Thương hiệu Việt qua thăng trầm lớn lên cùng thành phố

Sau ngày thống nhất, TPHCM bước vào hành trình tái thiết sau chiến tranh với hàng loạt thách thức như hạ tầng xuống cấp, sản xuất đình trệ, nguồn lực khan hiếm và bị cô lập về quan hệ kinh tế. Thế nhưng, ngay trong bối cảnh ngặt nghèo ấy, nhiều thương nhân vẫn khởi sự kinh doanh, âm thầm gieo mầm cho những thương hiệu Việt đầu tiên trong thời kỳ mới.

Vùng đất tiên phong cho kinh tế thị trường

Những hồi ức về thời khắc thống nhất đất nước không chỉ có niềm vui mà còn là những tháng năm chật vật vượt qua những tổn thương. Trong điều kiện thiếu thốn, nhiều doanh nghiệp ra đời không đơn thuần vì mục tiêu lợi nhuận mà còn là để đáp ứng nhu cầu phục vụ cộng đồng.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người sáng lập và điều hành doanh nghiệp đã có dịp trải lòng về hành trình gây dựng, thích nghi và trụ vững giữa dòng chảy phát triển của TPHCM sau ngày khải hoàn.

Một trong những thương hiệu tiêu biểu cho tinh thần ấy là Fahasa. Được thành lập chỉ một năm sau ngày giải phóng, trong bối cảnh nhu cầu phát hành sách báo, tuyên truyền và phổ biến văn hóa cách mạng tại TPHCM trở nên cấp thiết, Quốc doanh Phát hành sách TPHCM, tiền thân của Công ty Phát hành sách TPHCM (Fahasa) đã ra đời với sứ mệnh mang tri thức, tài liệu tuyên truyền và văn hóa đọc đến với cư dân thành phố.

TPHCM không chỉ là nơi đặt trụ sở chính Fahasa mà còn là bệ phóng cho các mô hình nhà sách kiểu mới. Từ thiết kế gắn với văn hóa vùng miền đến việc ứng dụng hệ thống dữ liệu quản lý hiện đại, Fahasa từng bước biến nhà sách thành không gian văn hóa sống động, nơi khách hàng không chỉ đến để mua sách mà còn để đọc, chơi, khám phá.

Có thể thấy, sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp là minh chứng cho tinh thần nhạy bén và ý chí kiến tạo của giới thương nhân lúc bấy giờ. Dù cơ sở vật chất, nhà xưởng sản xuất ở TPHCM ít bị tàn phá sau chiến tranh nhưng hệ thống kinh tế lại cũng không khá hơn các địa phương khác, vẫn diễn ra trạng thái trì trệ do thiếu nguồn lực phục hồi. Tình trạng “chảy máu chất xám” đã xảy ra khi nhiều trí thức, kỹ sư, doanh nhân rời bỏ đất nước. Tuy nhiên, giữa lúc đó vẫn không ít người đã lựa chọn ở lại, cùng thành phố vượt qua khó khăn.

Những năm 1980, Biti’s xuất hiện với khát vọng “người Việt có giày để mang” trong bối cảnh thị trường giày dép nội địa gần như trắng tay. “Theo cha mẹ kể lại, thời điểm đó Việt Nam rất khó khăn. Giày dép trong nước không có, đa số phải nhập khẩu từ Thái Lan”, bà Vưu Lệ Quyên, CEO Biti’s chia sẻ.

Gia đình bà Quyên khi ấy đã gom góp toàn bộ vốn liếng, gồm 2 cây vàng để thành lập hai tổ hợp sản xuất nhỏ mang tên Vạn Thành và Bình Tiên đặt nền móng cho Biti’s (Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên) sau này. Chính tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám bươn chải trong nghịch cảnh đã tạo nên một thương hiệu Việt vững vàng với thời gian.

Dù mỗi doanh nghiệp khởi sinh trong hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung một điểm tựa: thành phố này là một vùng đất mở, nơi cho phép thử nghiệm, sai lầm, đổi mới và hồi sinh.

Chuyển mình và trưởng thành cùng thành phố

Sự lớn mạnh của các thương hiệu Việt không thể tách rời khỏi những cột mốc quan trọng của TPHCM. Khi thành phố mở rộng hạ tầng, doanh nghiệp mở rộng chuỗi phân phối. Khi TPHCM bước vào kỷ nguyên số, các doanh nghiệp cũng tái cấu trúc mô hình vận hành, đầu tư công nghệ và thay đổi cách thức quản trị; khi thị trường tiêu dùng biến động, họ cũng là những người đầu tiên thích ứng, cải tiến và tái định vị thương hiệu.

Nhìn lại hành trình phát triển của các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền Nga, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, chia sẻ: “Chúng tôi gần như song hành với quá trình phát triển của thành phố. Khi đất nước hòa bình và khởi động chương trình phổ cập giáo dục, Thiên Long bắt đầu từ một hộ gia đình sản xuất bút cung ứng cho nhu cầu của học sinh. Khi thành phố lập Sở Giao dịch Chứng khoán, chúng tôi niêm yết tham gia vào thị trường vốn chuyên nghiệp. Khi thành phố hội nhập, chúng tôi bắt đầu xuất khẩu vươn ra quốc tế”.

Với ông Kao Siêu Lực, nhà sáng lập ABC Bakery, TPHCM không chỉ là nơi lập nghiệp mà còn là vùng đất truyền cảm hứng khởi nghiệp. Ông nhận định: “Tôi lập nghiệp ở thành phố này, nơi mọi chính sách hỗ trợ đều được truyền đạt kịp thời. Từ khuyến khích đổi mới thiết bị, đến các gói vay đầu tư máy móc, tất cả đều giúp tôi mạnh dạn phát triển”.

Trong dòng chảy của thành phố trẻ vẫn có những cột mốc khó quên đối với nhiều doanh nghiệp. Có thể kể đến chính là thời kỳ đại dịch Covid-19 một giai đoạn mà doanh nghiệp phải tái cơ cấu, tư duy khác biệt để tồn tại. Trong nốt trầm này, không phải công ty nào cũng đủ tiềm lực để vượt qua, rất nhiều doanh nghiệp đã phải rời bỏ thị trường.

Chỉ riêng năm 2021, đã có hơn 101.000 doanh nghiệp trên cả nước đã rút khỏi thị trường con số cao kỷ lục trong bối cảnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt và chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Thế nhưng, những doanh nghiệp

còn lại đã nổ lực để đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế.

Câu chuyện “bánh mì thanh long” của ông Kao Siêu Lực trong giai đoạn dịch cũng là một ví dụ điển hình về doanh nghiệp dám xoay trục để tồn tại đồng thời góp phần giải cứu nông sản và tạo nên hiệu ứng lan tỏa về trách nhiệm xã hội.

Thành phố này không chỉ cung cấp mặt bằng, nhân lực, hay hạ tầng mà còn là chất xúc tác mạnh mẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi, thử nghiệm và không ngừng vươn lên.

Việc các thương hiệu trụ vững này không đến từ một công thức chung mà từ khả năng định vị rõ mô hình, dám tái cấu trúc đúng thời điểm và liên tục thích ứng với thị trường. Trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, biên lợi nhuận co hẹp, hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh và áp lực chuyển đổi số ngày càng cao, họ chính là tài sản chiến lược của thành phố. Trong 50 năm tới, TPHCM sẽ cần thêm nhiều doanh nghiệp bản địa như vậy để đóng góp vào tăng trưởng của thành phố và góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Ngọc Khuyến

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thuong-hieu-viet-qua-thang-tram-lon-len-cung-thanh-pho/