Thuốc trị COVID-19 là hy vọng mới cho nhân loại chống đại dịch?
Thuốc điều trị COVID-19 có thể sớm được sản xuất trên khắp thế giới, và được kỳ vọng trở thành công cụ quan trọng để chống lại đại dịch.
Tuần trước, Mỹ đã cấp phép cho hai phương pháp điều trị COVID-19 ở dạng thuốc viên, mở đường cho nhiều loại thuốc khác trên toàn thế giới. Vì sản xuất thuốc không phức tạp bằng sản xuất vaccine, nên dự kiến sẽ có nhiều nhà sản xuất tham gia vào thị trường này hơn.
Kì vọng thay đổi bức tranh chống dịch
Hiện nhóm thuốc viên Pfizer của Mỹ, được gọi là Paxlovid, có thể giảm gần 90% nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao, theo công ty.
Hai loại thuốc viên khác, do công ty Merck và Ridgeback Biotherapeutics của Mỹ hợp tác phát triển, lần đầu tiên được phê duyệt tại Anh vào tháng 11. Một thử nghiệm lâm sàng đã được đánh giá ngang hàng cho thấy thuốc giảm rủi ro nhập viện và tử vong khoảng 30%.
Tại Mỹ, vài trăm nghìn trong số 10 triệu liệu trình thuốc của Pfizer sẽ sẵn sàng vào tháng 1. Chính phủ Mỹ đã mua số thuốc này với giá khoảng 530 USD (hơn 12 triệu đồng) một liệu trình.
Trong khi đó, khoảng 3 triệu liệu trình thuốc molnupiravir của Merck - được mua với giá 700 USD mỗi liệu trình – cũng sẽ sẵn sàng trong cùng khung thời gian.
Nhưng không giống như vaccine, cần được sản xuất bởi chính các nhà phát triển hoặc một số đối tác chọn lọc của họ, thuốc điều trị COVID-19 có thể được các nhà sản xuất thuốc gốc (phiên bản thuốc có dược tính tương tự nhưng không có bản quyền) sản xuất lại để bán ở các nước nghèo hơn trên thế giới. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra một bức tranh hoàn toàn khác về khả năng tiếp cận với thuốc điều trị COVID-19, so với nguồn cung cấp các loại vaccine.
Cả Pfizer và Merck đã ký thỏa thuận chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ thuốc của họ với một chương trình do Liên hợp quốc hỗ trợ, được gọi là Chia sẻ Bằng sáng chế Thuốc (MPP). MPP sẽ hoạt động như một chương trình trung gian – giúp cấp giấy phép sản xuất các phiên bản thuốc gốc để các công ty bán thuốc ở những nước có thu nhập thấp và trung bình được chỉ định.
Theo MPP, đến nay họ đã nhận được hơn 100 đơn đăng ký cho mỗi sản phẩm từ các nhà sản xuất và sẽ cung cấp giấy phép cho đối tác được chọn trước cuối tháng 1.
Ellen ’t Hoen, cựu giám đốc điều hành của MPP và hiện là người đứng đầu dự án Luật & Chính sách Thuốc, cho rằng đây là “những thỏa thuận quan trọng” có thể có tác động nhanh chóng.
“Điều này sẽ dẫn đến việc sản xuất các loại thuốc được thực hiện trên quy mô lớn, chi phí thấp. Nó cũng thúc đẩy việc sản xuất các thành phần hoạt chất dược phẩm (API) và nhờ vậy giúp giảm giá nhiều hơn", t'Hoen nói.
Như vậy, khoảng 100 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ có thể tiếp cận các loại thuốc gốc điều trị COVID-19, bao gồm cả Ấn Độ, nhà sản xuất thuốc gốc lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, một nghịch lý có thể xảy ra là trong khi các nước thu nhập thấp và trung bình được tiếp cận với thuốc điều trị COVID-19 sớm do quy trình được đơn giản hóa và có nhiều nhà sản xuất, các nước thu nhập trung bình-cao mua thuốc trực tiếp từ các nhà phát triển có thể bị hạn chế về nguồn cung.
Ví dụ, vắng mặt trong các hiệp định của MPP là một số quốc gia đông dân, có thu nhập trung bình cao như Brazil, Trung Quốc, Malaysia, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ dự kiến sẽ mua từ các nhà phát triển, và các công ty đã nói rằng sẽ đưa ra các chương trình định giá dựa trên khả năng chi trả thuốc của các quốc gia.
Các chuyên gia cho rằng điều này có thể khiến những nơi này bị hạn chế tiếp cận thuốc điều trị COVID-19, trừ khi chính phủ của họ linh hoạt sản xuất hoặc nhập khẩu thêm thuốc gốc.
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là các nhà sản xuất thuốc gốc, như ở Ấn Độ, có thể tăng khả năng cung cấp của họ nhanh chóng như thế nào trong những tháng tới.
Quy trình sản xuất và phân phối
Sau khi được chọn, các nhà sản xuất làm việc với MPP sẽ cần sản xuất thuốc và thu thập dữ liệu chứng minh phiên bản của họ hoạt động giống hệt phiên bản gốc. Sau đó, các nhà sản xuất thuốc này cần phải gửi sản phẩm của họ cho một cơ quan quản lý để trải qua quy trình phê duyệt nghiêm ngặt, sau đó đăng ký sản phẩm tại bất kỳ thị trường nào mà họ hy vọng sẽ bán được.
“Chúng tôi hy vọng rằng quá trình này sẽ xảy ra nhanh chóng, nhưng cũng phải đến năm sau trước khi các sản phẩm có thể được bán ra”, người đứng đầu bộ phận truyền thông của MPP, Gelise McCullough cho biết. McCullough nói khối lượng thuốc dự kiến từ các nhà sản xuất này vẫn chưa được ước tính.
Cần sự hỗ trợ của hệ thống y tế
Tuy nhiên, trong khi việc sản xuất thuốc viên COVID-19 sẽ không gặp phải những hạn chế giống như vaccine, các chuyên gia cho rằng còn có những rào cản khác có thể làm phức tạp việc dân số toàn cầu tiếp cận các loại thuốc này.
John Donnelly từ công ty Tư vấn Tiêm chủng tại Mỹ nói: “Thách thức đối với các nước đang phát triển sẽ là cách họ quản lý nguồn thuốc và phân phối đến các cơ sở y tế… bạn sẽ không muốn nó giống như kháng sinh, khi mọi người có thể tự mua thuốc uống một cách vô ý". Donnelly lưu ý rằng điều đó có thể dẫn đến kháng thuốc kháng virus.
Một vấn đề khác là việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19 sẽ yêu cầu các nước phải có dịch vụ y tế mạnh mẽ hơn, có thể chẩn đoán những người đủ điều kiện và để họ điều trị trong vòng năm ngày kể từ khi các triệu chứng xuất hiện.
Thomas Bollyky, giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đối ngoại, Mỹ, bình luận: “Câu hỏi lớn là các chính phủ và công ty có muốn đầu tư vào những viên thuốc này không, bởi vì những hạn chế về điều kiện chăm sóc sức khỏe ở một số quốc gia có thể làm giảm hiệu quả điều trị của chúng”.
Bollyky nói rằng có "lý do để nên tỉnh táo" về ý nghĩa của những viên thuốc đối với đại dịch, do chúng cần đi kèm với các dịch vụ xét nghiệm và y tế.
“Đó là vấn đề thực sự đối với nhiều cơ sở có nguồn lực thấp, nơi bạn không gặp được những người mới mắc bệnh và tỷ lệ xét nghiệm đã giảm đáng kể”, ông nói.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine hơn thuốc viên trong những trường hợp như vậy. “Bạn sẽ không muốn sử dụng một biện pháp can thiệp cần nhiều cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe để áp dụng và chỉ có thể được thực hiện khi mọi người đã mắc bệnh”.