Thương lái dè dặt cọc hàng, người trồng cúc phập phồng lo mất Tết
Nếu như thời điểm này mọi năm, phần lớn lượng hoa ở xã Nghĩa Hiệp - thủ phủ trồng cúc Tết của Quảng Ngãi đã được cọc hàng, thì năm nay số lượng hoa 'có chủ' chỉ ngót nghét phân nửa.
Để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, gia đình bà Phương (xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) trồng 600 chậu cúc.
Qua thời gian dài chăm bón, hiện cúc của gia đình bà đã bước vào giai đoạn cuối của quá trình chăm sóc trước khi xuất bán ra thị trường. Thế nhưng, bà Phương đang rất lo lắng khi đến giờ mới bán được vỏn vẹn... 30 chậu hoa. Trong khi các năm trước, thời điểm này toàn bộ số hoa trong vườn đã được thương lái hỏi mua, đặt cọc.
"Mọi năm thương lái đến đặt cọc mua hoa đông như 30 Tết, năm nay loe hoe vài người. Sáng nay có người đến hỏi, nấn ná rồi bỏ đi mất"- bà Phương buồn rầu.
Theo nhiều nông dân trồng cúc ở xã Nghĩa Hiệp, trước Tết cổ truyền chừng một tháng, phần lớn các vườn đều đã được thương lái hỏi mua, xuống cọc, nhưng năm nay còn rất nhiều vườn chưa có ai đến cọc.
Trước tình hình trên, một số chủ vườn đã treo biển bán cúc cùng số điện thoại liên hệ ở dọc tuyến đường liên xã. Theo tìm hiểu, dù vật tư trồng hoa tăng cao hơn so với mọi năm, giá hoa cúc tại vườn ở Nghĩa Hiệp vẫn được "neo" ở mức cũ, dao động từ 130.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/chậu (tùy kích cỡ).
Xã Nghĩa Hiệp có hơn 500 người trồng hoa với khoảng 250.000 chậu hoa cúc sẵn sàng cho Tết. Thống kê của chính quyền địa phương, chỉ có khoảng 50% hoa cúc được thương lái đặt cọc.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, hoa cúc Nghĩa Hiệp đã được công nhận là sản phẩm OCOP nhưng đa phần người dân trồng theo kinh nghiệm truyền thống, không rõ định hướng, nên khó tiếp cận thị trường.
“Hiện việc sản xuất hoa Tết vẫn theo kiểu may nhờ rủi chịu, còn tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Chỉ cần vắng người mua là bà con như ngồi trên lửa. Địa phương mong có cơ quan chuyên môn quảng bá, tăng đầu ra cho vựa hoa cúc lớn nhất miền Trung. Có như vậy, nghề truyền thống này mới bền vững"- ông Tuyên nói.
Không chỉ riêng thủ phủ hoa cúc Nghĩa Hiệp, một số địa phương khác trồng cúc Tết của Quảng Ngãi cũng đang trong tình cảnh tương tự.
Ông Trịnh Đình Được (xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức) gắn bó với nghề trồng hoa gần 30 năm qua, nhưng chưa bao giờ thấy ế ẩm như năm nay. Trong tổng số 2.500 chậu cúc vụ Tết ông mới bán được 1.200 chậu.
"Số hoa tôi bán được là nhờ những mối cũ, chứ chẳng ai đến vườn xem hoa. Cũng không hiểu sao năm nay chậm vậy. Thời tiết bất lợi còn làm cho 200 chậu vạn thọ của gia đình chưa chịu cho nụ, xem như mất trắng"- ông Được cho hay.
Theo tìm hiểu từ các thương lái, nguyên nhân của tình trạng trên là do họ e ngại tình hình kinh tế khó khăn, dự đoán sức mua vào dịp Tết Nguyên đán năm nay giảm mạnh nên chần chừ không dám cọc.
Như năm ngoái, dự báo tình hình tiêu thụ khả quan hơn nhưng mưa lạnh kéo dài khiến chợ hoa Tết ở TP Quảng Ngãi ế ẩm, vắng khách. Từ tối 28 tháng Chạp, nhiều gian hàng hoa, cây cảnh đã đồng loạt giảm giá để "xả hàng" với hy vọng thu lại được vốn.
Trong khi đó, tại nhiều điểm bán cúc khác, không ít người bán đến tận giao thừa nhưng chỉ lời có mấy đồng.
Một số thương lái khác lại cho rằng thời tiết mưa kéo dài, có khả năng hoa cúc không nở đúng vào dịp Tết, nguy cơ thua lỗ nếu “ôm hàng”.
"Dự báo ngày mai mưa sẽ tiếp tục cho đến cuối tháng, tôi sợ hoa không nở kịp, ôm vào bán không được là lỗ chết"- anh Đinh Trường Giang, một thương lái từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi xem hoa chia sẻ.