Thương mại - dịch vụ: Thích ứng nhanh để phát triển

Sau 3 năm trải qua dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Song, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã thích ứng linh hoạt, chủ động tìm nhiều giải pháp để phát triển.

Nhờ thích ứng nhanh với công nghệ số, doanh thu của cửa hàng mỹ phẩm Hasaki beauty&Clinic luôn được đảm bảo.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 27 siêu thị, 388 chợ truyền thống và hàng nghìn cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi phân bố khắp các địa phương. Mặc dù suốt quãng thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp và thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động thương mại, song tại một số siêu thị, cửa hàng, lượng hàng hóa bán ra thị trường vẫn ổn định. Có được kết quả đó là nhờ sự đổi mới và nhạy bén trong phương thức, cách thức bán hàng.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Trần Ngọc Hương, Quản lý cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Hasaki, đường Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) cho rằng, hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng tâm lý của người dân vẫn còn e ngại tới những chỗ đông người. Nhiều khách hàng đã chuyển sang mua hàng trực tuyến, do vậy cửa hàng đã tuyển dụng thêm nhân viên để tư vấn, chăm sóc khách hàng nhằm kết nối nhanh, tư vấn đúng sản phẩm và giao hàng ngay khi khách hàng có nhu cầu. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, cũng có vài chục khách hàng cần tư vấn và mua hàng trực tuyến.

Để bắt nhịp với xu hướng chung của toàn xã hội, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh cũng đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến thông qua sàn giao dịch thương mại và mạng xã hội gắn với dịch vụ giao hàng tận nhà. Hệ thống cửa hàng Winmart, WinMart+ là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý hàng hóa, chăm sóc khách hàng và kinh doanh; hệ thống này có gần 60 siêu thị, cửa hàng đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh với danh mục hàng hóa thiết yếu đa dạng, phong phú, như: rau, quả, thịt tươi sống, đồ khô, đồ tạp hóa... Hiện, hệ thống siêu thị Winmart và cửa hàng Winmart+ đã ứng dụng công nghệ số ở 3 lĩnh vực, như sử dụng smartphone để truy xuất nguồn gốc toàn bộ sản phẩm; thanh toán quẹt thẻ trên ứng dụng của ngân hàng và đặc biệt chương trình đi chợ hộ online app VinID để khách hàng dễ dàng mua sắm. Nhờ đẩy mạnh bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số, Winmart+ đã mở rộng được đối tượng khách hàng; doanh thu của cửa hàng luôn ổn định, nguồn hàng hóa cung cấp bổ sung thường xuyên, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ khác cũng đang trên đà thích ứng với nhu cầu tiêu dùng mới, điển hình là ngành du lịch. Theo bà Vũ Ngọc Tú, Trưởng bộ phận kinh doanh phòng vé Khánh My (TP Thanh Hóa) - đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, đặt vé máy bay... chia sẻ, đối với giai đoạn thấp điểm của thị trường, đơn vị đã chủ động triển khai các “combo” trọn gói về du lịch, đi lại theo nhóm để tiết kiệm chi phí cho khách hàng, đồng thời tăng cường các phương tiện trung chuyển để linh hoạt, tiết kiệm thời gian đón - trả khách. Đặc biệt, thời gian gần đây, đơn vị còn đa dạng các hình thức đặt vé, thanh toán đa kênh trên website, trên các ứng dụng đặt vé xe trực tuyến... để tối ưu hóa các tiện ích dành cho khách hàng.

“Bên cạnh kết nối với các kênh thanh toán, đặt vé trực tuyến, trong thời gian tới, phòng vé dự kiến sẽ tạo dựng và phát triển trang web đặt vé riêng. Qua đó, giúp khách hàng có nhiều tương tác, phản hồi và trải nghiệm dịch vụ trực tiếp với công ty” - bà Tú cho biết thêm.

Với mục tiêu đưa thương mại trở thành cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng trưởng bình quân 17,6%/năm, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... chiếm khoảng 30 - 35%, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đang tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Các địa phương hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, phân bố hợp lý mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi để xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường. Trong quá trình phát triển chú trọng kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại. Trong đó, hạ tầng thương mại khu vực thành thị được hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số hóa trong khai thác, vận hành và quản lý. Hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn được phát triển đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, “dòng chảy” số hóa ngày càng phát triển, tạo bước đệm quan trọng dựa trên các ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), các hình thức kinh doanh, dịch vụ trực tuyến ngày càng nở rộ, sáng tạo. Điều này góp phần thúc đẩy sự ra mắt của Sàn TMĐT Thanh Hóa, cũng như kế hoạch đón đầu xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển nền kinh tế số của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, vận hành thành công Sàn giao dịch TMĐT với tên miền thuongmaidientuthanhhoa.vn. Qua 3 năm vận hành, sàn đã có trên 2 triệu lượt truy cập và đang hoạt động với hơn 300 sản phẩm, dịch vụ của gần 40 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong tỉnh. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nhiều sản phẩm nông sản chế biến, sản phẩm OCOP như: chè lam Phủ Quảng, mắm tôm Ba Làng... Mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025, Sàn giao dịch TMĐT tỉnh đạt từ 100 - 300 doanh nghiệp tham gia.

Ông Trần Đức Lương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, sở tiếp tục thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống người dân. Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng trong công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa.

Bài và ảnh: Chi Phạm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu-nbsp-thich-ung-nhanh-de-phat-trien/190824.htm