Thượng đỉnh G20: Tránh lên án Nga, tập trung giải quyết thách thức kinh tế

Các nhà lãnh đạo G20 nhất trí việc tránh lên án Nga đối với cuộc chiến tại Ukraine, tuy nhiên nhấn mạnh những đau khổ mà người dân phải gánh chịu, đồng thời kêu gọi các quốc gia không sử dụng vũ lực để chiếm lãnh thổ.

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi đã kết thúc vào ngày 10/9, với điểm nhấn là Mỹ và Nga đều hài lòng về việc hội nghị lần này không lên án cuộc xung đột tại Ukraine và cùng kêu gọi các thành viên tránh sử dụng vũ lực.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi yêu cầu các nhà lãnh đạo nhóm tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào tháng 11 tới để xem xét tiến độ thực hiện chính sách và mục tiêu đã đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh lần này.

Tổng thống Joe Biden đến thăm đài tưởng niệm Raj Ghat cùng với các nhà lãnh đạo G20. Nguồn: REUTERS

Tổng thống Joe Biden đến thăm đài tưởng niệm Raj Ghat cùng với các nhà lãnh đạo G20. Nguồn: REUTERS

“Chúng ta có trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện những đề xuất trong hội nghị và đẩy nhanh nếu cần," ông Narendra Modi nói.

Vào ngày 9/9, các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí việc tránh lên án Nga đối với cuộc chiến tại Ukraine, tuy nhiên nhấn mạnh những đau khổ mà người dân phải gánh chịu, đồng thời kêu gọi các quốc gia không sử dụng vũ lực để chiếm lãnh thổ.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Trưởng phái đoàn Nga, cho biết Ấn Độ đã thành công trong việc không biến hội nghị này thành nơi để kể tội Moscow hay các vấn đề khác tại Ukraine. Ông cũng cho biết Nga sẽ quay trở lại thỏa thuận Biển Đen nếu các yêu cầu của họ được đáp ứng.

Thỏa thuận Biển Đen được ký giữa Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc ngày 22/7/2022, cho phép xuất khẩu thực phẩm và phân bón từ ba cảng chính của Ukraine ở Biển Đen vì cả lý do kinh tế và nhân đạo.

Moscow đã rút khỏi thỏa thuận Biển Đen vào tháng 7 do không được đáp ứng các yêu cầu liên quan đến nới lỏng thỏa thuận song song đối với hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón.

Về phía Mỹ, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết: “Tuyên bố của hội nghị này đã nêu bật nguyên tắc các quốc gia về việc không sử dụng vũ lực để giành lấy lãnh thổ hoặc vi phạm toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền hoặc độc lập chính trị của các quốc gia khác".

Đồng minh của Mỹ cũng có những phản ứng khác nhau sau khi hội nghị kết thúc.

Trong khi Đức và Anh ca ngợi tuyên bố này nhưng không hài lòng các quyết định liên quan đến Ukraine, thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại cho rằng G20 không phải là nơi giải quyết các vấn đề chính trị ở Ukraine mà thay vào đó nên tập trung phát triển, tháo gỡ khó khăn kinh tế.

Tuy vậy, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định rằng tuyên bố của G20 không phải là một thắng lợi ngoại giao của Nga.

Hội nghị thượng đỉnh cũng thừa nhận Liên minh châu Phi, gồm 55 quốc gia, là thành viên thường trực của G20, xem trọng vai trò của khối này đối với Nam bán cầu.

Vào 10/9, các nhà lãnh đạo gồm: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Olaf Scholz của Đức, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Fumio Kishida của Nhật Bản, đã đến thăm Đài tưởng niệm anh hùng độc lập Ấn Độ Mahatma Gandhi.

Hầu hết họ đều đi chân trần đến nơi ông Gandhi được hỏa táng sau khi bị ám sát bởi một kẻ cực đoan theo đạo Hindu vào năm 1948.

Sau đó, ông Biden đã rời New Delhi để kịp chuyến bay đến Việt Nam.

Hội nghị đã vắng mặt những nhân vật quan trọng là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin vì những lý do riêng.

"Đây là một trong những hội nghị thượng đỉnh G20 khó khăn nhất trong lịch sử gần 20 năm của khối, khi phải mất gần 20 ngày trước hội nghị để thống nhất tuyên bố chung" - Nhà đàm phán Svetlana Lukash cho biết.

Bà giải thích thêm rằng khó khăn này không chỉ do những bất đồng liên quan đến vấn đề Ukraine, mà còn là sự khác biệt về quan điểm trong các vấn đề như: biến đổi khí hậu hay chuyển đổi sang hệ thống năng lượng ít carbon.

Tuy nhiên, vào ngày 9/10, một quan chức Liên minh châu Âu cho biết cuộc chiến Ukraine là vấn đề gây tranh cãi nhất trong các cuộc đàm phán và nếu không có sự lãnh đạo của Ấn Độ thì thỏa thuận sẽ khó có thể được thông qua.

Ông cho biết thêm rằng Brazil và Nam Phi cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hẹp những khác biệt.

Bên cạnh đó, hội nghị tập trung giải quyết những vấn đề nổi bật liên quan đến phát triển kinh tế. Trong đó, ông Biden đã công bố dự án cơ sở hạ tầng mang tên Hành lang Kinh tế Ấn Độ - Trung Đông – châu Âu nhằm kết nối Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu thông qua các tuyến đường sắt, đường thủy, cáp dữ liệu tốc độ cao và cả dự án năng lượng. Dự án này chắc chắn sẽ là một bước đột phá quan trọng nhằm kết nối các quốc gia phát triển trên thế giới lại với nhau, phát triển thông thương khu vực, đồng thời khẳng định vai trò của Mỹ trên trường quốc tế.

Tại hội nghị, Ấn Độ chuyển giao chức chủ tịch cho Brazil. Brazil sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch G20 trong thời gian 1 năm, bắt đầu từ ngày 1/12/2023.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thuong-dinh-g20-tranh-len-an-nga-tap-trung-giai-quyet-thach-thuc-kinh-te.html