Thượng đỉnh Liên minh châu Phi: Lắng tiếng súng, cùng vươn xa

Trong bối cảnh chiến tranh, xung đột tôn giáo và sắc tộc chưa có dấu hiệu thuyên giảm tại châu Phi, đây rõ ràng là mục tiêu tham vọng, song không bất khả thi. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Lễ khai mạc thượng đỉnh lần thứ 33 của AU tại thủ đô Addis Abbas của Ethiopia. (Nguồn: Anadolu Agency)

Ngày 9–10/2, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 33 đã diễn ra tại Addis Abbas, Ethiopia. Với chủ đề “Im tiếng súng: Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của châu Phi”, Chủ tịch AU năm 2020 Nam Phi cùng các quốc gia thành viên đã thể hiện quyết tâm chấm dứt bạo lực lan rộng và kéo dài nhiều thập kỷ tại lục địa này.

Khẩu ngữ này không mới khi từng xuất hiện trong tuyên bố kỷ niệm 50 năm của AU năm 2013, đồng thời là dự án hàng đầu của Chương trình nghị sự năm 2063, với kế hoạch chi tiết về xây dựng một châu Phi thịnh vượng và hòa bình. Trong 7 năm qua, AU đã nỗ lực thực hiện mục tiêu và đạt được kết quả nhất định tại Cộng hòa Trung Phi và Sudan. Tuy nhiên, Libya, Nam Sudan hay khu vực rìa Sahara tới Mozambique vẫn chìm trong khói lửa. Do đó, ưu tiên hàng đầu của Thượng đỉnh là thảo luận biện pháp chấm dứt xung đột bạo lực tại các khu vực này.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban châu Phi Moussa Faki đã đề cập những thách thức đối với an ninh châu lục, đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố, xung đột sắc tộc và khủng hoảng chính trị, đồng thời phản đối Kế hoạch Hòa bình Trung Đông về Israel – Palestine được chuẩn bị mà không tham vấn phía Palestine, cho đây là hành động vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc.

Tương tự, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định các quốc gia châu Phi đang đối mặt với nhiều thách thức “phức tạp, đa chiều và sâu rộng”, song tin tưởng rằng phản ứng “tập thể, bao trùm và nhịp nhàng” của cộng đồng quốc tế sẽ thúc đẩy động lực để châu Phi tiếp tục phát triển.

Theo đó, AU có thể cân nhắc xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, đối thoại, dựa trên thành công đã đạt được tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Tuy nhiên, đây là bài toán không hề đơn giản vì ba yếu tố sau.

Thứ nhất, xung đột tại châu Phi, như ông Guterres đã nhận định là “phức tạp, đa chiều và sâu rộng”, đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như cạnh tranh chính trị, khác biệt sắc tộc hay tôn giáo. Như vậy, giải pháp cho các xung đột này chắc chắn không giống nhau và đòi hỏi cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, mềm mỏng và có thể thay đổi theo từng trường hợp.

Thứ hai, nhiều xung đột tại châu Phi chịu sự chi phối của các bên thứ ba. Xung đột “nội bộ” tại Libya, trên thực tế là giao tranh giữa Quân đội miền Đông Libya (LNA) do Nga, Ai Cập, Saudi Arabia hậu thuẫn và Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc, Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ. Một giải pháp hòa bình không đáp ứng được quyền lợi của tất cả các bên sẽ khó thành công và khiến tình hình phức tạp hơn.

Thứ ba, cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, đối thoại là vô cùng quan trọng, nhưng cần đi kèm với thỏa thuận liên quan về thiết lập ổn định chính trị, tái cấu trúc kinh tế, duy trì trật tự xã hội, hòa bình và tăng trưởng bền vững. Tại nhiều khu vực ở châu Phi, xung đột đã bùng phát trở lại sau khi hiệp ước hòa bình được ký kết, bởi các bên không tìm được tiếng nói chung trong quá trình hòa giải, khắc phục hậu quả sau chiến tranh; các chính sách phát triển kinh tế, ổn định xã hội, xóa bỏ phân biệt sắc tộc không hiệu quả, khiến người dân dễ bị lôi kéo bởi các phiến quân.

Thiết lập, duy trì môi trường hòa bình, ổn định nhằm phục vụ phát triển chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng với bất kỳ quốc gia nào. Cân nhắc các yếu tố nêu trên, đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, bao trùm và cụ thể với xung đột hiện nay tại khu vực, tất cả vì một châu Phi lắng tiếng súng, cùng vươn xa là mục tiêu tham vọng, song không hề bất khả thi của AU thời gian tới.

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-lien-minh-chau-phi-lang-tieng-sung-cung-vuon-xa-109334.html