Thương lái giải thích lý do chấp nhận rủi ro đặt cọc mua lúa 10 ngày tuổi
Mấy ngày nay, giá lúa tăng cao, nhiều thương lái vùng Đồng bằng sông Cửu Long bạo gan đặt cọc mua cả lúa non chỉ mới 10 ngày tuổi.
Lúa mới trồng 10 - 20 ngày đã được đặt mua
Hơn 10 năm làm thương lái, anh Hà Văn Dưỡng ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết, chưa bao giờ lại khó mua lúa như hiện nay.
Anh cho biết, thương lái bây giờ tranh nhau mua lúa non. Đi nhiều cánh đồng gieo sạ sớm lúa thu đông mà anh mới thu mua được 300 công (30ha). Nhiều doanh nghiệp đặt hàng nên phải tranh thủ mua để đảm bảo đơn hàng đúng hợp đồng.
Anh Dưỡng chia sẻ: “Mua lúa non cũng lo lắm vì không biết thời gian tới (3-4 tháng sau mới thu hoạch) giá lúa thế nào, nhưng vẫn phải "liều" để đảm bảo uy tín với doanh nghiệp.
“
Chưa bao giờ giá lúa lại “sốt” trên những cánh đồng ở ĐBSCL như hiện nay. Giá lúa tăng cao, thương lái cũng dập dìu trên nhiều cánh đồng lúa còn xanh non để đặt cọc mua lúa.
”
Phòng hờ rủi ro thì mình mua thấp hơn thị trường khoảng 700 - 800 đồng/kg. Lỡ giá lúa có xuống sẽ không bị lỗ hoặc lỗ chút đỉnh thôi”.
Anh Nguyễn Ngọc Tiên, thương lái ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cho biết, đến thời điểm này đã mua được khoảng 2.000 ha lúa non.
Đối với lúa lá (từ 10 đến 15 ngày tuổi), anh mua giá 7.100 - 7.200 đồng/kg. Lúa từ trổ đến trổ đều giá từ 7.400 - 7.500 đồng/kg. Còn đối với lúa còn khoảng 10 ngày nữa cho thu hoạch thì thu mua với giá từ 8.000 - 8.200 đồng/kg.
“Giá cao như vậy nhưng bây giờ nông dân không chịu bán nữa. Họ sợ mai mốt giá lên nữa không được lời nhiều”, anh Tiên thông tin thêm.
Theo tìm hiểu của PV, số tiền đặt cọc sẽ dao động từ 0,4-0,5 triệu đồng/1.000m2 lúa.
Trên cánh đồng ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, lúa chỉ 20 ngày đã được thương lái đến đặt cọc, hỏi mua.
Ông Trần Ngọc Phương (ngụ xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, mấy chục năm làm ruộng, chưa năm nào như năm nay, lúa mới 20 ngày đã có thương lái hỏi mua, đặt cọc giá 8.300 đồng/kg cho giống lúa OM18.
“Đặt cọc cao thì mừng mà tôi không dám nhận, vì biết đâu mai mốt giá giảm rồi thương lái kèo nài thì mệt lắm, mua bán khó khăn nữa. Đợi sát ngày thu hoạch bán luôn mới chắc ăn”, ông Phương nói thêm.
Giá lúa tăng liên tục, thương lái cũng thường xuyên dạo quanh các cánh đồng để thu mua.
Anh Chau Kol (ngụ xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho biết, vụ thu đông này anh sạ giống lúa OM5451. Hiện tại lúa mới có 20 ngày đã được thương lái đến hỏi mua toàn bộ với giá 8.000 đồng/kg.
“Xung quanh đây, nhiều bà con cũng được thương lái hỏi mua lúa non. Có người vẫn nhận cọc, có người đợi đến ngày thu hoạch mới bán”, anh Kol thông tin thêm.
Qua tìm hiểu của PV Báo Giao thông, việc thương lái tranh nhau mua lúa non như hiện nay là do nhiều doanh nghiệp đặt hàng. Thương lái mua được bao nhiêu sẽ lấy hết bấy nhiêu theo giá thị trường.
Nông dân phấn khởi
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 54% diện tích, 55% sản lượng và khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
“Chưa bao giờ người trồng lúa ở ĐBSCL vui như vậy, vì giá tăng 20-30% như hiện nay”, đây là chia sẻ của lão nông Phạm Văn Hóa (ngụ phường An Lạc, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).
Ông Hóa có 1,7 ha lúa sẽ cho thu hoạch vào tuần tới. Cách đây mấy hôm, ông nhận cọc bán lúa OM18 giá 8.600 đồng/kg. Ước tính với mức giá như hiện nay, vụ này, ông Hóa lời hơn 20 triệu đồng/ha, gấp đôi so với năm ngoái.
“Hy vọng giá lúa vẫn tiếp tục ổn định ở mức cao như vậy thì nông dân phấn khởi lắm”, ông Hóa nói.
“
Một cán bộ nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cho biết, với mức giá tăng cao như hiện nay, bà con nông dân sau khi thu hoạch xong lúa hè thu cũng đã chuẩn bị làm đất để gieo sạ tiếp vụ thu đông.
“Bà con cần nhớ là phải để cho đất nghỉ ngơi, cách ly sâu bệnh nhằm đảm bảo việc canh tác vụ tiếp theo được thuận lợi”, cán bộ này cho biết thêm.
”
Hiện nay, nông dân các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân (tỉnh An Giang) bắt đầu thu hoạch vụ hè thu.
Trên các cánh đồng, máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất. Dọc các tuyến kênh, ghe thu mua đậu sẵn, chỉ chờ nông dân thu hoạch lúa từ ruộng mang lên là cân để xuống ghe…
Tuy trồng giống lúa thường OM380, nhưng nhờ thu hoạch sớm trên diện tích hơn 2,3ha nên vựa lúa của gia đình ông Nguyễn Ngọc Chín, (ngụ tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) được thương lái mua tại chân ruộng với giá 6.900 đồng/kg.
“Nhờ gieo sạ đúng lịch thời vụ, tránh được thời tiết bất lợi nên trúng đậm, sau khi trừ chi phí, tôi lời khoảng 30 triệu đồng/ha”, ông Chín phấn khởi nói.
Tính đến thời điểm hiện tại, vụ lúa hè thu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nông dân thu hoạch được gần 95% diện tích, năng suất đạt gần 6,6 tấn/ha. Số còn lại đang trong giai đoạn trổ chín. Giá bán tăng khoảng 200 - 450/kg, tùy loại.
Tận dụng thời cơ
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Danh dự của Trường Đại học Nam Cần Thơ - chuyên gia nông nghiệp, đánh giá, ngành nông nghiệp khuyến cáo tăng thêm diện tích trồng lúa vụ ba bởi đây là cơ hội rất tốt cho hạt gạo Việt Nam trong bối cảnh các nước ở khu vực châu Á đều bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.
Thế nhưng khi tăng vụ, trồng lúa cao sản phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chi phí vật tư lớn mà giá lúa gạo không cao khiến lợi nhuận của nông dân thấp, gặp lúc mất giá thì lỗ.
Do đó, tăng sản lượng không quan trọng bằng việc tăng chất lượng, giảm chi phí sản xuất để nông dân vừa bán được giá lúa cao vừa thu được nhiều lợi nhuận hơn và bền vững hơn.
“Doanh nghiệp, địa phương phải cùng hợp tác xây dựng kế hoạch sản xuất, đầu tư cho nông dân.
Khi trồng lúa cần làm sao cho ít sâu bệnh; sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh hiệu quả để cho năng suất cao và làm ra hạt gạo tốt nhất.
Nông dân cũng phải thay đổi, không sản xuất manh mún, nhỏ lẻ mà buộc phải hợp tác với nhau, hình thành các hợp tác xã, các chuỗi cung ứng nguyên liệu lúa tốt nhất cho doanh nghiệp”, GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định.
Vụ thu đông 2023, An Giang có tổng diện tích liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp hơn 106.000 ha, chiếm gần 72% diện tích kế hoạch xuống giống với sự tham gia liên kết của 14 công ty và doanh nghiệp.
“Việc tuyên truyền chính sách về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang phần nào đã thúc đẩy được mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.
Song song đó cũng là động lực khuyến khích để duy trì bền vững hơn.
Hiện có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến chất lượng sản phẩm nên đã đầu tư vào sản xuất”, ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết.
Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, vụ hè thu năm nay, tỉnh liên kết sản xuất và tiêu thụ gần 146.000 ha, chiếm khoảng 64% diện tích kế hoạch với 14 công ty, doanh nghiệp và công ty giống.
Riêng vụ thu đông này, tỉnh tiếp tục thúc đẩy thực hiện việc liên kết sản xuất và tiêu thụ với nông dân và doanh nghiệp. Mục tiêu là để việc sản xuất của nông dân đạt hiệu quả cao nhất.