Thương hiệu nước giải khát lừng lẫy một thời chìm trong thua lỗ

Từ khi thị trường có sự xuất hiện của các hãng nước giải khát nước ngoài với chiến lược marketing hiệu quả, mạng lưới phân phối rộng, sản phẩm của Sá xị Chương Dương dần đánh mất thị phần.

Theo báo cáo tài chính quý II/2024, CTCP Nước giải khát Chương Dương (Sá xị Chương Dương - Mã: SCD) ghi nhận doanh thu khoảng 42 tỷ đồng, gấp 32 lần cùng kỳ. Trừ đi giá vốn, công ty lãi gộp gần 12,5 tỷ đồng.

Trong khi bán hàng khởi sắc, thì điều khiến công ty thua lỗ trong quý này là do chi phí lãi vay với hơn 10 tỷ đồng. Tính tại 30/6, doanh nghiệp này đang có gần 609 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính, đa số là nợ vay ngắn hạn.

Trừ các chi phí hoạt động, Sá xị Chương Dương lỗ gần 15,3 tỷ đồng và là quý lỗ thứ 14 liên tiếp. Tại thời điểm ngày 30/6, Sá xị Chương Dương lỗ lũy kế hơn 233 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm gần 44 tỷ đồng.

Nửa đầu năm nay, Sá xị Chương Dương đạt gần 99 tỷ đồng doanh thu nhưng vẫn lỗ sau thuế hơn 32 tỷ đồng.

CTCP Nước giải khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I của Pháp. Giữa năm 1977, Tập đoàn B.G.I chuyển nhượng quyền sở hữu và được đổi tên thành Nhà máy nước ngọt Chương Dương. Thế kỉ trước, Chương Dương trở thành nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam, trong đó tiêu thụ ổn định nhất là dòng sản phẩm sá xị.

Tuy nhiên, từ khi thị trường có sự xuất hiện của các hãng nước giải khát nước ngoài với chiến lược marketing hiệu quả, mạng lưới phân phối rộng, sản phẩm của Sá xị Chương Dương đã nhanh chóng đánh mất thị phần.

Giai đoạn 2009 - 2016 được xem là đỉnh cao của Sá xị Chương Dương khi doanh thu liên tục tăng trưởng qua các năm, chạm mức kỷ lục 449 tỷ đồng vào năm 2016. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, doanh thu của công ty liên tục suy yếu và chạm đáy 141 tỷ đồng vào năm 2023.

Lãnh đạo Sá xị Chương Dương từng thừa nhận, mạng lưới phân phối và bán hàng của công ty đã suy giảm theo ngành hàng và công ty chưa có đủ nguồn lực, khả năng để phục hồi nhanh như các công ty đứng đầu thị trường. Những “ông lớn” trong ngành còn bán phá giá, ký hợp đồng độc quyền với điểm bán, gây áp lực cho công ty về giá, biên lợi nhuận và hệ thống phân phối.

Để khắc phục thua lỗ, ban lãnh đạo đưa ra chiến lược điều chỉnh giá bán để tăng cạnh tranh, tối ưu hóa chi phí sản xuất, tìm kiếm nhà cung cấp và thương lượng giá mua nguyên vật liệu tốt hơn. Song song đó, Sá xị Chương Dương cũng muốn đẩy mạnh chiến lược khuyến mãi và bán hàng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SCD đang bị hạn chế giao dịch do vốn chủ sở hữu âm theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023.

Diễm Phương

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/thuong-hieu-nuoc-giai-khat-lung-lay-mot-thoi-chim-trong-thua-lo-217370.html