Thương chiến Mỹ - Trung thúc đẩy tiến trình ký kết hiệp định thương mại lớn nhất châu Á
Các chuyên gia phân tích cho biết, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo động lực mới cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – ASEAN+6 (RCEP - Regional Comprehensive Economic Partnership).
Bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, RCEP có thể biến châu Á trở thành khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với 16 quốc gia, chiếm 1/3 tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và gần một nửa dân số thế giới.
Được biết, tiến trình kể từ khi các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2012 đã bị chậm lại do những bất đồng giữa các thành viên, đơn cử như mối quan tâm lớn của Ấn Độ về khả năng nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, các cuộc thảo luận về những vấn đề còn lại sẽ nhanh chóng được tiến hành trong năm nay, khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm tăng sự lo ngại cả về tăng trưởng kinh tế lẫn an ninh khu vực.
"Chúng tôi đang nghe rằng có ánh sáng ở cuối đường hầm và nó đã là một đường hầm ngắn. Và, các chính trị gia phải sớm xúc tiến việc liên kết này", Tang Siew Mun - người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu ASEAN tại Viện Yusof Ishak ở Singapore cho biết.
Thái Lan - nước hiện làm chủ tịch ASEAN, cho biết các cuộc đàm phán tiếp cận thị trường trong tháng này đã hoàn tất 80,4%, và các thành viên đã đồng ý với 14 trong tổng số 20 chương. Các cuộc thảo luận với các thành viên RCEP sẽ diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, từ ngày 31/10/2019 - 4/11/209 tại Bangkok.
"Một số quốc gia Đông Nam Á muốn chứng tỏ rằng họ có thể giữ cho chương trình hội nhập khu vực được diễn tiến, bất chấp căng thẳng Mỹ - Trung", Giám đốc dự án Đông Nam Á tại Viện Lowy ở Sydney Benjamin Bland cho biết.
Ở châu Á, Trung Quốc không đơn độc trong việc cảm thấy áp lực của chiến tranh thương mại. Dù một số công ty đã chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để thoát khỏi thuế quan của Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng ở 5 nền kinh tế hàng đầu ASEAN sẽ giảm xuống 4,8% trong năm nay, từ 5,3% năm 2018. Dự báo, tăng trưởng của Ấn Độ sẽ giảm xuống còn 6,1% từ 6,8%.
Các quốc gia từng dựa vào Mỹ như một đối trọng với sự thống trị đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực cũng ngày càng nghi ngờ về một cuộc chiến thương mại tương tự có thể xảy ra với họ. Các thành viên RCEP như Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc và Thái Lan đều có thặng dư thương mại lớn với Mỹ - vấn đề được cho là đáng lo lắng với Tổng thống Donald Trump.
Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Thái Lan đã căng thẳng, với việc Washington rút ưu đãi thương mại với 1,3 tỷ USD hàng Thái Lan vào thứ Sáu tuần trước, cáo buộc Thái Lan không bảo vệ quyền lợi của người lao động.
"Dấu hiệu cảnh báo"
Deborah Elms - Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á có trụ sở tại Singapore cho biết: "Căng thẳng thương mại nên là dấu hiệu cảnh báo cuối cùng, cho thấy châu Á cần một nền tảng tập thể và là nơi các vấn đề kinh tế được thảo luận".
"Một cơ hội lớn bị sẽ bị bỏ lỡ" nếu các nhà lãnh đạo không công bố thành công hiệp ước tại cuộc họp tuần này, Elms nói thêm.
RCEP được xây dựng dựa trên các thỏa thuận thương mại tự do mà các nước Đông Nam Á có với các thành viên khác. Nó được coi là một giải pháp thay thế cho việc Trung Quốc hỗ trợ cho Thỏa thuận Toàn diện và Tiến bộ về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bao gồm 11 quốc gia trên Thái Bình Dương, dù Trump đã rút Mỹ ra khỏi các cuộc đàm phán trước khi ký kết.
RCEP, với 7 quốc gia thành viên trong đó cũng thuộc vào những thỏa thuận khác, có ít tham vọng hơn về các lĩnh vực thương mại sẽ được giải phóng và các điều kiện mà người tham gia phải đáp ứng. Tuy nhiên, nó vẫn dự kiến mang lại một sự thúc đẩy lớn cho thương mại khu vực chứ không phải chỉ là hiệp ước mang tính biểu tượng, trong bối cảnh chính quyền Trump thách thức các thỏa thuận thương mại đa phương.
"Hoàn thành đàm phán RCEP càng sớm càng có ý nghĩa lớn đối với sự ổn định, thịnh vượng và phát triển lâu dài của khu vực. Các cuộc đàm phán hiện đang trong giai đoạn nước rút cuối cùng", Li Cheng gang - trợ lý bộ trưởng thương mại của Trung Quốc nói.
Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang được xác nhận tham dự cuộc họp tại Bangkok, trong khi Mỹ vẫn chưa công bố bất kỳ đại diện nào cao cấp hơn Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell. Năm ngoái, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tham gia cuộc họp với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á thay cho ông Trump.
Các vấn đề khác có thể xảy ra tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á gồm cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực về các yêu sách hàng hải ở Biển Đông, cũng như cách đối xử với người Rohingya của Myanmar sau khi một cuộc đàn áp quân sự đã đẩy hơn 700.000 người vào Bangladesh năm 2017 .
Song, với việc chủ nhà Thái Lan mong muốn thể hiện sự tiến bộ trong thỏa thuận RCEP, các nhà phân tích và ngoại giao cho rằng, RCEP sẽ là vấn đề quan trọng nhất ở Bangkok.
Theo ông Peter Mumford thuộc công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, ASEAN hy vọng ít nhất có thể thông báo đã đạt được những tiến bộ đáng kể để đảm bảo duy trì tiến độ trong toàn khối.