Thương mại dịch vụ tạo động lực phát triển kinh tế

Trước đây, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của tỉnh còn hạn chế, nhất là khu vực nông thôn, gây 'rào cản' trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh đã đầu tư sử dụng các thiết bị thanh toán hiện đại để nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

(baophutho.vn) - Trước đây, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của tỉnh còn hạn chế, nhất là khu vực nông thôn, gây “rào cản” trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để phát triển thương mại, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã có những chủ trương đúng đắn, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tạo đà và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Khai thác các tiềm năng, thế mạnh
Nằm ở vị trí trung tâm vùng Trung du miền núi phía Bắc, Phú Thọ có nhiều tuyến giao thông quốc gia chạy qua kết nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng. Hạ tầng giao thông từ thành thị tới nông thôn được đầu tư đồng bộ, thuận lợi về giao thương giữa các vùng miền, tạo cơ hội để tỉnh tăng cường hợp tác, liên kết phát triển trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản.Với lợi thế về vị trí, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án dịch vụ trung tâm thương mại, biệt thự liền kề, nhà hàng, khách sạn… tạo chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng hóa, hiện đại hóa các loại hình dịch vụ thương mại, nhất là các dự án tại TP Việt Trì, thị xã Phú Thọ và trung tâm các huyện như: Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Sài Gòn-Phú Thọ, Chợ Trung tâm Việt Trì, Chợ Hùng Vương thị xã Phú Thọ... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng tỉ lệ khu vực dịch vụ chiếm trên 41%. Thêm vào đó, tỉnh còn có Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng và hai di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn, có giá trị tiêu biểu, kết hợp với đội ngũ lao động trẻ, có trình độ, kỹ năng lao động là tiềm năng thuận lợi xây dựng và phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ gắn với phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Với những thuận lợi trên, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư khai thác thế mạnh để phát triển thương mại, dịch vụ, trong đó chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân và tổ chức tham gia phát triển thương mại, dịch vụ. Không chỉ đầu tư, mở rộng các loại hình thương mại, dịch vụ ở các khu vực có mật độ dân cư cao như: TP Việt Trì, thị xã Phú Thọ mà còn phát triển đồng đều ở tất các huyện, nhất là khu vực nông thôn thông qua tổ chức hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đó kích cầu tiêu dùng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.Ông Ngô Xuân Hiến - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Việt Trì cho biết: “Sau khi tìm hiểu thực tế về vị trí, thực hiện khảo sát nhu cầu mua sắm của người dân và được sự tạo điều kiện của tỉnh trong việc thuê mặt bằng, thực hiện thủ tục hành chính, chúng tôi đã lựa chọn Phú Thọ là điểm “dừng chân” để xây dựng siêu thị Co.opmart số bảy ở khu vực miền Bắc, kinh doanh hơn 30.000 mặt hàng. Đây là điểm phân phối hàng hóa giúp người dân tại TP Việt Trì và các khu vực lân cận có cơ hội mua sắm hàng hóa phong phú, đảm bảo chất lượng, đồng thời góp phần khai thác các loại hàng hóa, đặc sản của tỉnh để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trên toàn hệ thống siêu thị trong toàn quốc”.

Hệ thống các cửa hàng bán buôn, bán lẻ xuất hiện nhiều ở thị xã Phú Thọ, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Phát triển cả số lượng và chất lượng
Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hoạt động thương mại, dịch vụ gặp không ít khó khăn song với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nỗ lực của người dân trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID -19, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 vẫn đạt 7,1%, giá trị tăng thêm ngành dịch vụ năm 2020 ước đạt gần 29.700 tỉ đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2015. Chất lượng các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân được cải thiện, nhất là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Các hoạt động bán buôn, bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải, kho bãi,... đều tăng trưởng. Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ cũng phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận khu vực nông thôn, là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa trên toàn tỉnh, qua đó đẩy mạnh hoạt động thương mại phát triển. Ông Đặng Việt Phương - Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: “Vài năm trở lại đây, mạng lưới bán hàng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, mở rộng xuống tận khu dân cư, tạo thành mạng lưới thương mại đồng bộ. Hạ tầng thương mại từ bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh, hàng hóa lưu thông dễ dàng, phong phú cả về chủng loại và cấp độ sản phẩm, giá cả hàng hóa ổn định, chất lượng đảm bảo. Toàn tỉnh hiện có bốn trung tâm thương mại, 15 siêu thị và nhiều cửa hàng tiện ích; có 197 chợ truyền thống đang hoạt động ổn định”. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện đã xây dựng được hệ thống bán lẻ với trên 20.000 cửa hàng nằm trong các khu dân cư, phủ kín tới tận các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, nhờ đó, hoạt động bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh khá ổn định. Đặc biệt, thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 ở các tỉnh lân cận có diễn biến phức tạp nhưng Phú Thọ luôn bảo đảm dự trữ, cung ứng hàng hóa, ổn định giá cả thị trường đối với tất cả các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong sáu tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 18.400 tỉ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt trên 15.900 tỉ đồng, tăng 11,0%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.100 tỉ đồng, tăng 8,5%; doanh thu dịch vụ và du lịch ước đạt trên 1.400 tỉ đồng, tăng 3,3%;... Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Mặc dù đã khai thác, tận dụng thế mạnh và đạt được những kết quả khả quan, song lĩnh vực thương mại, dịch vụ vẫn còn một số hạn chế như: Thị trường hàng hóa và quy mô kinh doanh phát triển thương mại dịch vụ còn nhỏ lẻ, hoạt động mua bán qua nhiều khâu trung gian, hiệu quả kinh tế chưa cao. Nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thương mại chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại…còn hạn hẹp, nhân lực quản lý và kinh doanh có chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường. Để khắc phục khó khăn, tỉnh đã tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển thương mại dịch vụ, nhất là các dịch vụ tiện ích, giải trí hài hòa, phù hợp với xu hướng và nhu cầu hiện nay. Tiếp tục tập trung phát triển, mở rộng kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường ở từng khu vực; tiếp tục cải tạo nâng cấp hệ thống chợ truyền thống ở tất cả các khu vực, khuyến khích phát triển các mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời kết hợp phát triển các dịch vụ tiện ích phục vụ đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh của các nhà đầu tư nhất là các dịch vụ công nghệ thông tin, thanh toán không dùng tiền mặt,... phát huy lợi thế trung tâm vùng Trung du miền núi phía Bắc và hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy thuận tiện. Chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu như: Chè, dệt may, giấy, sản phẩm từ gỗ,...; xây dựng hạ tầng hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ đồng bộ từ thành thị đến nông thôn. Đồng thời chú trọng công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực thương mại, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đến các doanh nghiệp cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh về các hoạt động thương mại để hoạt động có hiệu quả. Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202108/thuong-mai-dich-vu-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-178670