Thương cái nghèo

Hôm qua, 3-9, có lẽ là ngày nhiều người bị quay xoay cuồng, ám ảnh bởi những con số.

Các thầy giáo và cán bộ xã ở Quảng Bình vận động phụ huynh cho học sinh đến trường

Các thầy giáo và cán bộ xã ở Quảng Bình vận động phụ huynh cho học sinh đến trường

Kinh ngạc nhất là con số 3 triệu đô-la Mỹ một cựu bộ trưởng đã nhận lại quả trong một thương vụ - thông tin do cơ quan điều tra kết luận, công bố.

3 triệu đô-la chưa chắc là con số cuối cùng ông ấy thực nhận, cũng không phải là con số đưa - nhận hối lộ tối thiểu trong vụ án đó. Một đồng phạm khác, khi đương quyền là chủ tịch hội đồng thành viên của bên mua, cũng đút túi 2,5 triệu Mỹ kim. Chừng ấy đã rất nhiều rồi, nhiều tới nỗi không phải ai cũng có thể quy đổi chính xác ra tiền Việt. Và, so với đồng lương của cán bộ, công chức xứ ta, khoản tiền ấy cực kỳ lớn; tính theo chi tiêu thường nhật của rất nhiều gia đình thì ăn xài mấy đời không hết. Do vậy nó ngoài sức tưởng tượng. Vì ngoài trí tưởng tượng nên khi "bể" ra lập tức gây bức xúc, căm giận. Cũng phải, tiền ấy là từ mồ hôi nước mắt của dân chúng, từ nguồn lực của đất nước - vốn hình thành từ đóng góp của dân chúng - chứ đâu!

Chuyện khác, cũng liên quan tới con số, đơn giản hơn song rất đáng suy ngẫm. Cậu bé 13 tuổi A Duy Khang một mình phóng xe máy vượt gần 300 km từ huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) qua tận thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk), suýt ngất vì rét run và đói. 13 tuổi mà chạy xe máy rõ là đã phạm luật và nếu vụ này là thật thì thử hỏi trên hành trình dài 300 cây số cậu bé Khang đã đi qua, CSGT và thanh tra giao thông đâu cả?

Thêm nữa, khi cơ quan chức năng liên hệ gia đình Khang bảo sang đưa em về, người nhà em nói nghèo lắm, không có tiền bắt xe đi đón, nên nhờ cán bộ đưa về giùm! Một vé xe đò chặng đường ấy chỉ chừng 200.000 đồng mà họ lo không nổi, thế mới thấy cái nghèo còn giăng mắc khắp nơi. Phải đi về tận những vùng sâu, vùng xa mới cảm nhận được sự đeo bám dai dẳng của nạn nghèo đói và thấy thương người dân ở đó.

Trong những ngày này, mưa bão đang càn quét miền Trung, hàng chục tỉnh - thành phải oằn mình chịu trận. Ngày 3-9, mới chỉ một trận cuồng phong thôi mà hệ thống trường học ở huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) đã lung lay hoặc ngã quỵ, khiến 26.000 học sinh có nguy cơ nghỉ học khi ngày khai giảng cận kề.

Ở đồng bằng đã vậy, miền núi còn tội nghiệp hơn mà thương nhất hẳn là học trò mầm non. Chỉ tính riêng hệ trường công, cả nước đang có trên 15.000 trường mầm non và gần 37.000 điểm trường, tổng số trẻ đến trường năm học 2019-2020 là gần 5,5 triệu nhưng số lượng giáo viên mầm non đang thiếu hụt rất nghiêm trọng ở hơn 23 tỉnh - thành, nhiều nhất là Tây Nguyên. Tình trạng trẻ em vùng cao bỏ lớp vì thiếu thốn nhiều mặt, giáo viên từ chối cắm bản do không được đối đãi xứng đáng vẫn còn rất nhiều...

Những con số nhức nhối đó nhắc chúng ta biết thương cái nghèo và đừng quên rằng dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể ở các lĩnh vực song con đường tiến tới một xã hội công bằng và phồn vinh thật sự còn xa lắm. Đừng đưa ra quá nhiều lời tuyên bố mà hãy quan tâm thật sâu tới từng phận người, tới những nhóm đối tượng khó nghèo và dễ bị tổn thương trước đã!

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thuong-cai-ngheo-20190903221617336.htm