Thượng đỉnh Bộ tứ - Bước ngoặt cho quan hệ Ấn-Mỹ

Tờ Indian Express ngày 9/3 đã đăng bài bình luận về quan hệ Ấn-Mỹ của nhà phân tích chính trị hàng đầu Ấn Độ Raja Mohan.

Nhiều khả năng quan hệ Ấn-Mỹ sẽ được nâng tầm Đối tác chiến lược tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ tứ trong tuần này. (Nguồn: DNA India)

Nhiều khả năng quan hệ Ấn-Mỹ sẽ được nâng tầm Đối tác chiến lược tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ tứ trong tuần này. (Nguồn: DNA India)

Sớm nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược

Các nhà phân tích ở New Delhi và Washington từng cho rằng quan hệ Ấn-Mỹ sẽ có sự suy giảm, nếu không muốn nói là thụt lùi dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, theo tác giả Raja Mohan - hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore, thực tế là nhiều khả năng quan hệ giữa hai nước sẽ được nâng tầm Đối tác chiến lược tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ tứ (Quad) trong tuần này.

Đối thoại Tứ giác an ninh đã đưa Ấn Độ và Mỹ đến với nhau, cùng với các đồng minh hiệp ước lâu đời của Washington là Australia và Nhật Bản.

Giới hoạch định chính sách đối ngoại của New Delhi lâu nay không muốn thừa nhận hay chấp nhận sự chuyển đổi đang diễn ra trong mối quan hệ Ấn-Mỹ. New Delhi liên tục đánh giá thấp năng lực của mình trong việc điều chỉnh lại mối quan hệ với các cường quốc để phù hợp với những lợi ích và hoàn cảnh đang thay đổi của Ấn Độ.

"Ví dụ, hãy xem xét một số xu hướng tranh luận gần đây về quan hệ Ấn-Mỹ. Người ta nói rằng Thủ tướng Narendra Modi đã mắc sai lầm lớn khi đầu tư quá nhiều vào việc lôi kéo cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Biden sẽ không quên cũng như không tha thứ cho điều đó", ông Raja Mohan dẫn chứng.

Một số người lập luận rằng mối quan tâm mạnh mẽ của đảng Dân chủ đối với vấn đề nhân quyền có thể sẽ làm suy yếu mối quan hệ của Mỹ với chính phủ ông Modi.

Nhiều người giữ quan điểm cho rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Bộ tứ sẽ chỉ là phần phụ trong chính sách đối ngoại của ông Biden.

Lập luận này là dựa trên việc đánh cược rằng ông Biden có khả năng sẽ tìm cách "nắm lấy" Trung Quốc hơn là đối đầu với nước này theo cách ông Trump đã làm.

Nhà phân tích chính trị hàng đầu Ấn Độ nhận định, tất cả những giả định này hóa ra không chính xác.

Tân Tổng thống Biden có quá nhiều lợi ích cần phải theo đuổi ở trong nước và trên thế giới nên sẽ cần tới những người bạn quốc tế của ông Trump.

Ông Biden đã ở Washington đủ lâu, gần nửa thế kỷ trước khi ông trở thành tổng thống, nên ông biết rằng việc quốc tế tiếp cận với ông Trump là nhằm duy trì quan hệ đối tác với Mỹ vào một thời điểm khó khăn.

Việc quan tâm đến dân chủ và nhân quyền luôn là một phần trong hệ tư tưởng chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, để tin rằng những vấn đề này sẽ định hình sự can dự của Mỹ với Ấn Độ đòi hỏi phải có một bước nhảy vọt về niềm tin.

"Không một nhà nước nào, kể cả một nhà nước cách mạng, có thể điều hành chính sách đối ngoại của mình dựa trên một chương trình nghị sự chỉ có một điểm duy nhất.

Những người đứng đầu nhà nước đều cần phải cân bằng tất cả các lợi ích", ông Raja Mohan khẳng định.

Tổng thống Joe Biden đã báo hiệu ông sẽ tiếp tục - chứ không phải là làm gián đoạn - chính sách Trung Quốc của ông Trump. Ông khẳng định sẽ tiếp tục các cam kết đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhóm Bộ tứ.

"Các bộ trưởng ngoại giao của Bộ tứ đã nhanh chóng nhóm họp với nhau dưới hình thức trực tuyến và hội nghị thượng đỉnh dường như là một bước tiếp theo theo cách tự nhiên", ông Raja Mohan bình luận.

Mỹ vẫn là đối tác toàn diện nhất của Ấn Độ

Phân tích các động lực quốc tế, đặc biệt là tại một thời điểm dễ biến động, không phải là việc dễ dàng.

Quan hệ Ấn-Mỹ đang trên đà đi lên ổn định trong 3 thập kỷ qua, trụ vững trước những thay đổi chính trị lớn ở cả hai nước và vượt qua được nhiều rào cản khó khăn.

Mỹ hiện là đối tác toàn diện nhất của Ấn Độ. Mỹ có một sự hiện diện đáng kể trên cả trên khía cạnh kinh tế và an ninh và điểm chung chính trị với Ấn Độ đã được mở rộng một cách đều đặn.

Mối quan hệ với Nga chủ yếu về quốc phòng nhưng ít về thương mại. Quan hệ với châu Âu chủ yếu là về thương mại nhưng ít hợp tác an ninh.

Quan hệ thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc rất lớn, nhưng nghiêng nhiều về phía có lợi cho Bắc Kinh; trong khi đó, lòng tin chính trị của New Delhi đối với Bắc Kinh đã dần tan biến khi Trung Quốc có những hành động gây hấn ở khu vực biên giới có tranh chấp giữa hai nước.

Vậy tại sao ở New Delhi lại có những nghi ngờ dai dẳng về mối quan hệ đối tác của Mỹ?

Lý do một phần là sự thiên vị ý thức hệ đã ăn sâu trong tầng lớp chóp bu chính sách đối ngoại. New Delhi hết sức rộng lượng khi đánh giá về các lợi ích và động cơ của Trung Quốc, nhưng luôn nghi ngờ Mỹ một cách thái quá.

Tuy nhiên, New Delhi đã rời xa di sản của chủ nghĩa chống Mỹ. Dư luận Ấn Độ - hay còn gọi là “đường phố” như cách nói của Ngoại trưởng Jaishankar - tỏ ra rất nhiệt tình về quan hệ đối tác với Mỹ.

"Thật không may, cuộc tranh luận gay gắt của New Delhi về Mỹ lại được củng cố bởi sự vắng mặt đáng buồn của việc đầu tư vào các năng lực thể chế để nghiên cứu chính trị, kinh tế và quan hệ quốc tế của Mỹ", ông Raja Mohan nhận định.

Ngay cả khi liên tục đánh giá sai về Mỹ, giới tinh hoa trong lĩnh vực chính sách đối ngoại của Ấn Độ cũng không đánh giá cao sức mạnh của Ấn Độ trong việc định hình mối quan hệ với Mỹ.

Ông Raja Mohan cho rằng, có 2 yếu tố định hình cách tiếp cận mới của Ấn Độ với Mỹ. Một là sự gia tăng đáng kể về khả năng vật chất của Ấn Độ. Tổng GDP của Ấn Độ tăng gấp 10 lần từ năm 1990 (270 tỷ USD) đến năm 2020 (khoảng 2.700 tỷ USD) và đưa Ấn Độ vào nhóm 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Những lợi ích tương đối này đã mở rộng đáng kể khả năng địa chính trị của Ấn Độ.

Quan trọng không kém là ý chí chính trị mới ở New Delhi. Chính phủ UPA (2004-2014) đã điêu đứng vì những sáng kiến lịch sử mà họ đã ký với Mỹ vào giữa năm 2005. Họ đã phải vật lộn để thực hiện thỏa thuận hạt nhân và bắt đầu quay trở lại khuôn khổ hợp tác quốc phòng.

Chính phủ NDA, nắm quyền từ năm 2014, có ý chí chính trị để phát triển các sáng kiến của Mỹ do chính phủ UPA đưa ra.

Một Ấn Độ mới không còn phải "vò đầu bứt tai" khi đối phó với Mỹ; họ đã có cơ hội lớn để thương lượng chiến lược với Mỹ. Quan trọng hơn, New Delhi không còn là đối tác miễn cưỡng của Washington.

"Trong 3 năm qua, Ấn Độ đã hồi sinh Bộ tứ, định hình cách tiếp cận của liên minh này đối với sự kết nối chiến lược và đã thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong lĩnh vực ngoại giao vaccine.

New Delhi hiện đã có vị trí tốt để nâng chương trình nghị sự của Bộ Tứ lên một cấp độ cao hơn tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm này trong tuần này", tác giả Raja Mohan bình luận.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-bo-tu-buoc-ngoat-cho-quan-he-an-my-138892.html