Thương chiến Trung-Mỹ: Ai ngấm đòn?
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhận định rằng, Mỹ sẽ nới lỏng các chính sách trừng phạt với Trung Quốc, hòng giảm nhẹ thiệt hại từ 'Chiến tranh thương mại'.
Phát biểu qua video trong khuôn khổ “Diễn đàn Kinh tế Mới” của Bloomberg ở Singapore, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, Washington sẽ sớm dỡ bỏ một số thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc, bởi Nhà Trắng nhận thức được rằng, việc áp thuế mang lại tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng, mô hình quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã có sự thay đổi căn bản, vì vậy không nên chờ đợi việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Bà Hillary Clinton lưu ý rằng, Hoa Kỳ và Trung Quốc không thể và không nên cho phép quan hệ song phương liên tục tuột dốc. Hai bên hiện nay đang tích cực làm việc để xác định các ranh giới và hình thức có thể có để mở rộng hợp tác song phương.
Cựu ngoại trưởng Mỹ thừa nhận rằng, một số thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc được áp dụng dưới thời chính quyền Donald Trump, có nhiều tác hại hơn lợi ích cho người Mỹ, ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, phu nhân của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhấn mạnh rằng, việc Bắc Kinh gia tăng quân sự hóa Biển Đông ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là không thể chấp nhận được. Bà Clinton gọi cuộc đối đầu với Trung Quốc là một thực tế mới mà thế giới sẽ phải sống chung với nó.
Chính sách Trung Quốc thay đổi theo các đời Tổng thống Mỹ
Điều đáng chú ý là chồng bà - cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton - đã ủng hộ một mô hình hoàn toàn khác về quan hệ Mỹ-Trung, nó được gọi là “Mô hình khuyến khích” (engagement). Theo quan điểm của ông Bill Clinton, hai nước nên phát triển hợp tác bất chấp mọi mâu thuẫn chính trị và ý thức hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông đã tích cực thúc đẩy hợp tác Mỹ-Trung, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Ông Clinton tin rằng, việc đưa Trung Quốc vào các tiến trình kinh tế và thương mại thế giới sẽ giúp nước này trở thành dân chủ hơn, có trách nhiệm hơn, tuân thủ các quy tắc trò chơi.
Dưới thời Bill Clinton, các cuộc đàm phán về việc Trung Quốc gia nhập WTO đã đạt được những tiến bộ đáng kể và kết thúc thành công với việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gia nhập Tổ chức này vào năm 2001.
Những thay đổi trong quan hệ Mỹ-Trung đã bắt đầu được ghi nhận dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, người đã công bố chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, phải đến thời ông Donald Trump, chiến lược mới của Mỹ mới hoàn toàn thay đổi.
Hoa Kỳ đã từ bỏ chính sách “khuyến khích”, chuyển sang đối đầu có hệ thống, khi Washington xác định Trung Quốc là đối thủ địa-chính trị chính.
Hai quốc gia bắt đầu đối đầu với nhau cả về thương mại lẫn công nghệ, chính trị, kinh tế và quân sự. Mặc dù đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có những mâu thuẫn chính trị nội bộ không thể hòa giải, nhưng cả hai đảng đều đồng ý về một vấn đề: Trung Quốc là một đối thủ nguy hiểm và Mỹ nên dốc toàn lực để đối đầu với sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Ông Joe Biden sẽ dần thay đổi cách tiếp cận Trung Quốc?
Khi ông Joe Biden kế nhiệm ông Donald Trump làm tổng thống, chính sách của Washington đối với Trung Quốc vẫn không thay đổi, mà biểu hiện đầu tiên và rõ nét nhất là chính quyền của ông Biden vẫn giữ nguyên hầu hết các mức thuế áp với hàng hóa Trung Quốc trị giá 360 tỷ USD.
Về mặt hình thức, chính quyền Biden đã xem xét lại chính sách Trung Quốc của Trump. Tuy nhiên, không có bước "cách mạng" nào được thực hiện, mà chỉ có một ít thay đổi, còn những vấn đề cơ bản như thuế quan và các lệnh trừng phạt chống lại các công ty Trung Quốc vẫn được duy trì. Hơn nữa, Mỹ còn bổ sung thêm một số công ty Trung Quốc vào danh sách đen xuất khẩu.
Điểm khác biệt duy nhất là thay vì các hoạt động thương mại không công bằng mà ông Trump bị ám ảnh, giờ đây họ khai thác chủ đề yêu thích của Đảng Dân chủ là nhân quyền.
Điều thú vị là trong những năm chiến tranh thương mại, Trung Quốc thậm chí còn trở nên quyết đoán hơn, ít nhất là xét theo những tuyên bố và hành động của các quan chức hàng đầu Trung Quốc.
Ngoại trưởng Blinken đã nhận được từ Trung Quốc danh sách "những sai lầm" mà Washington nên giải quyết.
Danh sách này bao gồm thuế quan, hạn chế đối với các công ty Trung Quốc, lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei...
Bắc Kinh nói rõ rằng, nếu Mỹ không giải quyết những vấn đề này thì quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không thể được cải thiện. Và thật bất ngờ, Washington đã hưởng ứng yêu cầu này, bà Mạnh Vãn Chu đã trở về quê hương, các nhà báo Trung Quốc cũng được nới lỏng thị thực.
HIện nay, các quan chức Mỹ đã nói về khả năng hủy bỏ thuế quan và không chỉ bà Hillary Clinton, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cũng đã từng đề cập đến điều đó.
Vì sao Mỹ nhượng bộ?
Nguyên nhân chính là không có gì có thể thay thế các sản phẩm của Trung Quốc bị áp thuế hải quan. Việc xây dựng lại chuỗi cung ứng đã hình thành trong nhiều năm là rất tốn kém và mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, có tới một nửa tổng số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ là hàng hóa trung gian, sau đó được các nhà sản xuất Mỹ sử dụng để làm thành phẩm. Kết quả là, do thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc, động cơ Cummins của Mỹ, thực phẩm Mỹ, đồ điện tử của Mỹ và nhiều mặt hàng khác bắt đầu tăng giá.
Việc hạn chế nguồn cung chip đã khiến các công ty Trung Quốc phải tích trữ chúng để sử dụng trong tương lai trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực. Kết quả là - tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, kể cả đến các nhà sản xuất ô tô trên khắp thế giới.
Lệnh cấm niêm yết với các hãng công nghệ Trung Quốc, cấm đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc - tất cả những hành động này đã gây ra sự bất bình của các nhà đầu tư phương Tây, những người, không giống như các chính trị gia, xuất phát từ tính toán thực dụng chứ không phải từ định kiến tư tưởng.
Và tính toán thực dụng cho thấy rằng, Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, đã thực hiện tốt hơn các công việc đối phó với hậu quả của đại dịch.
Chính Trung Quốc vẫn chưa áp dụng các biện pháp kích thích tiền tệ mạnh mẽ. Điều này cho thấy rằng, thị trường Trung Quốc đang trở thành nơi trú ẩn an toàn cho dòng vốn thế giới. Trong những bối cảnh đó, các hạn chế của Washington đi ngược lại với các xu hướng khách quan của thị trường.
Cuối cùng, lạm phát ở Hoa Kỳ, vốn dĩ phải xảy ra do chính sách nới lỏng định lượng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và gói kích thích khổng lồ để giữ cho nền kinh tế Mỹ trụ vững, càng được thúc đẩy bởi thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Kết quả là Washington rơi vào cái bẫy của chính mình.
Thương mại mất cân bằng, Mỹ tụt hậu trong một số ngành - đó là những xu hướng thị trường khách quan không phụ thuộc vào ý đồ của Bắc Kinh.
Chính sách đầy mâu thuẫn
Tuy nhiên, sau khi biến Trung Quốc thành “kẻ thù hư cấu”, Hoa Kỳ không chỉ để mặc những vấn đề cơ bản của riêng mình, mà còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Những tín hiệu mâu thuẫn và không nhất quán đến từ Washington minh họa khá rõ tình hình.
Một mặt, Hoa Kỳ không thể biểu hiện sự yếu kém; nhưng mặt khác, thực lực của Washington đang ngày càng giảm đi. Đó là lý do tại sao, Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với các công ty Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực máy tính lượng tử và công nghiệp bán dẫn vì bị cáo buộc có mối liên hệ với tổ hợp công nghiệp-quân sự; nhưng mặt khác, Nhà Trắng đang cố gắng thiết lập sự hợp tác với Bắc Kinh trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.
Một mặt, đối với một số công ty, ví dụ như Huawei, việc cung cấp chip bị cấm; nhưng mặt khác, một số công ty khác, chẳng hạn như công ty Honor tách khỏi Huawei, mọi con đường vẫn còn rộng mở.
Washington nói rằng, Trung Quốc cần phải thực hiện tất cả các điều khoản của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết dưới thời Trump, ngụ ý Trung Quốc cần phải tăng cường mua các sản phẩm của Mỹ; nhưng mặt khác, Hoa Kỳ lại không muốn thảo luận với Trung Quốc về những thực tế mới là trong bối cảnh đại dịch và gián đoạn trong chuỗi cung ứng, sự biến động về giá năng lượng, làm thế nào Bắc Kinh có thể thực hiện đầy đủ một thỏa thuận đã được ký kết trong những thực tế hoàn toàn khác.
Do đó, đến nay, Trung Quốc mới chỉ đạt được 56% mục tiêu trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một.
Nhưng vì sao Mỹ lại không thấy sự khác biệt trong cách tiếp cận, trong lời nói và hành động của mình? Khi được các nhà báo hỏi rằng, Hoa Kỳ sẽ làm gì nếu Trung Quốc không thực hiện thỏa thuận, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo trả lời: Đó là câu hỏi triệu dollars đấy!
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/thuong-chien-trungmy-ai-ngam-don-99311.html