, thuốc giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế, mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ gia tăng thuốc giả từ bên ngoài xâm nhập, rồi lan rộng qua các kênh trực tuyến, đặc biệt là mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Dù Việt Nam đã xây dựng hệ thống quản lý dược tương đối đầy đủ, với Luật Dược, Bộ luật Hình sự, cùng hàng loạt nghị định, thông tư và quy trình quản lý từ tiền kiểm đến hậu kiểm, song công tác phòng chống thuốc giả vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Ông Hùng cho hay, các đối tượng làm giả thuốc ngày càng tinh vi, có thể sản xuất chui mà không cần nhà xưởng cố định, chia nhỏ quy trình để tránh bị phát hiện và dùng mạng xã hội làm kênh tiêu thụ. Trong khi đó, một bộ phận nhà thuốc bán lẻ chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định, bán thuốc không hóa đơn, không truy xuất được nguồn gốc, tạo điều kiện cho thuốc giả thâm nhập hệ thống chính thống.

Ngoài ra, hệ thống kiểm nghiệm thuốc tại Việt Nam - với 3 viện trung ương và 62 trung tâm cấp tỉnh vẫn đang thiếu trang thiết bị hiện đại để kiểm tra nhanh tại chỗ, chưa đồng bộ về năng lực. Một số quy định về xử lý vi phạm hành chính còn nhẹ tay, chưa đủ sức răn đe, đặc biệt với thuốc không rõ nguồn gốc có giá trị nhỏ hoặc chưa đủ điều kiện để xử lý hình sự.

Còn theo bà Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tại Việt Nam, tình trạng này có một phần nguyên nhân từ những bất cập trong cơ chế quản lý. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự công bố sản phẩm, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để làm ăn phi pháp.

Với thủ tục tự công bố khá đơn giản, hồ sơ không phức tạp và không mất phí, nhiều doanh nghiệp ồ ạt tự công bố sản phẩm, nhưng số lượng sản xuất thực tế có thể không đúng với số lượng đã công bố, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, hậu kiểm.

Về phía cơ quan quản lý, bên cạnh hành vi cố tình vi phạm của doanh nghiệp, cũng gặp khó khăn do số lượng sản phẩm công bố quá lớn. Bất kỳ doanh nghiệp nào có đăng ký kinh doanh đều có thể công bố sản phẩm thực phẩm, trong khi đó, lực lượng hậu kiểm còn hạn chế. Công tác hậu kiểm bao gồm nhiều hoạt động như kiểm tra hồ sơ, kiểm tra cơ sở sản xuất, lấy mẫu sản phẩm trên thị trường hoặc tại cơ sở sản xuất để kiểm nghiệm, chi phí cho công tác kiểm nghiệm khá cao, gây khó khăn cho các địa phương.

Kiểm soát chặt sản phẩm lưu thông trên thị trường

Để giải quyết vấn đề này, bà Nga cho biết, Cục An toàn thực phẩm đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi Nghị định

15/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thắt chặt quản lý và khắc phục những tồn tại hiện nay. Cùng với đó, kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư về nhân lực và kinh phí cho công tác hậu kiểm.

Việc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật, cùng với việc trang bị các công cụ hiệu quả để kiểm soát chặt chẽ sản phẩm lưu thông trên thị trường là yếu tố then chốt để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. Công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm cần được thực hiện nghiêm minh và thường xuyên.

Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần trang bị những kiến thức cần thiết để có thể tự mình lựa chọn thực phẩm một cách thông thái. Việc tìm hiểu thông tin về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, thành phần, nhãn mác, cũng như cập nhật các cảnh báo từ cơ quan chức năng, sẽ giúp người tiêu dùng đưa ra những quyết định sáng suốt, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Tạ Mạnh Hùng cho rằng, trước hết cần hoàn thiện pháp luật, tăng mức phạt và bổ sung các quy định kiểm soát bán thuốc online, công khai thông tin đơn vị phân phối và áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng mã QR.

Bên cạnh đó, siết chặt thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là kinh doanh trên mạng xã hội. Một trụ cột quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như blockchain, cơ sở dữ liệu ngành dược đồng bộ toàn quốc và phần mềm theo dõi đơn thuốc, bệnh án điện tử.

“Bộ Y tế sẽ tăng cường đầu tư cho hệ thống kiểm nghiệm, truyền thông cảnh báo cộng đồng và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp chân chính. Cuộc chiến chống thuốc giả là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Chúng ta cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với sự tỉnh táo và hợp tác của người dân” - ông Hùng nhấn mạnh.

Không có vùng cấm, ngoại lệ với hàng giả

"Quan điểm của Bộ Y tế về xử lý hàng giả trong lĩnh vực y tế là phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuoc-thuc-pham-chuc-nang-gia-can-tang-nang-che-tai-xu-phat-177228.html