Thương con đúng cách, ngăn tai nạn

Nhiều bậc cha mẹ khi ký biên bản vi phạm giao thông của con đều trần tình do bận công việc nên 'không để ý'. Khi được tuyên truyền, giải thích, họ đều cam kết sẽ ý thức hơn việc giao xe cho con.

Những ngày qua, lực lượng CSGT trên toàn quốc ra quân thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý các vi phạm giao thông liên quan đến học sinh, tập trung vào học sinh THCS, THPT, người giao phương tiện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện, chở các học sinh vi phạm giao thông…

Lực lượng CSGT - trật tự, Công an TP Hạ Long, Quảng Ninh cải trang bắt giữ, xử lý hàng loạt học sinh vi phạm sáng 3/10. Ảnh: Quang Minh.

Lực lượng CSGT - trật tự, Công an TP Hạ Long, Quảng Ninh cải trang bắt giữ, xử lý hàng loạt học sinh vi phạm sáng 3/10. Ảnh: Quang Minh.

Kết quả tại nhiều địa phương cho thấy, chỉ trong thời gian ngắn, đã có hàng nghìn trường hợp vi phạm bị xử lý. Quan trọng hơn, với cách thức kết hợp xử lý và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhận thức của học sinh và phụ huynh sẽ được nâng lên rất nhiều.

Chẳng hạn tại Hải Dương, ngoài lập chốt tăng cường kiểm tra trên tất cả các tuyến đường, khi lập biên bản học sinh vi phạm, CSGT còn tiếp tục xác minh lỗi và mời phụ huynh đến để ký biên bản.

Trong lúc chờ đợi lập biên bản, các cán bộ, chiến sĩ CSGT đã tuyên truyền pháp luật, nhắc nhở phụ huynh về việc giáo dục con em khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.

Hay như tại Quảng Ninh, CSGT đã cải trang, mặc thường phục để xử lý học sinh vi phạm giao thông. Cách làm này khá hiệu quả, bởi thông thường, khi thấy CSGT mặc cảnh phục, các em thường thông tin cho các bạn tìm cách né chốt, thậm chí quay đầu xe bỏ chạy, rất nguy hiểm.

Nhiều bậc cha mẹ khi ký biên bản đều trần tình rằng do bận công việc nên "không để ý". Khi được tuyên truyền, giải thích, họ đều cam kết sẽ ý thức hơn việc giao xe cho con.

Thời gian qua, rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ việc người lớn giao xe cho trẻ em, trong khi trẻ không có kỹ năng tham gia giao thông, không được phép lái xe ra đường.

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm giao thông ở Hà Nội. Ảnh: Tạ Hải.

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm giao thông ở Hà Nội. Ảnh: Tạ Hải.

Trong khi đó, do chưa có ý thức khi tham gia giao thông, không ít học sinh điều khiển phương tiện với tốc độ cao trong đô thị, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, gây mất trật tự ATGT. Đây là điều rất nguy hiểm.

Dù trực tiếp học sinh là người điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe gây ra tai nạn, song nếu người lớn không mua xe, không tạo điều kiện cho các cháu điều khiển tham gia giao thông, chắc chắn các cháu không thể có xe sử dụng. Nhiều người có thể viện dẫn rằng "do thương con", nhưng thương theo cách như vậy chẳng khác nào hại con.

Hiện nay, các quy định pháp luật về việc giao xe cho người đủ điều kiện, độ tuổi được phép lái xe đều đã rất đầy đủ, cụ thể. Dù vậy, nhiều vụ tai nạn vẫn xảy ra, nguyên nhân trực tiếp là sự tắc trách, thiếu hiểu biết về pháp luật của người lớn.

Chẳng hạn, với quy định người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô, tôi dám chắc không ít bậc phụ huynh chưa nắm rõ.

Với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, người phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu tai nạn xảy ra không ai khác chính là phụ huynh.

Bởi vậy, việc lực lượng CSGT thực hiện cao điểm lần này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là cách thức kết hợp xử lý vi phạm với tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Ở lứa tuổi vị thành niên, thể chất, nhân cách của các em chưa phát triển đầy đủ. Nhận thức của các em về pháp luật còn hạn chế, dễ bị lôi kéo, kích động dẫn đến những hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông. Khi xảy ra tình huống, các em cũng không đủ kỹ năng xử lý kịp thời.

Vì thế, thông điệp "nêu cao tinh thần trách nhiệm của cha mẹ, các bậc phụ huynh trong việc làm gương cho thế hệ trẻ trong việc chấp hành pháp luật về ATGT" mà Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra hồi giữa tháng 5 vừa qua cần được truyền thông sâu rộng.

Từ đó, những việc này sẽ tác động vào nhận thức để các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian hơn để rèn luyện cho học sinh đủ kiến thức và kỹ năng thực hành trước khi giao xe cho các em điều khiển đúng quy định.

Đương nhiên, trên đường còn có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, những hành vi vi phạm đều sẽ bị xử lý. Tuy vậy, đó chỉ là phần ngọn, quan trọng nhất vẫn là nhận thức của các bậc phụ huynh và chính các em. Có vậy, mới ngăn ngừa được những vụ tai nạn thương tâm.

Hà Anh Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thuong-con-dung-cach-ngan-tai-nan-192241003230357787.htm