Thượng Ân tập trung phát triển kinh tế
Thời gian qua xã Thượng Ân (Ngân Sơn) tận dụng mọi nguồn lực đầu tư của Nhà nước để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Xã Thượng Ân (Ngân Sơn) có diện tích đất tự nhiên hơn 6.690ha, dân số 2.000 người, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông – lâm nghiệp. Nhờ có sự đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của địa phương đến nay diện mạo của xã Thượng Ân đã có nhiều đổi thay tích cực. Trong phát triển kinh tế, Thượng Ân luôn duy trì diện tích trồng cây lương thực có hạt khoảng 360ha, sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 1.500 tấn, bình quân lương thực đạt trên 740kg/người/năm. Xã duy trì 120ha diện tích đất canh tác đạt giá trị kinh tế 100 triệu đồng/ha. Tổng đàn đại gia súc với gần 1.000 con, chủ yếu nuôi theo hình thức sinh sản; đàn lợn và đàn gia cầm có trên 10.000 con… qua đó cho thấy kinh tế của người dân từng bước được nâng cao.
Hằng năm, công tác trồng rừng luôn đạt chỉ tiêu đề ra. Trong 5 năm qua, xã trồng gần 300ha; rừng khoanh nuôi được bảo vệ tốt. Chỉ tính riêng năm 2021, toàn xã trồng được hơn 40ha rừng phân tán, chủ yếu là cây có giá trị kinh tế cao như hồi, dổi, xoan. Hơn thế, người dân tự bỏ vốn trồng hơn 35ha các loại cây như dẻ ván ghép, trám đen, thông, xoan… góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng ở địa phương đạt trên 71%.
Những năm gần đây, địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh sẵn có. Đến nay, xã đã có gần 50% đường giao thông nông thôn, đường liên thôn được cứng hóa. Trong đó, có 08 tuyến đường liên thôn được cứng hóa bằng nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với chiều dài hơn 8km đạt 140% so với Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra; xây dựng mới và sửa chữa 06 tuyến kênh mương để phục vụ nước tưới tiêu cho các cánh đồng lớn của xã; đầu tư hệ thống lưới điện quốc gia đến một số thôn, bản vùng cao phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân; đầu tư xây dựng và sửa chữa một số trường, điểm trường, trạm y tế… Trong 5 năm trở lại đây, xã đã đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu với số tiền hơn 10 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp hơn 2 tỷ đồng.
Đồng chí Doanh Thiêm Duy- Bí thư Đảng ủy xã Thượng Ân cho biết: Đảng ủy xã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khối chính quyền, đoàn thể thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh cải cách hành chính. Thường xuyên đôn đốc và đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, tiêu chí đã đề ra, chú trọng nâng cao đời sống của người dân. Tuy vậy, Thượng Ân còn nhiều khó khăn do địa hình bị chia cắt, kinh tế vẫn còn chậm phát triển, một số mặt hàng nông – lâm sản còn khó khăn về đầu ra; công tác vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập; một số chỉ tiêu đề ra nhưng chưa thực hiện được theo kế hoạch.
Do vậy, Thượng Ân mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành tạo điều kiện về vốn đầu tư để thực hiện các mô hình kinh tế, nhất là mô hình kinh tế tập thể hoạt động được trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi có quy mô lớn, tạo chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm. Lựa chọn và đưa các mô hình hình kinh tế phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương để tạo việc làm cho lao động nông thôn, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong thời gian tới, xã Thượng Ân tiếp tục sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước. Xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với phát triển dịch vụ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Nâng cao nhận thức và trình độ sản xuất của người dân để thực hiện trồng và phát triển một số sản phẩm nổi bật như: lúa Khẩu Nua Lếch, hồng không hạt, dẻ, trám đen… đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm./.