Thương đau ấy, không gì bù đắp được
Nhiều năm qua, việc đền ơn đáp nghĩa, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng của các tổ chức, cá nhân đã làm ấm lòng các mẹ 'mái đầu bạc tiễn mái đầu xanh'. Nhưng ngược lại, một số những đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu đã đến, hãy đến với mẹ bằng tấm lòng biết ơn đúng nghĩa, bằng sự ấm áp, nghĩa tình chứ không phải sự rình rang, hình thức theo phong trào.…
“Nước mắt mẹ không còn, để khóc những đứa con”
Ngày 29/8/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Ngày 17/12/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt đầu tiên cho 19.879 bà mẹ trong cả nước, trong đó có các bà mẹ tiêu biểu: mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam có 9 con, 1 con rể, 2 cháu ngoại là liệt sĩ; mẹ Phạm Thị Ngư ở Hàm Hiệp, Hàm Thuận, Bình Thuận có 8 con là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng Lực lượng Vũ trang (LLVT) nhân dân; mẹ Trần Thị Mít ở Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị có 9 con là liệt sĩ; mẹ Nguyễn Thị Rành ở Phước Hiệp, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh có 8 con là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng LLVT nhân dân; Hai chị em mẹ Nguyễn Thị Dương và mẹ Nguyễn Thị Lạnh ở Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị có 8 con thì 5 con là liệt sĩ (3 người con khác là: Đại tướng Đoàn Khuê, Trung tướng Đoàn Chương và Đại tá Đoàn Thúy); mẹ Lạnh có 1 con trai duy nhất hy sinh… mẹ Lê Thị Cháu (tên thật là Lê Thị Lý) ở Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị là người mẹ quặn lòng nuốt hận mang thúng đi lấy đầu con bị giặc Pháp chặt rồi bêu giữa chợ, mang về khâm liệm, mai táng. Sau này, nhạc sỹ Phạm Duy đã sáng tác ca khúc “Bà mẹ Gio Linh” ngợi ca mẹ và những người mẹ Việt Nam Anh hùng nói chung…
Ngày 19/12/1994, Đảng, Nhà nước đã tổ chức trọng thể Lễ tuyên dương danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” lần đầu tiên cho 59 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu, đại diện cho gần 2 vạn bà mẹ được phong tặng. Tổng Bí thư Đỗ Mười, các Cố vấn Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đã đến dự.
Trong số đó phải kể tới gia đình của mẹ Nguyễn Thị Dương, mẹ của 5 liệt sĩ đứng đầu danh sách phong tặng đợt I, mẹ còn được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tên của mẹ và liệt sĩ Đoàn Cư được khắc vào bia tưởng niệm tại chùa Vĩnh Trù, 59 Hàng Lược.
Mẹ Nguyễn Thị Dương sinh năm 1902, tại làng ven biển Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Trong những năm bom đạn khốc liệt, đàn ông con trai ra trận, người phụ nữ làm hậu phương bảo vệ tài liệu, máy móc dụng cụ in truyền đơn, mẹ là người phụ nữ mưu trí, can đảm. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng bào Quảng Trị được sống và chiến đấu vững vàng là nhờ kho vũ khí và lương thực từ nhà cụ Đoàn Cầu mà mẹ Dương cùng bà con thôn 1 đã cất giấu bảo quản rất tốt.
Với vai trò “người mẹ chiến sĩ”, mẹ Nguyễn Thị Dương đã nuôi dưỡng nhiều cán bộ, bộ đội Trung đoàn 95, các đồng chí bộ đội đã tặng mẹ bài thơ “Bà mẹ Triệu Cơ”, mẹ đã thuộc lòng, mãi sau này tuổi già, mẹ vẫn ngâm bài thơ để nhớ bộ đội.
Năm 1964, mẹ Nguyễn Thị Dương bị Mỹ - Ngụy o ép, bắt bớ, tra khảo nhiều lần, chỉ để hỏi Đoàn Khuê, Đoàn Chương, Đoàn Thúy 3 người con trai đầu hiện nay ở đâu, đang làm gì? mẹ trả lời thẳng: “Sinh con ai nỡ sinh lòng, các con tôi đi theo Cụ Hồ, tôi không biết, không liên lạc được”. Có lần bọn giặc chôn sống mẹ Dương đứng sâu ngang cổ để tra hỏi dọa bắn. Vì thế tổ chức Tỉnh ủy đã bố trí để mẹ Dương vượt biển ra Bắc.
Khi mẹ Dương ra Bắc, các con mẹ vẫn đầy đủ, mẹ đâu có ngờ, cả 5 người con của mình lần lượt ngã xuống chỉ trong 3 năm từ 1966-1969. Trong đó các anh hùng liệt sĩ: Đoàn Thị Tùng, Đoàn Giao, Đoàn Đình, Đoàn Cư, Đoàn Ngọc Anh và Đoàn Hà (con của mẹ Nguyễn Thị Lạnh, em ruột mẹ Dương).
“Không ai hiểu chiến tranh hơn những người mẹ”
Sở dĩ tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng lớn nhất cả nước được đặt ở Quảng Nam bởi đó là mảnh đất có nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhất. Chỉ riêng ở huyện Thăng Bình đã có đến 17/22 xã, thị trấn vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đây là địa phương có số lượng về đối tượng chính sách, người có công với hơn 10.000 liệt sĩ, 1.600 thương, bệnh binh, toàn huyện có 1.033 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...
Ông Nguyễn Tấn Bình, nguyên Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình từng chia sẻ: “Trong những năm qua, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã có nhiều đóng góp vào hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Họ luôn sát cánh cùng địa phương phụng dưỡng, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tham gia xây nhà tình nghĩa; thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công… Những việc làm ấy đã góp phần chia sẻ vợi bớt nỗi đau mất mát do chiến tranh để lại ”.
Tuy nhiên, cũng chính bởi mảnh đất tập trung số lượng lớn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nên những góc khuất cũng bộc lộ rõ nét ở nơi này. Đơn cử, trong số 79 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống của huyện Đại Lộc (Quảng Nam), có những mẹ bị các đơn vị nhận phụng dưỡng (chủ yếu là các doanh nghiệp tại Hà Nội) bỏ quên nhiều năm qua không một lý do.
Đó là mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Đước, sinh năm 1927 (Xuân Nam, Đại Thắng, Đại Lộc), bị đơn vị nhận phụng dưỡng là Cty Bao bì Hồ Tây (Hà Nội) bỏ quên từ nhiều năm trước. mẹ Đước có ba con trai là Phan Diễm, Phan Bảy, Phan Tám cùng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Riêng mẹ bị địch bắn nát cánh tay phải khi đang nấu cơm tiếp tế cho bộ đội.
Trước đây, mẹ Đước được Cty Bao bì Hồ Tây (Hà Nội) nhận phụng dưỡng với mức 200.000 đồng mỗi tháng. Từ năm 2006, đơn vị ngừng phụng dưỡng và không nêu lý do, cũng chẳng thông báo với gia đình cũng như chính quyền địa phương.
Chung hoàn cảnh với mẹ Đước là mẹ Đoàn Thị Ngật (sinh năm 1915, Thạnh Trung, Đại Chánh, Đại Lộc). mẹ Ngật có con độc nhất là Đỗ Thế Ngật hy sinh. Khi ấy mẹ phải nương tựa đứa cháu nội duy nhất là chị Đỗ Thị Ngân. Bố chị Ngân hy sinh khi chị còn nằm trong bụng mẹ, mấy năm sau mẹ của Ngân cũng đổ bệnh qua đời. Một mình mẹ Ngật chăm bẵm, nuôi chị khôn lớn. Nhưng thật éo le, chị Ngân bị nhiễm chất độc da cam thường hay lên cơn co giật, rồi bị ung thư vú.
Năm 1999, huyện Đại Lộc trích kinh phí bảy triệu đồng xây nhà tình nghĩa để mẹ Ngật có nơi che mưa, che nắng. Cty TNHH 1 Thanh Niên 18/4 (Hà Nội) nhận phụng dưỡng mẹ Ngật từ năm 2007, đến tháng 7/2008 thì cắt đứt liên lạc.
Một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác cũng bị quên phụng dưỡng là mẹ Lê Thị Sê sinh năm 1920 (Giảng Hòa, Đại Thắng, Đại Lộc). mẹ cũng có một con độc nhất hy sinh năm 1965. Đơn vị nhận phụng dưỡng mẹ Sê là Cty Cổ phần Vật phẩm và Văn hóa Hà Nội và dừng phụng dưỡng từ năm 2005. Ngày 12/1/2009, Cty Khai thác Công trình Thủy lợi Quảng Nam xin phụng dưỡng mẹ Sê nhưng vừa hoàn thành thủ tục thì ngày 18/1 năm đó mẹ Sê qua đời.
Thực tế, “những đơn vị nhận phụng dưỡng các mẹ đều tự nguyện, không có văn bản cam kết cụ thể nên địa phương cũng khó quản lý. Nhiều đơn vị làm rất có trách nhiệm. Dịp lễ, tết họ đều về thăm hỏi, động viên các mẹ. Nhưng cũng có một số đơn vị chạy theo phong trào, chỉ phụng dưỡng được thời gian ngắn rồi bỏ…
Trên đây, chỉ là con số xảy ra ở một huyện tiêu biểu của cả nước. Con số đó có thể còn khá nhiều ở nhiều nơi khác. Đơn cử Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Sửu, 95 tuổi vào năm 2007 ở thôn Đại Lữ (Lập Thạch - Vĩnh Phúc) đã từng bị đơn vị nhận phụng dưỡng là một Công ty ở tỉnh Phú Thọ do làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản đã “bỏ rơi” mẹ không có ý kiến gì, đã khiến mọi người ngỡ ngàng xót xa.
Có thể nói, trong sự mất mát chia lìa bởi chiến tranh, người mẹ nào chẳng đớn đau xé lòng khi nhận tờ giấy báo tử. Dẫu biết chiến tranh nghiệt ngã sinh tử là điều không tránh khỏi, nhưng tình mẫu tử khiến nước mắt mẹ không còn để khóc những người con lần lượt ra đi, đi mãi mãi.
Thế nên, những đơn vị, tổ chức, cá nhân hãy đến với mẹ bằng tấm lòng biết ơn đúng nghĩa, bằng sự ấm áp, nghĩa tình chứ không phải sự rình rang, hình thức theo phong trào. Đừng nhận phụng dưỡng các mẹ chỉ để báo cáo thành tích để rồi bỏ rơi mẹ, để một lần nữa nước mắt mẹ lại phải chảy ngược vào trong.
Và nếu các công ty, đoàn thể có sự thay đổi giám đốc thì cũng đừng vì thế mà vô cảm, có lý do lãng quên các mẹ, hoặc chí ít cũng phải báo lại để địa phương không bị động, tìm nơi chăm sóc cho các mẹ được chu đáo. Mất mát vì chiến tranh nhiều vô vàn song có lẽ sự mất mát của những bà mẹ là vết thương lòng khó lành nhất.
Những người chồng, người con, người cháu của họ đã ra đi vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Mất mát ấy theo những người phụ nữ suốt cả cuộc đời. Trong cuộc chiến đấu, năm tháng cách mạng dân tộc, họ giấu những mất mát đau thương vào lòng. Khi hòa bình lập lại, họ chẳng còn gì riêng tư mà hy vọng.
Tài sản lớn nhất là gia đình, những người chồng, người con nay đã không còn nữa. Những thương đau ấy, làm sao bù đắp được. Anh hùng Lê Mã Lương đã có cái nhìn rất sâu thẳm rằng, không ai hiểu chiến tranh hơn những người mẹ. Các mẹ là những anh hùng trên đất nước nhỏ bé này. Không có sự vinh danh nào sánh được, cũng không có đau đớn nào lớn hơn.
Và, danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” chỉ như một sự vinh danh nhỏ nhoi sau cuộc chiến tranh để dân tộc này, đất nước này nghiêng mình trước các mẹ tảo tần, giản dị mà vô cùng vĩ đại… GS Vũ Khiêu cũng đã viết câu đối ca ngợi hình tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng: “Tổ quốc ghi công con liệt sỹ/ Nhân dân nhớ nghĩa mẹ anh hùng”…
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/thuong-dau-ay-khong-gi-bu-dap-duoc-462421.html