Thuộc top đầu về mạng lưới, LienVietPostBank nuôi tham vọng thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu
Năm 2019, LienVietPostBank mở mới 3 chi nhánh và nâng cấp 147 phòng giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng. Dự kiến đến 31/7/2020, LienVietPostBank tiếp tục đưa vào hoạt động 18 phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch của ngân hàng lên gần 560 điểm trải dài trên toàn quốc, tiếp tục là một trong những ngân hàng TMCP dẫn đầu về mạng lưới giao dịch.
Mạng lưới giao dịch rộng lớn đã giúp LienVietPostBank tiếp cận được nhiều đối tượng, nhiều phân khúc khách hàng ở những vùng miền khác nhau trên cả nước. Đặc biệt, ngân hàng tiếp cận được bộ phận người dân sinh sống ở vùng nông thôn, những người không có cơ hội tiếp cận hoặc tiếp cận rất ít với dịch vụ tài chính ngân hàng. Điều này mang lại tiềm năng và lợi thế bán lẻ rất lớn cho LienVietPostBank.
Với lợi thế này, LienVietPostBank đã thu hút được lượng lớn nguồn tiền gửi dài hạn, ổn định, phần lớn là từ các khách hàng cá nhân nhỏ lẻ, đưa cơ cấu tiền gửi từ dân cư chiếm tỷ trọng trên 70% huy động vốn, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của Ngân hàng. Bên cạnh đó, mạng lưới giao dịch lớn cũng là lợi thế để LienVietPostBank triển khai hiệu quả các hoạt động dịch vụ của ngân hàng như: chi trả bảo hiểm xã hội cho các đối tượng được hưởng chế độ hưu trí trên toàn quốc thông qua hệ thống các điểm giao dịch đặt tại trung tâm địa bàn cấp huyện; triển khai dịch vụ bảo hiểm. Đây là một trong những hoạt động đang mang lại nguồn thu lớn nhất trong tổng thu dịch vụ của các ngân hàng thương mại hiện nay; phát triển các dịch vụ thu hộ, chi hộ tiền điện, tiền nước, truyền hình… Thông qua tiếp cận và phát triển các khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa LienVietPostBank đã mang đến các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mang dịch vụ tài chính vi mô của ngân hàng đến với khu vực vùng sâu, vùng xa, góp phần tích cực vào việc cải thiện đời sống kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, chung tay đẩy lùi “tín dụng đen”.
Thế mạnh về mạng lưới giao dịch ở các vùng nông thôn
Thực tế hiện nay, các điểm giao dịch ngân hàng tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, nơi có mật độ dân cư đông đúc với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và các dịch vụ công nghệ hiện đại. Đối lập với đó, tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các điểm giao dịch ngân hàng còn thưa thớt. Các ngân hàng khá e dè mở mới điểm giao dịch tại những địa bàn này bởi lẽ chi phí mở mới lớn và chủ yếu là khách hàng nhỏ lẻ nên thời gian thu hồi vốn chậm hơn các điểm giao dịch ở khu vực thành phố. Sự mất cân đối đó đã tạo ra một khoảng trống lớn tại các khu vực nông thôn nơi mà người dân cũng rất cần vốn nhưng khó khăn trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Hướng đến mục tiêu mang sản phẩm dịch vụ và công nghệ ngân hàng đến với mọi người dân trên cả nước và đẩy mạnh khai thác ở khu vực có mức độ cạnh tranh thấp, LienVietPostBank đã tập trung mở rộng mạng lưới tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên cơ sở nâng cấp các phòng giao dịch bưu điện tại các huyện thành các phòng giao dịch ngân hàng. Chi phí nâng cấp từ các phòng giao dịch bưu điện có sẵn rẻ hơn rất nhiều, chỉ bằng 1/5 chi phí so với việc mở mới các điểm giao dịch - đây là lợi thế riêng có của LienVietPostBank mà không một ngân hàng thương mại nào có được. Các điểm giao dịch của LienVietPostBank có cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nhân sự tinh giản để phù hợp với đặc thù địa bàn nhưng vẫn hoạt động như một điểm giao dịch thông thường với đầy đủ cơ sở vật chất, công nghệ, cung cấp đầy đủ sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, vừa giúp Ngân hàng tiết giảm chi phí vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả. Trên thực tế rất nhiều phòng giao dịch của LienVietPostBank đã có lãi chỉ sau hơn 12 tháng hoạt động.
Đón đầu xu hướng, thế mạnh mạng lưới là cơ sở để phát triển ngân hàng số
Trong các năm gần đây, dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, tỷ lệ người dân chuyển sang dùng điện thoại thông minh cao nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên với đặc thù là 65% dân số sống ở vùng nông thôn, trình độ tiếp cận cũng như kiến thức sử dụng các dịch vụ số của người dân cần có thời gian để được hướng dẫn, đào tạo sử dụng, đặc biệt là trong bối cảnh các sản phẩm số hóa chưa thực sự thân thiện, thuận tiện với người dùng, việc này sẽ tạo độ trễ nhất định trong việc phổ cập và phát triển sâu rộng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số.
Nắm bắt được cơ hội, thách thức này LienVietPostBank lựa chọn chiến lược đón đầu xu thế, vừa phát triển mạng lưới vật lý vừa chú trọng phát triển ngân hàng số. Thông qua mạng lưới các điểm giao dịch nằm tại tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước, LienVietPostBank thực hiện hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng, tăng khả năng tiếp cận người dân trong việc sử dụng các sản phẩm công nghệ số một cách dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn.
Năm 2020, LienVietPostBank tiếp tục chiến lược phát triển mạng lưới tạo cơ sở để triển khai đồng loạt, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và là bước đệm phát triển dịch vụ ngân hàng số, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.