Thương hiệu quốc gia là 'bệ đỡ' đưa doanh nghiệp vươn ra thế giới
Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển THQG thông qua thương hiệu sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, trải qua 17 năm hình thành và phát triển, chương trình đã góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng vị thế cho THQG Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Phóng viên (PV): THQG là căn cứ rất quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm. Thưa Thứ trưởng, việc xây dựng THQG được Chính phủ quan tâm như thế nào?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Việt Nam đang tham gia tích cực và sâu rộng vào tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu và trong tiến trình đó việc khẳng định vị thế của quốc gia trong nhận thức của cộng đồng quốc tế là một yêu cầu tất yếu, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, để thành công, chúng ta cần xây dựng những thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Chính vì vậy, ngay từ rất sớm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đến vai trò của thương hiệu. Từ năm 2003, Bộ Công Thương được giao là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Chương trình THQG. Điều này thể hiện rõ quyết tâm, điều hành hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu.
PV: Thưa Thứ trưởng, việc được công nhận đạt danh hiệu THQG có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Việc tham gia chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của chương trình; từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của chương trình, đó là chất lượng-đổi mới, sáng tạo-năng lực tiên phong.
Như vậy phải nhấn mạnh rằng, Chương trình THQG không phải là giải thưởng mà việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt THQG Việt Nam chỉ là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của chương trình. Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp, mà sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.
PV: Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố 124 doanh nghiệp và 283 sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2020. Kỳ xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam lần này có những điểm gì mới, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Mặc dù trong hoàn cảnh dịch Covid-19 bùng phát, kỳ xét chọn THQG năm 2020 vẫn thu hút được sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực trên cả nước. Hội đồng THQG đã lựa chọn được 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2020.
Điểm nhấn của chương trình năm 2020 đó là số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm đạt THQG tăng với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay (tăng 27 doanh nghiệp so với năm 2018). Bên cạnh đó, chương trình năm nay đã thu hút được một số thương hiệu có tiếng trên thị trường lần đầu đăng ký tham gia, với nhiều sản phẩm, dịch vụ còn mới mẻ như thanh toán điện tử, quản lý khách sạn, du lịch trải nghiệm... đã làm nên sự đa dạng cho chương trình. Điều này càng chứng tỏ nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của thương hiệu đã được nâng cao.
PV: Bộ Công Thương dự kiến sẽ có những hoạt động gì trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong và ngoài nước, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình THQG Việt Nam sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong và ngoài nước. Trong đó sẽ tập trung hỗ trợ nâng cao nhận thức của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp đối với công tác xây dựng, phát triển thương hiệu; hỗ trợ trực tiếp để các doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí của chương trình THQG và trở thành các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG; tuyên truyền quảng bá cho Chương trình THQG và các sản phẩm đạt THQG tới đối tác quốc tế cũng như người tiêu dùng trong nước.
PV: Xây dựng THQG không chỉ là việc của doanh nghiệp mà phải cả hệ thống chính trị, từng địa phương, từng người dân. Vậy việc đẩy mạnh mối liên kết trong xây dựng THQG sẽ được thúc đẩy như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Các bộ, ngành trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình, tổng hợp nhu cầu của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp để đề xuất, xây dựng và phối hợp thực hiện các đề án theo nội dung của Chương trình THQG. Như vậy, việc xây dựng, bảo vệ, quảng bá THQG sẽ có sự chung tay, phối hợp cùng thực hiện của các bộ, ngành, của cả cộng đồng xã hội.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan thực hiện chuỗi các hoạt động quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Các chuyên đề về THQG sẽ tập trung vào thương hiệu ngành, quảng bá hàng hóa, dịch vụ gắn với đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường; quảng bá hàng hóa, dịch vụ gắn với văn hóa, du lịch...
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Trước đây, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2019, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu đạt hơn 9,3 tỷ USD; trong đó hầu hết là doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG. Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2020 có thể kể đến như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Công ty CP Tập đoàn BRG; Công ty CP Gốm Chu Đậu; Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời; Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát; Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong...