Thương hoài hến kẹp bánh đa
Bình Phước nơi tôi ở có hai mùa mưa, nắng. Khi những cơn mưa cuối mùa vừa dứt là mùa khô ập tới. Những vạt cỏ tranh bên bờ sông Bé úa vàng từng vùng rồi đồng loạt ngả sang màu đất đỏ. Cái nắng khô gắt cháy da của miền Đông Nam Bộ hút cạn nước sông, để trơ lại lòng sông lổn nhổn cát sỏi. Đó cũng là mùa tuổi thơ chúng tôi được thưởng thức món đặc sản hến kẹp bánh đa của mẹ.
Mùa khô, nước sông Bé cạn, hến mẹ, hến con tranh nhau cắm chặt miệng xuống cát sỏi như muốn níu giữ chút dòng nước mát cuối cùng. Nước mé bờ vừa ngang ống quyển là mẹ tôi và những người phụ nữ trong xóm đi xúc hến. Đồ nghề “đi xúc hến” của mẹ rất đơn giản, chiếc cào có cán lồ ô dài được chế lại từ giỏ xe đạp cũ của ba và một cái bao tải buộc ngang hông dùng để đựng hến. Mẹ và những người phụ nữ tần tảo ngâm mình trong nước, hì hụi dùng cào rà sát đáy nước, cào tất cả sỏi, cát và cả những con hến lẫn trong đó lên, rồi đãi, lựa lấy hến bỏ vào bao. Mẹ đi cả buổi, tới khi chiều muộn mới về.
Trời vừa xế là chị em tôi bỏ chơi, chạy ra ngõ ngóng tiếng xe đạp cũ ken két từ xa của mẹ. Mẹ về, mấy chị em tranh nhau đứa lấy thau, đứa đổ hến, đứa nhóm lửa. Tiếng cười đùa ấm cả mái tranh nghèo. Hến về thường được chia làm hai phần, một phần mẹ sẽ đem bán lấy tiền mua dầu, muối; phần còn lại mẹ dùng nấu mấy món “đặc sản” đãi chị em tôi.
Cả chị hai, bé tư, út Bình và tôi đều rất mê món hến kẹp bánh đa của mẹ. Nguyên liệu tuy dân dã, chỉ là hến, vài trái cà chua, ít giá đậu, tiêu và rau thơm, nhưng qua bàn tay chế biến của mẹ lại thành món ngon với chị em tôi. Lần nào cũng thế, chúng tôi háo hức xem mẹ phi hành, hành vừa xém vàng, thơm lừng là đổ hến đã đãi sạch vào. Sau đó, mẹ bỏ cà chua chưng sẵn, giá đậu vào đảo đều tay, rồi cho thêm chút tiêu và ít rau thơm, sau đó bắc xuống cho ra đĩa.
Chiếc bánh đa to, vàng thơm, giòn tan bẻ thành từng miếng vừa ăn. Chúng tôi thích thú xúc hến bỏ vào giữa hai miếng bánh, chấm chút nước mắm me tỏi ớt, cắn một cái nghe giòn rụm. Vị ngọt của hến hòa với giòn bùi của bánh đa, vị mát của giá, vị cay của tiêu khiến thời gian như muốn ngưng đọng lại. Vừa ăn miếng bánh, chị hai vừa khen nức nở “Mẹ là số một đó nha!”.
Giờ chị hai tôi đã lấy chồng xa nhà, có con cái đùm đề, cuộc sống hạnh phúc. Chắc rằng ở nơi ấy, chị sẽ có lúc nhớ đến da diết “món ruột” hến kẹp bánh đa của mẹ ngày xưa. Còn tôi, dù đã đi nhiều nơi, được thưởng thức nhiều món ngon, cũng có khi được ăn hến kẹp bánh đa do người khác chế biến, nhưng trong thâm tâm vẫn luôn cảm thấy như thiếu đi hương vị nào đó… Phải chăng đó là vị của tình thân, vị của yêu thương từ người mẹ tảo tần, hy sinh tất cả cho chồng con.
Chiều đi công tác ngang cầu đoạn sông Bé chảy qua, tôi chợt nhớ nao lòng món hến kẹp bánh đa năm nào. Tôi bỗng thèm được trở về nhà, sà vào lòng mẹ, thèm được xuýt xoa vị cay nồng của tiêu, vị giòn tan của bánh, vị ngọt của hến, thèm một món ăn tuy thôn dã nhưng chứa đựng cả tấm lòng của mẹ luôn vì các con.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/147793/thuong-hoai-hen-kep-banh-da