Thượng đỉnh với Nga nằm đâu trong lịch trình nghị sự của Chủ tịch Tập Cận Bình
Moscow đang xúc tiến chuẩn bị các phiên họp cùng các nền kinh tế mới nổi BRICS và khối an ninh SCO ở St Petersburg theo kế hoạch.
Nga có thể là điểm đến cho chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Hiện kế hoạch cho hai hội nghị thượng đỉnh khu vực vẫn đang đi đúng hướng và mang lại cơ hội thúc đẩy liên minh trong bối cảnh Bắc Kinh đối mặt với sự phản ứng dữ dội về đại dịch.
Loạt thượng đỉnh theo đúng kế hoạch
Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andre Denisov đã xác nhận lịch trình 2 hội nghị thượng đỉnh BRICS và SCO và cho biết cũng đã có các cuộc thảo luận về việc Tổng thống Vladimir Putin đến thăm Trung Quốc vào tháng 9, mặc dù chưa ấn định thời điểm cụ thể.
"Chúng tôi vẫn hy vọng rằng vào cuối năm nay, có thể là nửa cuối năm nay, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội [để các nhà lãnh đạo đến thăm nhau], cả ở đây, tại Trung Quốc và ở Nga", ông Denis Denisov nói trong một cuộc họp báo qua video vào thứ Tư.
Theo SCMP, ông Putin dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo của các nền kinh tế mới nổi BRICS, có Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cũng như một cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO, một khối kinh tế và an ninh khu vực, ở St Petersburg vào giữa tháng 7.
Moscow cho biết họ đang chuẩn bị xúc tiến cả hai hội nghị thượng đỉnh này theo kế hoạch. Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Serge Lavrov tuần trước đã nói với các đối tác trong các khối này thông qua liên kết video rằng các cuộc họp mặt trực tiếp và đầy đủ đã được lên kế hoạch cho các sự kiện tụ họp quan trọng trong năm nay, bao gồm các hội nghị thượng đỉnh của BRICS và SCO.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức năm 2013, ông và nhà lãnh đạo Nga Putin đã có mối quan hệ cá nhân thân thiết, gặp gỡ hơn 30 lần. Chủ tịch Trung Quốc đã gọi ông Putin là người bạn thân nhất của ông ấy trước chuyến thăm cấp nhà nước tới Moscow vào năm ngoái, khi hai nhà lãnh đạo tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho một kỷ nguyên mới - với sự hợp tác nhiều hơn về an ninh.
Ông Tập và ông Putin cũng đã nói chuyện qua điện thoại ba lần kể từ tháng 3 và khi Bắc Kinh chịu áp lực ngày càng tăng đối với việc ngăn chặn đại dịch virus corona, ông Putin là nhà lãnh đạo nước lớn duy nhất trên thế giới đã lên án việc Hoa Kỳ đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch.
"Đã có những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng virus corona có thể phủ bóng lên mối quan hệ giữa hai nước, một phần là do Moscow sớm thực thi việc đóng cửa biên giới vào cuối tháng 1 bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Virus corona được báo cáo là xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán miền trung Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái. Loại virus này đã lây nhiễm tới hơn 308 nghìn người và khiến gần 3.000 người ở Nga tử vong, theo SCMP.
Diễn biến phức tạp trong quan hệ Nga - Trung
Một số nhà quan sát cũng cảnh báo rằng sự sụp đổ của giá dầu và suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch gây ra có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương.
Hôm thứ Tư, ông Denisov cho biết thương mại song phương có khả năng thấp hơn dự kiến trong năm nay vì đại dịch, nhưng sự suy giảm sẽ không rơi xuống mức nghiêm trọng.
Nga đã vượt qua Brazil trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Trung Quốc trong quý đầu tiên năm nay, với thương mại song phương tăng 3,4%. Xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc tăng 17,3%, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga giảm 14,6%.
Nhưng hôm thứ Tư, Denisov cho biết sự sụp đổ giá dầu và suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra - làm giảm nhu cầu sử dụng năng lượng ở Trung Quốc - có thể làm tổn thương sự hợp tác nhạy cảm của họ ở khu vực đó, và khu vực này có thể khó khôi phục.
Trung Quốc đã vượt Mỹ vào năm 2017 để trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là nhà nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai thế giới, sau Nhật Bản.
Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu kỷ lục 506 triệu tấn dầu thô, trong đó Saudi Arabia và Nga là nhà cung cấp hàng đầu. Vào tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc và Nga đã mở một đường ống khí đốt mới trị giá 55 tỷ USD, được gọi là Sức mạnh của Siberia, dự kiến sẽ mang 38 tỷ m3 (1,3 nghìn tỷ feet khối) khí đốt của Nga đến miền bắc Trung Quốc mỗi năm.
Denisov cho biết đại dịch cũng cho thấy sự cấp bách phải đa dạng hóa thương mại song phương, ngoài năng lượng, và sang các lĩnh vực khác như công nghệ.
"Ví dụ như chế biến dầu thô cũng cần sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất ở cả hai quốc gia. Hy vọng điều này sẽ giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn mà cả hai nước chúng tôi đang phải đối mặt", ông nói.
Sẽ rất khó để khôi phục lại mức độ hợp tác tương tự trong ngành [dầu và] khí đốt do hoàn cảnh khách quan, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng, ông Denisov nói thêm.