'Thương hiệu' gà trống thiến làng Ảng, làng Lường…

Gà sống thiến hiện diện trong nhiều tập tục của người Việt như cưới hỏi, giỗ, tết, thể hiện lòng thành kính, hiếu lễ của con cái với gia tộc, cha mẹ… Nét đẹp văn hóa ngàn xưa ấy tạo dựng nên giá trị căn cốt cho mỗi gia đình, dòng tộc xây đắp cuộc sống no ấm. Bây giờ, nhiều làng, nhiều bản đã hình thành nghề nuôi gà trống thiến thu nhập cao… nhưng có lẽ rõ nét nhất là ở đất Bình Xa (Hàm Yên).

Nổi danh với nghề

Đèo Ảng hay còn gọi làng Ảng là thôn xa nhất xã Bình Xa nằm biệt lập trên đỉnh núi Ảng nổi tiếng với nghề nuôi gà trống thiến. Người già làng Ảng cũng không còn nhớ nghề nuôi gà trống thiến có từ bao giờ. Bọn trẻ từ lúc còn bé xíu đã rất thích thú cùng ông, cùng cha và mấy bác trong làng thiến gà lúc giấc trưa. Chúng chăm chú theo dõi cách thiến gà, thiến cung, thiến moi, tùy vào tuổi gà mà người ta lấy những quả cà gà ra đưa cho lũ trẻ mang nướng trên củi lửa rực nóng. Bọn trẻ được ông, được bố bảo đi cạo nhọ nồi cho vào cái bát để bôi cho gà lúc vừa thiến xong để tránh bị nhiễm trùng. Cũng chả ai lý giải được trong nhọ nồi có chất gì mà khi bôi, gà không vị sưng vết mổ, không bị nhiễm trùng, chắc bởi tránh được ruồi nhặng bu vào gây viêm nhiễm.

Gà trống thiến ở làng Ảng nổi tiếng đẹp mã, chất lượng thịt thơm ngon.

Gà trống thiến ở làng Ảng nổi tiếng đẹp mã, chất lượng thịt thơm ngon.

Ông Lý Văn Hùng, dân tộc Dao, người nuôi gà nổi tiếng làng Ảng bảo, để có những con gà thiến ưng ý phải nuôi cả năm trời. Theo ông Hùng, nuôi gà thiến phải chọn được những con có vóc dáng cân đối, chân vàng, không quá cao, mào cờ, màu mã mật và vàng óng. Gà làng Ảng hội đủ những yêu cầu khắt khe của người mua. Để có lứa gà “vàng”, phải chọn từ trứng chọn đi, người nuôi sẽ chọn những quả trứng gà tròn đem ấp để có tỷ lệ con trống cao. Trứng gà được ấp từ tháng giêng, khi gà nở sẽ được úm, tiêm đủ vắc xin, sau 3 tháng nuôi gà đạt trọng lượng từ 0,6 kg trở lên, lúc gà bắt đầu tập gáy mang thiến là tốt nhất. Thời điểm thiến gà từ tháng 4 đến tháng 6 trong năm khi thời tiết khô ráo, chọn ngày không quá nóng để thiến gà để hạn chế bệnh truyền nhiễm. Gà mới thiến phải cho ăn chế độ riêng, tránh thức ăn ôi thiu, thực phẩm mốc để bảo đảm gà không bị bệnh đường ruột, tăng sức đề kháng.

Sau làng Ảng là làng Lường, còn gọi là Đồng Lường cũng nổi danh với nghề nuôi gà thiến. Ông Hoàng Văn Lá, dân tộc Dao, người làng Lường với kinh nghiệm 40 năm thiến gà cho rằng, có 2 cách là thiến cung và thiến moi, trong đó thiến cung đối với gà có trọng lượng 0,6-0,8kg/con và thiến moi với gà có trọng lượng 1,5-1,8kg/con. Ông Lá cho biết, thiến cung dùng dao sắc rạch 1 đường nhỏ ở sau cánh để lấy 2 hòn cà gà ra. Thiến cung khi gà còn non vết mổ nhỏ, gà ít bị chột. Thiến moi dễ hơn, rạch 1 đường gần hậu môn gà nhưng tổn thất cũng rất lớn. Ông Lá có 40 năm cầm dao thiến gà, làng trên xóm dưới, xã trong xã ngoài biết đến ông, nhờ ông thiến gà rất mát tay. Nhưng hơn thế là ông làm rất cẩn thận, không thiến sót, thiến sót là vứt rồi, thiến xong mà “ông gà” vẫn gáy te te, đuổi mái thì hỏng chuyện. Bây giờ thuốc kháng sinh sẵn rồi nhưng người làng vẫn thích chống viêm cho gà bằng nhọ nồi, vừa an toàn, vừa đỡ tốn kém, gà không bị mệt do uống thêm kháng sinh.

Đàn gà vừa được thiến hồi tháng 6 của gia đình ông Hoàng Văn Lá, thôn Đồng Lường,
xã Bình Xa (Hàm Yên) đáp ứng theo đơn đặt hàng của thị trường vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Nhất làng Ảng, nhị làng Lường…

Gà thiến lớn nhanh, lông mượt mịn màng như được chải dầu ô liu, đuôi gà mọc dài, cong vút nhìn đẹp như tranh vẽ. Trọng lượng gà thiến to gấp 3-4 lần ban đầu, thịt săn, chắc nhưng không dai, ngọt thịt. Đẹp mã, thịt ngon, ngọt, nên gà thiến của người Dao, người Nùng, người Tày ở đất Bình Xa rất có giá. Bà Lý Thị Hằng, dân tộc Nùng ở làng Ảng khẳng định, gà thiến không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi, cúng tế, ngày lễ, tết ở Bình Xa. Gà thiến Bình Xa giờ đây còn được nhiều nơi săn lùng vì mã đẹp, chất lượng.

Ông Nông Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Xa (Hàm Yên) khẳng định, trước đây nuôi gà thiến chỉ phục vụ nhu cầu trong gia đình, nhưng hiện nay đang trở thành nghề hốt bạc của nhiều hộ nông dân. Rất nhiều gia đình đã khấm khá lên từ nuôi gà thiến. Vào dịp cuối năm và trước Tết Nguyên đán chủ các nhà hàng ở thành phố Tuyên Quang, Hà Nội nhộn nhịp thương lái lên săn gà thiến với tiêu chí “nhất gà làng Ảng, nhị làng Lường, ba Nam Ninh”.

Ông Lý Văn Hùng, làng Ảng bộc bạch, trung bình mỗi năm ông nuôi 2 lứa gà thiến, mỗi lứa từ 30-50 con. Nuôi gà thiến không tốn vì chúng ăn ít, hiệu quả kinh tế gấp đôi. Thời điểm khan hiếm giá cao gấp ba gà thường. Hiện tại 1 kg gà thiến có giá 150 đồng/kg, còn vào dịp Tết Nguyên đán 160 nghìn đồng/kg. Mỗi con gà thiến khoảng 4 kg, trừ chi phí giống, thức ăn, ông Lá lãi ít nhất là 300 nghìn đồng.

Đàn gà trống thiến của gia đình bà Nông Thị Lịch, thôn Nam Ninh, xã Bình Xachuẩn bị cho Tết Nguyên đán.

Gia đình bà Nông Thị Lịch, thôn Nam Ninh từ tháng 11 trở đi gần như ngày nào bà cũng thu vài trăm nghìn đến tiền triệu từ bán gà thiến. Bà Lịch chia sẻ, vào dịp này, các hộ gia đình có con dựng vợ, gả chồng thường mua đôi gà to, đẹp có giá bạc triệu. Vào dịp Tết nếu làm quà biếu, khách hàng cũng mua theo đôi, còn nếu làm lễ sẽ mua 1 con. Gia đình bà Lịch nuôi quy mô lớn nhất trên 100 con/lứa.

Gà trống thiến Bình Xa đẹp mã, thịt thơm ngon hơn còn do nơi đây có khí hậu, nguồn nước trong mát, chăn thả hoàn toàn tự nhiên, ngoài tự đi kiếm thức ăn, gà được nuôi bằng các loại thức ăn như ngô, sắn, thóc, các loại rau xanh… Món ngon nhớ lâu, ai thưởng thức một lần gà thiến Bình Xa thì nhớ mãi. Chị Nguyễn Thị Ngoan ở thành phố Hải Dương (Hải Dương), người buôn chuyến mạn ngược xứ Tuyên thì thích nhất những “ông” gà trống thiến mã mật, mã vàng lộc ngộc dạo chơi dưới tán rừng. Chị bảo đúng là “gà đi bộ”, mua về làm quà ai cũng trân quý, làm cơm cỗ cuối năm mời họ hàng đến ăn, ai cũng tấm tắc khen ngon.

Thống kê của UBND xã Bình Xa, hiện tại xã có khoảng 300 hộ nuôi gà trống thiến, trong đó có 50 hộ nuôi quy mô lớn từ 80-100 con/lứa. UBND xã đang vận động các hộ thành lập Hợp tác xã nuôi gà trống thiến Đèo Ảng, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu gà thiến Bình Xa để trở thành sản phẩm chủ lực của xã.

Ghi chép: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/thuong-hieu-ga-trong-thien-lang-ang-lang-luong%E2%80%A6-124154.html