Thượng đỉnh Trump - Kim: Xếp lại quá khứ, nói về tương lai
Vượt qua muôn vàn trắc trở và những năm dài đối đầu căng thẳng, lãnh đạo của hai đất nước cựu thù đã gặp nhau tại Singapore và để lại những ấn tượng.
Sau hàng loạt động thái khiến thế giới chóng mặt suốt thời gian qua, hai nhà lãnh đạo cuối cùng cũng gặp nhau tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa, Singapore ngày 12/6. Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trở thành tâm điểm trên trang nhất của mọi tờ báo.
Đằng sau cái bắt tay lịch sử mở đầu cho chương mới trong quan hệ quốc tế là bản tuyên bố chung "mơ hồ" đầy tranh cãi. Tuy nhiên, cách thể hiện của Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim từ đầu đã bộc lộ mong muốn đạt được chiến thắng mang tính biểu tượng hơn là cam kết bao gồm giải pháp chi tiết.
Háo hức, thân thiện một cách có chừng mực
Trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, nhiều quan chức bày tỏ quan ngại về thái độ cư xử của Tổng thống Trump khi gặp các nhà lãnh đạo khác. Nhiều nguyên thủ quốc gia từng bối rối trước cú bắt tay kéo dài 30 giây, biểu cảm cau có, và kiểu tạo dáng "kỳ quặc" khi chụp hình của ông Trump.
Theo Washington Post, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Bill Richardson thậm chí còn khuyên tổng thống Mỹ đừng tỏ ra quá thân thiện khi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên. Động thái vui mừng quá mức từ phía người đứng đầu nước Mỹ có thể được Triều Tiên sử dụng như hình ảnh tuyên truyền về sự “bằng vai phải lứa” giữa hai nhà lãnh đạo.
Tuy nhiên, sau nụ cười tươi tắn, cử chỉ thân mật và cái bắt tay thật chặt, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim vẫn giữ thái độ lịch sự và đầy tôn trọng, trái ngược với những lời “miệt thị” hai người từng dành cho nhau trước kia.
Trong cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Trump tỏ ra thân thiện nhưng không quá cởi mở. Ông đặt nhẹ tay lên lưng ông Kim Jong Un khi tiến vào thư viện bắt đầu cuộc đàm thoại riêng.
Về phía nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim không che giấu sự vui mừng khi bắt tay Tổng thống Trump. Theo nhà phân tích Chris Cillizza của CNN, điều này không quá khó hiểu do cách đây 3 tháng, ông Kim Jong Un chỉ được coi là nhà lãnh đạo trẻ tuổi, bốc đồng của một quốc gia khép kín và cô lập. Nhưng tại Singapore hôm qua, ông Kim đang bắt tay với người đứng đầu đất nước quyền lực nhất thế giới.
“Thật không dễ dàng để đến được đây. Quá khứ đã giữ chúng ta lại, những thủ tục và định kiến lỗi thời đã che mắt và bịt tai chúng ta, nhưng chúng ta có thể vượt qua mọi thứ để đến đây hôm nay", nhà lãnh đạo Triều Tiên nói.
Diễn biến sau đó cho thấy buổi gặp có không khí thân tình và không quá ngột ngạt. Theo Straits Times, sau khi mời ông Kim ngồi xuống tại bàn ăn trưa, Tổng thống Trump không ngần ngại pha trò khi yêu cầu phóng viên chụp hình ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên sao cho “trông thật gầy và đẹp trai”.
Sau lễ ký kết, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhẹ vỗ lưng ông Trump. Tổng thống Mỹ sau đó có cử chỉ "thân ái" tương tự với ông Kim. Hai nhà lãnh đạo đã có buổi hội đàm thân tình với những lời lẽ tốt đẹp dành cho nhau.
Nụ cười xã giao tạo tiền đề cho tương lai
Sự thân thiện chừng mực hoàn toàn có thể xuất phát từ động thái thăm dò lẫn nhau. Trước cuộc hội kiến, Tổng thống Trump tuyên bố “tôi chỉ cần một phút để biết ông Kim có nghiêm túc trong vấn đề hạt nhân hay không”. Tuy bộc lộ những cử chỉ thân mật, ngôn ngữ cơ thể cho thấy hai nhà lãnh đạo không giấu được sự lo lắng khi ngồi trong phòng hội đàm.
Karen Leong, giám đốc điều hành Viện tư vấn Influence Solutions tại Singapore, nhận định với Reuters rằng hình ảnh từ phòng hội đàm cho thấy ông Trump có khuôn mặt khá căng thẳng, chụm hai bàn tay về phía trước, trong khi ông Kim Jong Un ngồi dựa vào một bên ghế và nhìn chằm chằm xuống mặt đất.
Với động thái thăm dò và khoảng thời gian nói chuyện thực chất chỉ kéo dài khoảng 20 phút (do còn thông qua phiên dịch), Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim khó có cuộc thảo luận toàn diện và có chiều sâu về các vấn đề lớn như giải trừ chương trình hạt nhân Triều tiên.
Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia trước đó, cuộc gặp lịch sử dường như mang ý nghĩa xã giao, tạo tiền đề cho đàm phán tương lai hơn là đạt được thỏa thuận chi tiết và cụ thể.
"Kịch bản khả quan nhất của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, không kết thúc quá sớm, và hai nhà lãnh đạo đưa ra được tuyên bố chung", nhà nghiên cứu Joshua J. Pollack thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Middlebury, California nhận định một cách thực tế.
Nỗ lực tỏa sáng trên sàn diễn chính trị
Từ khi Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tiến về phía nhau trên hành lang khách sạn Capella, hai nhà lãnh đạo đã thể hiện rõ thái độ quyết tâm hướng đến kết quả lạc quan từ hội nghị thượng đỉnh. Trước khi bước vào buổi họp song phương chính thức, ông Trump đã tự tin tuyên bố đây sẽ là “cuộc đàm phán tuyệt vời” với “thành công vang dội”.
Hai nhà lãnh đạo ý thức rõ hội nghị thượng đỉnh lịch sử lần này là cơ hội tuyệt vời cho cả Mỹ và Triều Tiên. Washington cần đạt được thỏa thuận dù là nhỏ nhất để tạo tiền đề tái lập ổn định trên bán đảo Triều Tiên, từ đó giúp Mỹ bớt bị phân tán các nguồn lực trong cuộc đối đầu chiến lược với Trung Quốc tại châu Á.
Với cá nhân Tổng thống Trump, ông quyết tâm tạo dựng cuộc gặp như một chiến thắng nhằm lu mờ hình ảnh “thiếu hợp tác” dẫn tới nước Mỹ bị cô lập trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa qua tại Canada. "Tôi đã không ngủ trong 25 tiếng đồng hồ", ông Trump cho biết trong buổi họp báo chiều 12/6.
Về phía nhà lãnh đạo Kim Jong Un, ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên bao gồm đảm bảo an ninh và dần xóa bỏ các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt dành cho Bình Nhưỡng.
Trả lời phóng viên Zing.vn từ Singapore, Giáo sư Trương Bảo Huy thuộc Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong), cho rằng ông Kim đã giành được “thắng lợi ngoại giao” sau khi ký vào bản tài liệu “khá mơ hồ” liên quan đến vấn đề giải trừ hạt nhân Triều Tiên.
Cái bắt tay cuối cùng giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un diễn ra khi hai nhà lãnh đạo đặt chân đến bậc thang cuối của khách sạn. “Chúng ta sẽ còn gặp nhau nhiều lần nữa”, Tổng thống Trump hứa hẹn.
Cách đây chỉ vài tuần, hai nhà lãnh đạo khiến cả thế giới bất ngờ và lúng túng trước quyết định “chia tay rồi không chia tay”. Nhưng sự quyết tâm từ Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho thấy họ hiểu rõ đây là sàn diễn chính trị tuyệt vời, mà họ, trên cương vị hai diễn viên chính, chắc chắn không bỏ lỡ cơ hội tỏa sáng.