Thương lắm, nhớ lắm bộ đội ơi!
Trong buổi gặp mặt, chia tay bà con hoàn thành thời gian cách ly tập trung tại đơn vị trở về với gia đình ngày 18-4, chúng tôi thực sự xúc động trước tình cảm quân dân nơi đây.
Thực hiện đúng quy định, những bà con đã hết hạn cách ly đứng ở hành lang Trung tâm Giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (Bộ CHQS tỉnh Kon Tum, Gia Lai) chỉ đưa tay chúc mừng và vẫy chào: "Về nha, tạm biệt nhé!”; “Thương lắm, nhớ lắm bộ đội ơi!"; “Cảm ơn các chú bộ đội nhiều. Hẹn gặp lại!”. Trong thời gian sống ở đây, ai cũng cảm nhận được tình cảm và xúc động trước sự hy sinh thầm lặng của các chú bộ đội, nhiều người không cầm được những giọt nước mắt hạnh phúc!
“Khi mới trở về, không khí lo lắng vì dịch bệnh bao trùm lên khắp khu vực cách ly bao nhiêu, thì sau này, chúng tôi lại thấy vui vẻ, hạnh phúc bấy nhiêu. Tôi sẽ nhớ và mang ơn các anh nhiều!”. Đó là những dòng tâm huyết trích từ nhật ký mà anh Bùi Ngọc Tài (33 tuổi) ở thị trấn Đắk Đoa (Gia Lai), lao động từ Campuchia trở về.
Lá thư của chị Lê Hiền (35 tuổi) ở khu cách ly tập trung Bộ CHQS tỉnh Kon Tum được thể hiện dài gần 3 mặt giấy: "Khi trở về Tổ quốc, tới Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, đón tôi không phải là ba mẹ, con cái, em út trong gia đình như mơ ước, mà là các chú bộ đội. Họ mặc quần áo bảo hộ, thực hiện nghiêm chỉnh công tác phòng, chống dịch. Tuy không nhìn rõ được khuôn mặt, ánh mắt nhưng từ lời nói, cử chỉ của các chú, các anh, chúng tôi đều có cảm giác được che chở, bảo vệ, giúp đỡ. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị ngoài quan tâm, động viên, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe còn nhường chỗ ở, giường nằm, chăn màn cho chúng tôi khiến mọi người ai nấy đều xúc động. Tôi chỉ có một điều ước: Là khi về nhà vài ba ngày, cho phép tôi được trở lại để góp sức cùng bộ đội phục vụ cho bà con cách ly…”.
Anh Phan Xuân Chỉnh (58 tuổi) ở xã Kỳ Ninh, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh xúc động viết: “…Khi về Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum), nghe tin phải cách ly tôi rất lo lắng, vì mình đang bị bệnh phì đại tuyến tiền liệt, viêm đường tiết niệu. Nhưng khi đến nơi tập trung, cảm giác lo lắng không còn. Các chú bộ đội rất vất vả, cực nhọc chỉ để cho chúng tôi có sức khỏe tốt, vui vẻ về với gia đình. Đêm lạnh, khi người dân vẫn đang ngủ là lúc các chú bộ đội phải dậy để chuẩn bị thức ăn, thức uống, đồ dùng cho bà con. Đặc biệt các chú bộ đội quân y ngày đêm không quản nguy hiểm, tiếp xúc, khám bệnh, cấp thuốc…; họ lặng thầm hy sinh cho dân. Chỉ có Bộ đội Cụ Hồ của dân mới vì dân đến thế…”.
Còn đây là lá thư của cháu Võ Huệ Chi (17 tuổi) ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum): “14 ngày ở đây của con là một chuỗi thời gian có nhiều niềm vui, hạnh phúc. Đây sẽ là những kỷ niệm đẹp nhất, tuyệt vời nhất, con sẽ nhớ mãi cho đến khi trưởng thành. Nếu ai hỏi ở đây có gì vui? Con sẽ tự tin trả lời rằng, niềm vui của con là sự thân thiện của mọi người, sự nhiệt huyết của các chú bộ đội phục vụ nhân dân. Vui vì nước ta còn nghèo, nhưng luôn hướng về cuộc sống người dân, không bỏ rơi ai kể cả người ngoại quốc trong cuộc chiến chống giặc Covid-19...".