Thuốc trị Covid-19 của Pfizer hiệu quả cao, Hong Kong có ca đầu tiên mắc Delta Plus

Hãng dược phẩm Mỹ Pfizer tuyên bố, một loại thuốc thử nghiệm điều trị Covid-19 của họ đã giảm 89% khả năng nhập viện và tử vong ở những người trưởng thành có nguy cơ cao phát bệnh nặng sau nhiễm virus.

Kết quả thử nghiệm ám chỉ thuốc kháng virus có tên Paxlovid của Pfizer đạt công hiệu cao hơn thuốc Molnupiravir của công ty dược Merck & Co. Tháng trước, nhà sản xuất tuyên bố Molnupiravir đã cắt giảm một nửa khả năng tử vong và nhập viện ở những bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ cao phát bệnh nặng,

Theo Reuters, Paxlovid có thể được nhà chức trách Mỹ phê duyệt lưu hành vào cuối năm nay. Pfizer tiết lộ, hãng đang có kế hoạch đệ trình các kết quả thử nghiệm lên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) trước dịp lễ Tạ ơn 25/11. Quá trình thử nghiệm đã ngưng sớm vì kết quả thành công cao.

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 5/11 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, chính phủ nước này đã đặt mua hàng triệu liều thuốc điều trị Covid-19 của Pfizer. Ông Biden tin, việc điều trị bằng thuốc viên kháng virus kết hợp với triển khai tiêm chủng cho trẻ em có thể giúp Mỹ sớm thoát khỏi đại dịch.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Albert Bourla, Tổng giám đốc điều hành Pfizer nói, công ty đang đàm phán với 90 quốc gia về các hợp đồng cung ứng Paxlovid.

Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới vì đại dịch, với tổng cộng hơn 47,3 triệu ca mắc, gần 774.000 trường hợp tử vong. 67% dân số toàn quốc đã được tiêm một mũi vắc xin, 58% hoàn thành tiêm phòng và 6,2% đã được tiêm mũi tăng cường.

Hong Kong phát hiện ca mắc AY.4.2 đầu tiên

Nhà chức trách y tế Hong Kong (Trung Quốc) ngày 5/11 thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên ở đặc khu mắc một biến thể phụ của chủng Delta là AY.4.2 hay còn gọi là Delta Plus.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, ca mắc AY.4.2 này là một người đàn ông 62 tuổi đến từ Anh, nhập cảnh hôm 1/11 trên chuyến bay 027 của hãng hàng không British Airways.

Bệnh nhân đang sinh sống và làm việc ở Hong Kong, nhưng đã tới Anh vào ngày 16/10 và quay trở về vào đầu tháng này. Trung tâm xét nghiệm ở sân bay đặc khu đã phát hiện ông dương tính với Covid-19 ngay khi nhập cảnh. Kết quả truy vết xác định, lần gần đấy nhất ông tới nơi làm việc - CLB bóng đá Hong Kong là vào ngày 14/10.

Mọi người tại nơi làm việc, khu dân cư cũng như các địa điểm người này lui tới trong thời gian ủ bệnh đều phải xét nghiệm kiểm dịch bắt buộc. Hiện chưa có ca mắc trong cộng đồng nào được ghi nhận.

Cùng ngày, Hong Kong cũng báo cáo một ca mắc mới ngồi cùng chuyến bay với trường hợp nhiễm Delta Plus. Song, các chuyên gia nói, điều này sẽ không cản trở nỗ lực của thành phố nhằm thuyết phục Bắc Kinh khởi động lại hoạt động du lịch xuyên biên giới không cần cách ly.

Trước đó, lãnh đạo đặc khu Carrie Lam tuyên bố trước các lãnh đạo doanh nghiệp rằng, các hoạt động xuyên biên giới có thể được khôi phục vào tháng 2/2022. Bà tiết lộ, đặc khu có thể xúc tiến quá trình tái mở cửa dần, bắt đầu với Thâm Quyến sớm nhất vào tháng 12 năm nay.

Indonesia - Singapore lập hành lang du lịch cho người đã tiêm chủng

Wiky Adisasmito, phát ngôn viên Lực lượng đặc trách chống Covid-19 của Indonesia cho biết, nước này và Singapore đang thảo luận để nhanh chóng thiết lập chương trình hành lang du lịch dành cho người đã tiêm phòng (VTL). Cụ thể, khi được triển khai, VTL sẽ cho phép du khách từ nước này đến nước kia khi đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin và có giấy chứng nhận y tế hợp lệ.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 5/11, ông Adisasmito lưu ý, khách du lịch đủ điều kiện tham gia chương trình là công dân của những nước có thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ VTL hoặc những chương trình hợp tác khác với Chính phủ Indonesia, như thỏa thuận công nhận hộ chiếu vắc xin lẫn nhau và thiết lập hành lang du lịch.

Các khuôn khổ hợp tác nói trên nhằm hồi sinh các hoạt động cộng đồng, nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng chống lây lan virus từ bên ngoài vào lãnh thổ Indonesia.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 6/11 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 249,8 triệu người, gần 5,1 triệu ca tử vong. Song, hơn 226,1 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

- Trong bối cảnh số ca mắc mới tiếp tục tăng, Bộ Y tế Lào dự định chính thức cấp phép sử dụng 3 loại thảo dược gồm xuyên tâm liên, diếp cá và ngải bún trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19, sau khi kết quả nghiên cứu cho thấy chúng đạt hiệu quả khoảng 80 - 100%.

- Chính phủ Nhật thông báo sẽ rút ngắn thời gian cách ly phòng dịch xuống còn 3 ngày đối với những doanh nhân nước ngoài đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 khi nhập cảnh kể từ ngày 8/11. Doanh nghiệp tại Nhật phải chịu trách nhiệm quản lý hành vi, di chuyển của người đó trong thời gian 3 ngày tự cách ly. Sang ngày thứ 4, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính, họ sẽ được bắt đầu tham gia các hoạt động bình thường, bao gồm đi lại, ăn uống cũng như sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Đất nước mặt trời mọc cũng sẽ khôi phục việc nhập cảnh với những thường trú nhân, bao gồm cả sinh viên và các thực tập sinh kỹ thuật theo diện nội trú.

- Chính phủ Thái Lan vừa thông qua khoản ngân sách trị giá 2,3 tỷ baht (khoảng 69 triệu USD) để hỗ trợ phát triển vắc xin ngừa Covid-19 nội địa có tên gọi là ChulaCov19, sử dụng công nghệ mRNA. Nhà chức trách cũng đồng ý về mặt nguyên tắc phân bổ 1,3 tỷ baht tài trợ việc phát triển một loại vắc xin gốc thực vật có tên gọi là Baiya, do công ty khởi nghiệp Baiya Phytopharm thực hiện.

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tin-covid-19-the-gioi-ngay-1-11-thuoc-dieu-tri-cua-pfizer-hieu-qua-cao-789979.html