Thượng đỉnh Mỹ-Nga hé lộ màn cược 'sát ván' kèm thái độ bất ngờ từ Nga
Nước Nga sẽ làm gì sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Trump tại Thượng đỉnh G20 Osaka?
Trang National Interest nhận định, Moscow nhìn nhận cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ sáu (28/6) tại Osaka, là một thắng lợi khiêm nhường.
Mặc dù thừa nhận hầu như không có nhiều thay đổi sau cuộc gặp, các quan chức cấp cao Nga vẫn bày tỏ sự lạc quan về bầu không khí giữa hai nhà lãnh đạo. Họ hy vọng, nếu kiên nhẫn và có thể giữ cho căng thẳng Mỹ - Nga không bị leo thang thì Washington sẽ chấp nhận tình trạng "hòa hoãn" mới trong khi Moscow không phải thay đổi nhiều chính sách của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm chủ nhật (30/6), thư ký báo chí của ông Putin Dmitry Peskov chia sẻ, Moscow đã nhận thấy các dấu hiệu tích cực từ ông Trump tại Osaka.
"Tổng thống Mỹ cho thấy khá rõ ràng dự định một lần nữa nạp năng lượng cho đối thoại", ông nói. "Về phần Tổng thống Putin, ông từ lâu đã thể hiện mong muốn đi theo con đường bình thường hóa quan hệ, nhưng ông cũng nhấn mạnh, nếu không nhận được lợi ích chung từ Mỹ, chúng ta sẽ không thể bàn về điều đó".
Ông Peskov bổ sung: "Giờ đây, lần đầu tiên, chúng ta nhìn thấy lợi ích chung này từ Tổng thống Mỹ".
Cùng lúc, các thành viên khác trong đội ngũ của ông Putin lại thừa nhận, vẫn chưa thể đạt được một đột phá nào trong quan hệ giữa hai nước. Đại sứ Yuri Ushakov, trợ lý về chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga phát biểu sau cuộc gặp: "Không may là, nhiều vấn đề đã không thể được thảo luận sâu".
Hai nhà lãnh đạo Trump và Putin được cho là đã thảo luận về kiểm soát vũ khí, thương mại, Iran, Venezuela, Syria và Ukraine. Tuy nhiên, cuộc gặp kết thúc mà không có một thỏa thuận hay kế hoạch mới nào.
Mặc dù chưa đạt được những kết quả cụ thể, Moscow không có vẻ quá thất vọng. Hầu hết giới phân tích Nga đều nhấn mạnh những cuộc gặp như vậy sớm hay muốn đều sẽ đem lại kết quả nhìn thấy được.
Leonid Kalashnikov, Chủ tịch Ủy ban Khối thịnh vượng chung các nước độc lập của Duma Nga tuyên bố trên truyền hình: "Chúng ta sẽ bằng cách nào đó đạt được điều gì đó bằng cách này hay cách khác mà thôi".
"Người Mỹ từng gào thét sau cuộc cách mạng 1917 nhưng tới năm 1930 hầu hết tất cả quan hệ ngoại giao đều được khôi phục. Họ có lẽ sẽ xử lý vấn đề Crimea theo cùng cách", ông Kalashnikov đánh giá.
Moscow sẽ chỉ chờ cho tới khi Mỹ bắt đầu thay đổi chính sách [với Nga] bằng những lý do về đối nội và đối ngoại của mình.
Dmitry Suslov
Giáo sư Dmitry Suslov từ Đại học Kinh tế thậm chí đã bày tỏ sự lạc quan từ trước khi cuộc gặp Trump – Putin diễn ra trong khuôn khổ thượng đỉnh G20 2019 Osaka.
"Tôi không cho rằng lập trường của Nga sẽ cứng rắn hơn," ông nói với trang National Interest. "Moscow sẽ chỉ chờ cho tới khi Mỹ bắt đầu thay đổi chính sách [với Nga] bằng những lý do về đối nội và đối ngoại của mình".
Ông Suslov gọi cách tiếp cận trên là "kiên nhẫn chiến lược".
Theo ông, "kiên nhẫn chiến lược" của Nga dựa trên hai phỏng đoán. Đầu tiên, tình trạng phân cực chính trị trong nước Mỹ sẽ giảm đi. Một khi đạt được một sự nhất trí về đối nội nào đó trong chính quyền Mỹ, sẽ dễ hơn nhiều cho người đứng đầu Nhà Trắng theo đuổi chính sách bình thường hóa quan hệ với Nga.
Thứ hai, trong vòng 5-10 năm tới, Mỹ sẽ nhận ra, họ không thể cùng lúc đối đầu với cả Nga và Trung Quốc. Sức mạnh kinh tế và quân sự đang trỗi dậy của Bắc Kinh sẽ buộc Mỹ phải lựa chọn mối quan hệ tốt hơn với Nga.
Vậy trong lúc chờ đợi đến khi Washington thay đổi lập trường về Nga, Moscow sẽ làm những gì? Giáo sư người Nga giải thích, mục tiêu lớn nhất của Nga giờ đây là kiểm soát thiệt hại.
"Chúng ta cần phải làm việc với Mỹ để kiểm soát xung đột và ngăn ngừa đối đầu quân sự trực tiếp", ông chỉ ra. "Để làm được điều đó, điều quan trọng là phải gặp gỡ để thảo luận các câu hỏi liên quan tới ổn định chiến lược và xung đột khu vực".
Liên quan tới châu Âu, đang có những dấu hiệu cho thấy trò chơi "kiên nhẫn chiến lược" của Nga đã gây ra một số chia rẽ. Tuần trước, Hiệp hội Nghị viện Hội đồng châu Âu (PACE) đã bỏ phiếu khôi phục tư cách thành viên của Nga mà không cần Điện Kremlin phải làm bất kỳ nhượng bộ nào. Nga từng bị cấm tham gia tổ chức nhân quyền châu Âu kể từ sau khi quyết định sáp nhập Crimea năm 2014,
Trước thềm bầu cử Tổng thống 2020, Washington gần như chắc chắn sẽ không thực hiện bất kỳ động thái đáng kể nào trong quan hệ với Moscow. Cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội đều nhìn về phía Nga bằng con mắt hoài nghi, trong khi thái độ của dư luận Mỹ dành cho Moscow cũng không quá lạc quan. Cho dù vậy, Nga đang đặt cược khá sát ván rằng Washington sẽ thay đổi thái độ. Và tất cả những gì chính quyền Putin phải làm đó là để ngỏ cửa và chờ đợi.