Thượng đỉnh G7 bế mạc với nỗi lo bao trùm về cuộc chiến tại Ukraine
VOV.VN- Mặc dù mời 5 quốc gia khách mời từ châu Á, châu Phi và Nam Mỹ đến Thượng đỉnh G7 để thảo luận về nhiều chủ đề quan trọng như môi trường, y tế, an ninh lương thực nhưng cuộc chiến tại Ukraine vẫn chiếm mối quan tâm áp đảo tại Thượng đỉnh G7 vừa kết thúc chiều 28/6 sau 3 ngày làm việc tại Đức.
Nguyên thủ các nước Ấn Độ, Indonesia, Senegal, Nam Phi và Argentina là các khách mời danh dự tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển – G7 vừa kết thúc sau 3 ngày làm việc tại khu nghỉ dưỡng Elmau ở bang Bavaria, miền Nam nước Đức. Tuy nhiên, ngoài một số cuộc gặp song phương bên lề, phiên thảo luận chính thức giữa các nguyên thủ G7 với nguyên thủ các quốc gia khách mời đã chỉ kéo dài 90 phút và không đưa ra được quyết định nào mang tính đột phá trong các vấn đề nóng của thế giới hiện nay như: chống biến đổi khí hậu, năng lượng, y tế hay nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Trong 3 ngày họp tại Đức, chủ đề trọng tâm và áp đảo các thảo luận của các nguyên thủ G7 vẫn là cuộc chiến tại Ukraine và các hệ lụy về kinh tế và địa chính trị của cuộc chiến này. Tuyên bố chung dài 28 trang kết thúc Thượng đỉnh G7 năm 2022 cũng được các nguyên thủ G7 dành phần lớn để nói về quyết tâm của nhóm G7 và các nước phương Tây trong việc ủng hộ Ukraine lâu dài và gia tăng áp lực trừng phạt kinh tế với Nga.
Cụ thể, G7 đã thông qua gói tài chính trợ giúp ngân sách trị giá 29,5 tỷ USD nhằm giúp chính quyền Ukraine duy trì hoạt động. Mỹ cũng cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa hiện đại. Về việc trừng phạt Nga, 4/7 quốc gia G7 đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga.
Các lãnh đạo G7 cũng đã bàn thảo về mối lo lớn nhất hiện nay với phương Tây là tình hình lạm phát kỷ lục, nguy cơ suy thoái kinh tế do giá năng lượng tăng cao. Trong Tuyên bố chung, lãnh đạo G7 cho biết sẽ thực hiện ngay lập tức các hành động nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng và hạ việc tăng giá nhiên liệu, trong đó có việc bắt đầu nghiên cứu áp giá trần với dầu mỏ xuất khẩu của Nga. Trong các nước G7, ý tưởng này được Mỹ và Italia ủng hộ mạnh mẽ nhất trong khi nước Đức chủ nhà lo ngại kế hoạch không khả thi và có thể dẫn đến việc Nga trả đũa bằng cách cắt đứt mọi nguồn cung năng lượng.
Tuy vậy, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng khẳng định, các nước phương Tây cần rút ra bài học từ cuộc chiến tại Ukraine để dồn sức đầu tư cho năng lượng tái tạo: “Điều rõ ràng là cuộc chiến này đã chỉ ra cho thấy chúng tôi phụ thuộc đến mức nào vào nguồn năng lượng nhập khẩu, và đặc biệt trong trường hợp này là vào nguồn năng lượng của Nga. Do đó, việc giảm thiểu sự phụ thuộc này là rất quan trọng và chúng tôi đã nhất trí sẽ cùng hành động để thúc đẩy quyết liệt việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo”.
Trong các chủ đề khác, một trong những quyết định đáng chú ý là việc nước Đức chủ nhà tung ra kế hoạch thành lập “Câu lạc bộ khí hậu” vào cuối năm 2022 nhằm tập hợp các quốc gia có chung mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050. Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, Tuyên bố chung của G7 đặt mục tiêu đến năm 2035 về cơ bản các nguồn năng lượng không carbon sẽ chiếm thế áp đảo.
Về mối lo ngại thế giới sắp đối mặt với khủng hoảng lương thực, G7 thông báo tài trợ thêm 4,5 tỷ USD cho các chương trình lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, đại diện Chương trình lương thực của Liên Hiệp quốc đánh giá con số này là quá ít bởi thế giới cần ít nhất 28,5 tỷ USD nhằm đối phó với nạn đói trong thời gian trước mắt./.