Thương hiệu Việt dốc sức đạt đích 'xanh'
Xây dựng thương hiệu theo hướng xanh đang là chiến lược phát triển và cũng là bài toán đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm nắm bắt xu thế toàn cầu, đạt mục tiêu phát triển bền vững, có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu...
Bộ Công Thương cho biết các tiêu chuẩn xanh của châu Âu đang được áp dụng ngày càng rộng và sâu hơn, như chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (F2F); Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới (CEAP); Cơ chế biên giới điều chỉnh carbon (CBAM); Quy định chống phá rừng của EU (EUDR)... Các quy định mới này mang tính chất đơn phương của EU, song lại là yêu cầu bắt buộc với các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này.
XU HƯỚNG TIÊU DÙNG XANH TĂNG NHANH
Xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh không chỉ ở châu Âu, mà đang ngày càng nở rộ tại nhiều quốc gia. Một nghiên cứu của Unilever cho thấy 1/3 số khách hàng sẵn sàng lựa chọn mua các thương hiệu mà họ cho rằng đang đóng góp tích cực cho xã hội hay môi trường.
Tại Anh có tới 53% người mua hàng và 78% ở Mỹ cho rằng họ cảm thấy tốt hơn khi mua được sản phẩm bền vững, trong khi con số này tăng lên 88% ở Ấn Độ và 85% ở Braxin và Thổ Nhĩ Kỳ. Còn theo Ngân hàng thế giới, 71% người tiêu dùng trên toàn thế giới cho rằng họ sẵn sàng góp phần xây dựng môi trường sống bền vững thông qua chi tiêu vào các sản phẩm được chứng nhận xanh, không ảnh hưởng môi trường.
Tại Việt Nam, nghiên cứu của Công ty Nielsen cho thấy các thương hiệu có cam kết xanh và sạch có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Ví dụ, với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng của các thương hiệu xanh nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5-11,4%. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.
Cũng theo Nielsen, có tới khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu xanh và sạch. Điều này có nghĩa, xu hướng tiêu dùng của người dân với các sản phẩm sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng có xu hướng tăng lên.
Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhận thức được giá trị của thương hiệu xanh nên đã đầu tư vào sản xuất xanh, đưa ra các chiến lược tiếp thị, truyền thông nhấn mạnh đến việc tạo dựng hình ảnh thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp chậm chân trong xây dựng thương hiệu theo hướng xanh khiến họ mất đi nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, sức cạnh tranh cũng sụt giảm so với hàng hóa cùng loại khác đảm bảo được các tiêu chí xanh. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp chưa trở thành nhà cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các tập đoàn FDI đang đầu tư tại Việt Nam.
KHÔNG DỄ TRỞ THÀNH THƯƠNG HIỆU BỀN VỮNG
Thúc đẩy các thương hiệu Việt Nam hướng tới phát triển xanh không phải là một việc dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh có không ít thương hiệu cố gắng xây dựng hình ảnh thân thiện với môi trường nhưng lại đi ngược với mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, siêu nhỏ nên hạn chế về vốn và nhân lực, vì vậy khó khăn trong đầu tư vào công nghệ hiện đại để sản xuất xanh. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho phát triển xanh và bền vững rất cao, nhưng mang lại lợi ích trong dài hạn, nên phần lớn doanh nghiệp buộc phải chấp nhận sử dụng công nghệ và vật liệu giá rẻ để phục vụ các mục tiêu ngắn hạn trước mắt. Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ có một số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn và là doanh nghiệp đại chúng phát hành chứng khoán niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán triển khai các hoạt động phát triển bền vững theo bộ tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Khó khăn nữa, theo ông Chiến doanh nghiệp có thể gặp rủi ro nếu quản lý không tốt, do còn thiếu kinh nghiệm và hạn chế về kỹ năng xanh. Trong khi đó, một số chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững mới dừng lại ở nâng cao nhận thức, đào tạo trên diện rộng chứ chưa đi sâu vào nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia thương hiệu, việc xây dựng thương hiệu phát triển xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn giúp cho doanh nghiệp khai thác hợp lý các nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, tạo thiện cảm cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp nào sớm thay đổi quy trình, công nghệ để tạo ra sản phẩm xanh sẽ dễ dàng tìm được đối tác mua hàng. Đồng thời, các nhãn hàng quốc tế cũng ưu tiên đặt hàng với những nhà máy sản xuất xanh.
Mặt khác, người tiêu dùng hiện đang dành thiện cảm nhiều hơn đối với các thương hiệu có tinh thần trách nhiệm, có thể giúp làm cho thế giới sạch hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, từ tìm nguồn cung ứng tiêu chuẩn và bền vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm hoặc tác động tiêu cực đến môi trường, phân phối các sản phẩm có “nhãn xanh” thân thiện môi trường đến tay người tiêu dùng. Việc xây dựng thương hiệu bền vững cần được tiến hành theo kế hoạch, quy trình cụ thể nhằm đảm bảo cả uy tín doanh nghiệp và cân bằng lợi ích kinh doanh.
Doanh nghiệp nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những sản phẩm dịch vụ “xanh” có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như khẳng định tầm nhìn và năng lực kinh doanh bền vững để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư dài hạn.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải kiên định với chiến lược dài hạn hướng tới phát triển bền vững trong từng giai đoạn phát triển; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại trên thế giới; hình thành chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
PHẢI XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP XANH
Bà Võ Thị Liên Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Secoin, cho rằng khi ra thị trường thế giới, người tiêu dùng chỉ quan tâm tới thương hiệu của quốc gia nào, chứ không quan tâm đến từng thương hiệu riêng rẽ. Vì vậy, phát triển thương hiệu theo hướng xanh nếu chỉ một doanh nghiệp làm thì không đủ, mà phải xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp xanh để khi khách hàng nghĩ đến hàng Việt Nam là nghĩ đến sản phẩm xanh đầu tiên.
Theo đó, thúc đẩy các doanh nghiệp mang thương hiệu quốc gia Việt Nam hướng tới phát triển xanh để tạo một nền kinh tế xanh cho đất nước thì vai trò của Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan trọng.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho biết hàng Việt đang dần phát triển theo hướng xanh rất mạnh mẽ. Song, để nâng cao năng lực cung ứng, vị thế hàng Việt tại thị trường trong nước và trên thế giới, chúng ta cần có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng trồng, tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương. Sản phẩm OCOP cũng cần được quy hoạch rõ ràng, phân bố hợp lý thể hiện sự đặc trưng. Đồng thời, cần định hướng đầu tư sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu quốc gia, thậm chí toàn cầu. Phải có sự thúc đẩy phát triển đồng bộ các ngành cung ứng hậu cần, thương mại điện tử và số hóa, hiện đại hóa, tập trung vào sản xuất, lưu thông, phân phối hàng Việt...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2024 phát hành ngày 14/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thuong-hieu-viet-doc-suc-dat-dich-xanh.htm