Thương chiến Mỹ - Trung và cạnh tranh nước lớn
Nếu như sự trỗi dậy của Trung Quốc lâu nay được xem như diễn biến quan trọng nhất trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh thì cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có lẽ là sự kiện quốc tế nổi bật nhất trong vòng hai năm qua.
Bất chấp sự lệ thuộc lẫn nhau rất lớn về mặt kinh tế giữa hai bên, nước Mỹ dưới chính quyền Trump vẫn quyết định phát động một cuộc chiến tranh thương mại nhằm vào Trung Quốc.
Không phải thương chiến thông thường
Nếu chỉ nhìn vào các phát ngôn của Tổng thống Trump sẽ dễ lầm tưởng rằng đây chỉ là một cuộc xung đột thương mại thuần túy nhằm điều chỉnh lại cán cân thương mại Mỹ - Trung. Việc áp thuế bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc và gây sức ép lên Huawei thoạt qua tưởng chừng chỉ là các biện pháp để ép Trung Quốc điều chỉnh chính sách tiền tệ và thương mại theo chiều hướng có lợi cho Mỹ.
Song nếu xét một cách toàn diện hơn thì đây không chỉ là một cuộc chiến thương mại thông thường. Bản Chiến lược an ninh quốc gia gần đây nhất do chính quyền Trump công bố đã chỉ đích danh Trung Quốc như một trong các đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ. Hơn nữa, các chiến lược như xoay trục về châu Á hay Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (IPS) đều cho thấy rõ ý đồ kiềm chế Trung Quốc của Mỹ.
Do đó, dù ông Trump có chủ đích phát động chiến tranh thương mại để khiến Trung Quốc suy yếu hay không thì cuộc thương chiến hiện nay cũng đã vô tình trở thành một mặt trận trong cuộc cạnh tranh chiến lược rộng hơn giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới này.
Việc hai bên mới đây tuyên bố đạt được một thỏa thuận “đình chiến” thương mại không đồng nghĩa với việc cuộc chiến này sẽ sớm kết thúc hoặc quan hệ Mỹ - Trung sẽ trở về quỹ đạo bình thường như trước đây. Thương chiến hiện nay có thể chỉ là cuộc chiến của riêng ông Trump và một nhóm nhỏ trong giới cầm quyền ở Washington hiện nay nhưng sở dĩ ông Trump nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ để thi hành đường lối đối ngoại cứng rắn với Trung Quốc là bởi đại bộ phận giới tinh hoa Mỹ đã quay lưng lại với chính sách can dự mềm mỏng mà Mỹ đã theo đuổi suốt nhiều thập kỷ qua để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Sự thất bại của chính sách can dự
Kể từ khi cặp đôi Nixon - Kissinger bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào đầu những năm 1970 cho tới đầu những năm 2000, Mỹ về cơ bản đã chọn đánh cược “tất tay” vào chính sách can dự mềm mỏng nhằm thu phục Trung Quốc và ngăn nước này trở thành kình địch.
Chính sách can dự này được xây dựng chủ yếu dựa trên một giả thiết duy nhất, đó là nếu Mỹ giúp Trung Quốc phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng vào hệ thống quốc tế thì đất nước này sẽ từng bước mở cửa và dân chủ hóa. Giới lãnh đạo ở Washington tin rằng nếu Trung Quốc giàu có, họ sẽ có một tầng lớp trung lưu giàu mạnh và có tiếng nói, khi có một tầng lớp trung lưu như vậy, Trung Quốc sẽ cải tổ và dân chủ hóa về mặt chính trị.
Họ đánh cược rằng một nước Trung Quốc dân chủ sẽ thân Mỹ chứ không chống Mỹ và vì vậy, Mỹ cần mềm mỏng thay vì đối xử với Trung Quốc như một kẻ thù, bởi khi đó Trung Quốc sẽ phản kháng mạnh mẽ và coi Mỹ như một kẻ thù.
Đáng tiếc rằng bốn thập niên vừa qua dường như chứng minh rằng chính sách can dự của Mỹ đã thất bại. Trung Quốc không những không dân chủ hóa như Mỹ mong đợi mà còn ngày trở nên xác quyết hơn trên chính trường quốc tế. Trung Quốc không tìm cách lật đổ hệ thống quốc tế hiện nay do Mỹ và các đồng minh đã dày công gây dựng nên nhưng tận dụng mọi kẽ hở để nâng cao vị thế và sức mạnh quốc gia, đồng thời làm suy yếu sức ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á.
Không những vậy, trong những vấn đề như tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc cho thấy rằng mình sẵn sàng sử dụng đe dọa vũ lực và cưỡng ép để thay đổi hiện trạng lãnh thổ và thúc đẩy yêu sách chủ quyền của mình. Đây chắc chắn không phải là kết quả mà người Mỹ kỳ vọng khi đưa Trung Quốc vào WTO và giúp nền kinh tế Trung Quốc “cất cánh”.
Chiến tranh Lạnh 2.0?
Với tình thế hiện nay, liệu Mỹ và Trung Quốc có bước vào một cuộc “Chiến tranh Lạnh 2.0” hay không? Những người tin rằng cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung hiện nay là một sự “va chạm giữa các nền văn minh”, có lẽ sẽ cho rằng một cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện và lâu dài giữa hai cường quốc này là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy văn hóa hay sắc tộc chưa bao giờ là yếu tố quyết định hai nước lớn có đối đầu với nhau hay không. Trong hàng trăm năm, các cường quốc châu Âu vẫn liên tục đối đầu, thậm chí giao chiến với nhau để tranh giành quyền lực. Trong khi đó, Mỹ có quan hệ đồng minh và đối tác hữu hảo với các nước lớn nhỏ từ Trung Đông cho tới Đông Á.
Tác nhân hàng đầu gây ra xung đột giữa các nước lớn là tham vọng quyền lực chứ không phải sự khác biệt giữa hai nền văn minh. Nếu cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn trở thành độc bá ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì dù người Mỹ và người Trung Quốc có văn hóa và hệ tư tưởng giống hệt nhau đi nữa thì ngày nào cả hai còn đủ mạnh, ngày đó hai nước còn cạnh tranh.
Một yếu tố quan trọng không kém khác là sự hiện diện của một hệ tư tưởng có tính phổ quát. Mỹ và Liên Xô đối đầu trong một thời gian dài không chỉ bởi sự xung đột về lợi ích mà còn bởi cả hai đều muốn “xuất khẩu” mô hình phát triển và ý thức hệ của mình đi khắp thế giới. Hai siêu cường này không những muốn các nước còn lại ủng hộ mình mà còn muốn họ xây dựng hệ thống chính trị - xã hội theo sự sắp đặt của mình. Đó là một nguyên nhân quan trọng khiến cho hai bên khó tìm được lối thoát một khi đã bước vào cuộc cạnh tranh.
Trong tình thế hiện nay, Trung Quốc chưa có một hệ tư tưởng mang tính phổ quát như Liên Xô trước đây và tuy họ đã manh nha tìm cách phổ biến mô hình phát triển của mình, song những nỗ lực này mới chủ yếu dừng ở việc khuyếch trương các thành tựu mà họ đã đạt được, thay vì can thiệp thô bạo và ép các nước xung quanh phải đi theo mô hình của mình. Chính bởi Trung Quốc tại thời điểm này vẫn tập trung vào việc phát triển nội lực hơn là đi “truyền đạo” nên vẫn có khả năng hai siêu cường Mỹ - Trung có thể thoát ra khỏi vòng xoáy cạnh tranh cường quyền hiện nay.
Cuối cùng, có lẽ ẩn số lớn nhất trong vấn đề hiện nay đó là cách các nhà lãnh đạo hai bên xử lý các cuộc khủng hoảng bất ngờ nổ ra. Tuy Mỹ và Liên Xô có nhiều xung đột về lợi ích chiến lược ở tầm vĩ mô nhưng khó có thể nói được điều gì sẽ xảy ra nếu như họ đã giải quyết được những vấn đề như nước Đức hậu Thế chiến hay dàn xếp vấn đề Berlin một cách ổn thỏa hơn.
Có thể Chiến tranh Lạnh vẫn xảy ra nhưng có kéo dài đến như vậy và có gay gắt đến như vậy không là rất khó để trả lời. Tương tự như vậy, có vô vàn vấn đề có thể bất ngờ ập đến làm đảo lộn quan hệ Mỹ - Trung. Hàn Quốc có thể rút ra khỏi liên minh Mỹ - Hàn, Đài Loan có thể tuyên bố độc lập khỏi đại lục…
Tất cả những vấn đề này tuy không thể một mình quyết định xem quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao song cách các lãnh đạo Mỹ - Trung giải quyết từng cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng rất đáng kể tới lòng tin chiến lược giữa hai bên và về lâu dài, quyết định hai nước sẽ xem nhau là kẻ thù không đội trời chung hay những siêu cường vừa có lợi ích song trùng, vừa có mâu thuẫn lợi ích.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-chien-my-trung-va-canh-tranh-nuoc-lon-107963.html