Thương mại điện tử đóng góp khoảng 15%-17% trong tổng giá trị của kinh tế số

Đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15%-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. Từ tốc độ tăng trưởng của hoạt động thương mại điện tử, mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 có thể đạt được.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kinh tế số "len lỏi" vào mọi ngóc ngách của cuộc sống

Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” do Cổng TTĐT Chính phủ ngày 14/8, PGS.TS. Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15%-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.

Với tốc độ tăng trưởng này, PGS.TS. Trần Minh Tuấn cho rằng, mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 có thể đạt được.

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, chưa bao giờ nền kinh tế số, tức là hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số cộng với thương mại điện tử, lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay, tạo ra hàng triệu việc làm cả trực tiếp và gián tiếp.

Đặc biệt, việc giám sát tốt hơn đối với hoạt động thương mại điện tử, giúp đóng góp cho ngân sách từ kinh tế số ngày càng cao. Riêng năm 2023, doanh thu của thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ đồng, thu ngân sách từ đó là khoảng 100.000 tỷ đồng.

Gắn kết chuỗi cung ứng trong thương mại điện tử

Thực tiễn triển khai hiện nay cũng cho thấy, việc thúc đẩy thương mại điện tử hay kinh tế số còn nhiều điểm cần lưu ý khi việc thu hẹp khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ có thể tạo ra những tác động không mong muốn. Do vậy, cần quan tâm về mặt chính sách, để không ai bị thiệt thòi, bị bỏ lại phía sau; xử lý hiệu quả các tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng.

Từ góc độ một sàn thương mại điện tử, ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho biết, trong những cuộc khảo sát thị trường, Shopee nhận thấy các doanh nghiệp ở Việt Nam có một số thử thách về tiếp cận thị trường thương mại điện tử; xu hướng thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng… Do vậy, Shopee mong muốn các cơ quan chức năng có những điều chỉnh về chính sách, cơ chế hỗ trợ để giúp doanh nghiệp, cá nhân được tiếp cận, tạo ra những sản phẩm, phương thức kinh doanh thương mại điện tử mới, phát triển tốt hơn, bền vững hơn.

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho rằng, từ phía Nhà nước, cần có những chính sách để gắn kết chuỗi cung ứng trong thương mại điện tử với những quy hoạch phát triển vùng, hệ thống phân phối. Đây là những việc Bộ Công Thương đã làm trong giai đoạn vừa qua và sẽ tiếp tục làm trong thời gian tới.

“Mắt xích quan trọng nhất là thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong những vùng kinh tế trọng điểm, để xác định được những địa phương nào có những ưu thế về sản phẩm, hàng hóa, logistics hoặc tổ chức kho hàng để có thể tối ưu hóa hiệu quả của chuỗi cung ứng”, bà Lại Việt Anh cho hay.

Thương mại điện tử xuyên biên giới có thể đạt hơn 11 tỷ USD

Việt Nam hiện nay có dư địa, tiềm năng rất lớn về thương mại điện tử xuyên biên giới. Một số ước tính về xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới cho thấy, năm 2022 đạt khoảng 3,3 tỷ USD, năm 2027 kỳ vọng đạt hơn 11 tỷ USD nếu có những cơ chế hỗ trợ từ cả nền tảng thương mại điện tử cũng như Nhà nước.

Thời gian qua, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã xây dựng các nền tảng thương mại điện tử B2B, kết nối với các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới như Amazon, Alibaba, Timo... để các sản phẩm, hàng hóa khi lên sàn thương mại điện tử của Việt Nam cũng sẽ tương ứng xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới, kết nối người mua trực tiếp với người bán cũng như nhà sản xuất.

Theo bà Lại Việt Anh, định hướng kế hoạch phát triển thương mại điện tử trong 5 năm tới mà Bộ Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ đó là hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế và có tính cạnh tranh, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất có thể bán hàng ra thị trường toàn cầu.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho rằng thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay đang có những cơ hội phát triển rất lớn, tận dụng lợi thế ở gần với thị trường Trung Quốc.

PV. (t/h)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thuong-mai-dien-tu-dong-gop-khoang-15-17-trong-tong-gia-tri-cua-kinh-te-so.html