Thượng đỉnh Nga-Trung: Khi 2 đối thủ đáng gờm nhất của Mỹ thắt chặt vòng tay chiến lược

Nga và Trung Quốc từng giữ quan hệ ở một chừng mực nhất định trong nhiều thập kỷ, nhưng khi thế giới ngày càng kém ổn định, cả hai đều nhận thấy những lợi thế từ việc đẩy lùi sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ.

Thắt chặt vòng tay chiến lược

Cam kết hợp tác và những tuyên bố cứng rắn giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến ngày 15/12 đã thu hút sự chú ý của dư luận vào một kịch bản mà Mỹ đang lo ngại, đồng thời cho thấy sự thắt chặt vòng tay chiến lược giữa hai đối thủ chính trị đáng gờm nhất của Washington.

Phía sau ông Putin và ông Tập Cận Bình là lá cờ của Nga và Trung Quốc. Ảnh: Foreign Policy

Phía sau ông Putin và ông Tập Cận Bình là lá cờ của Nga và Trung Quốc. Ảnh: Foreign Policy

Cuộc gặp này cho thấy Nga và Trung Quốc vẫn luôn cần đến nhau để đối phó với sức ép từ Mỹ. Trong lúc Trung Quốc đang đối mặt với quyết định tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh của Washington và đồng minh, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn có được cam kết công khai từ Tổng thống Putin rằng ông sẽ tham dự sự kiện và trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới làm điều này. Về phía Nga, trước những lời đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt từ phương Tây liên quan đến tình hình Ukraine, Tổng thống Putin tỏ ra rất hài lòng khi nghe ông Tập Cận Bình đề xuất hợp tác để “bảo vệ hiệu quả hơn các lợi ích an ninh của 2 bên”.

Đây là cuộc gặp lần thứ 37 giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình kể từ năm 2013. Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, cuộc gặp vừa thể hiện tình đoàn kết giữa hai quốc gia đang chống chọi với áp lực từ phương Tây lại vừa cho thấy quan hệ đối tác chặt chẽ cùng có lợi mà hai bên đang xây dựng. Truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông Tập Cận Bình tại cuộc gặp cho biết: “Chúng tôi kiên quyết ủng hộ lẫn nhau về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và bảo vệ giá trị của mỗi quốc gia”.

Dù Nga và Trung Quốc vẫn còn nhiều mâu thuẫn liên quan đến đường biên giới chung kéo dài 4.300km, các vấn đề lịch sử và việc khai thác gỗ tại Siberia. Nhưng về thương mại, an ninh và địa chính trị, hai bên đã cho thấy lập trường chung nhằm tạo thành một khối thống nhất khi sự đối đầu với Mỹ ngày càng gay gắt.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng: “Xét về sự gần gũi và hiệu quả hợp tác, quan hệ này thậm chí còn vượt qua cả một liên minh”. Về phần mình, Tổng thống Putin cho rằng: “Mô hình hợp tác mới đã được hình thành giữa các quốc gia của chúng ta – một mô hình dựa trên nền tảng không can thiệp vào vấn đề nội bộ và tôn trọng lợi ích của nhau”.

Nỗ lực tạo một mặt trận thống nhất đối phó Mỹ

Phát biểu với báo chí sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo, trợ lý Điện Kremlin, ông Yuri Ushakov cho biết, hai bên đã thảo luận về việc hình thành “một cơ sở hạ tầng tài chính độc lập” để giảm sự phụ thuộc vào các ngân hàng phương Tây.

Đánh giá về tuyên bố này, ông Artyom Lukin, chuyên gia tại Trường Đại học Liên bang Viễn Đông (Nga) nhận định: “Việc ông Ushakov đề cập xây dựng mạng lưới tài chính Nga-Trung có thể là nhằm đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU. Trên thực tế trong vài năm qua, hai nước đã từng bước thiết lập một cơ chế song phương, tách biệt với hệ thống tài chính do Mỹ chi phối. Cuộc khủng hoảng hiện tại có thể trở thành một phép thử quan trọng nếu Bắc Kinh và Moscow thực sự đạt được tiến bộ trong việc tạo ra một cơ chế như vậy. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc chắc chắc có thể giúp Nga đối phó với lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ”.

Các chuyên gia phương Tây từ lâu đã hoài nghi về quan hệ ngày càng gắn bó chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc, coi hai nước này như những “đồng minh bất thường của nhau” do trong lịch sử hai bên từng chứng kiến sự cạnh tranh nhiều hơn hợp tác. Nhưng cuộc gặp thượng đỉnh lần này giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình dường như đã phủ nhận điều đó.

Trong một động thái được cho là mang tính biểu tượng, hai nhà lãnh đạo ngồi nói chuyện với nhau với cả lá cờ Nga và cờ Trung Quốc ở sau lưng. Trái lại, tại cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Biden tuần trước, ông Putin chỉ phát biểu bên cạnh lá cờ Nga.

Giới phân tích cho rằng, một yếu tố quan trọng góp phần củng cố quan hệ song phương là mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa ông Putin và ông Tập Cận Bình. Cả hai đều ở độ tuổi trên 60 và mong muốn củng cố vai trò của họ đối với hệ thống chính trị trong nước. Ông Tập Cận Bình gọi ông Putin là “người bạn cũ”, còn nhà lãnh đạo Nga gọi người đồng cấp Trung Quốc là “người bạn thân yêu” và “người bạn đáng kính”.

Theo chuyên gia Lukin, vào thời điểm quan hệ Nga-Trung được xem là ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử, Trung Quốc có thể ra mặt giúp đỡ Nga trong trường hợp Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt với Moscow, ngay cả khi Bắc Kinh bị liên đới với biện pháp trừng phạt thứ cấp.

Cả Nga và Trung Quốc đều né tránh khái niệm hình thành một liên minh chính thức, cho rằng đây là thuật ngữ từ thời Chiến tranh Lạnh và không phù hợp với bối cảnh địa chính trị của thế kỷ 21. Nhưng sự hợp tác kinh tế, chính trị và quân sự ngày càng phát triển đã cho thấy những bước tiến vượt bậc trong quan hệ song phương.

Lập trường thống nhất giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Trung dường như đã tạo ra một mặt trận đối lập với hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ mà Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức tuần trước, từng được giới phân tích coi là nỗ lực “xây dựng tường thành chống” lại Bắc Kinh và Moscow.

Những toan tính riêng

Tuy vậy, khi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh, cả Nga và Trung Quốc vẫn có những toan tính riêng. Đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, cuộc gặp là cơ hội để xoa dịu những chỉ trích liên quan cách ứng phó của Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương. Ông muốn chứng tỏ Trung Quốc sẽ không bị cô lập về mặt ngoại giao, đặc biệt là trước thềm Thế vận hội Mùa Đông và vẫn giữ vững được vị thế trên trường quốc tế.

Đối với Tổng thống Putin, cuộc hội đàm diễn ra vào thời điểm ông đang thể hiện bản lĩnh cứng cỏi khi phải đối mặt với một loạt áp lực từ phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Nga đã tuyên bố phương Tây không nên vượt qua “lằn ranh đỏ” của nước này, đó là hiện diện quân sự tại Ukraine và kết nạp Ukraine vào khối NATO. Trước đó, Mỹ và đồng minh liên tục cảnh báo về hoạt động triển khai quân của Nga gần biên giới Ukraine, cho rằng Moscow đang có ý định “tiến hành một cuộc xâm lược”.

Ngoài ra, vẫn có những giới hạn nhất định đối với mặt trận thống nhất mà Nga và Trung Quốc đang cố gắng xây dựng. Chẳng hạn, Bắc kinh chưa bao giờ công nhận Bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga và Moscow cũng không ủng hộ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Hai bên không muốn ràng buộc trong một hiệp ước liên minh, thay vì đó, muốn duy trì khả năng hành động độc lập và linh hoạt.

Ông Sergey Radchenko, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Cardiff (Anh) nhận định: “Tôi nghĩ rằng chưa đến thời điểm Bắc Kinh ủng hộ bất cứ hành động mạo hiểm nào của Nga đối với Ukraine, cũng như Nga sẽ sốt sắng đứng về phía Trung Quốc nếu Bắc Kinh thực thi hành động quân sự đối với Đài Loan. Mỗi bên sẽ thể hiện quan điểm trung lập mềm mại với đối tác”./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thuong-dinh-nga-trung-khi-2-doi-thu-dang-gom-nhat-cua-my-that-chat-vong-tay-chien-luoc-post912064.vov