Thương mại điện tử - động lực chính để phát triển kinh tế số

Quy mô và tốc độ phát triển của kinh tế số phụ thuộc rất nhiều vào 'kiềng ba chân' gồm chính sách vĩ mô từ Nhà nước, các chương trình hỗ trợ từ sàn thương mại điện tử và sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Tọa đàm "Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 14/8, PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến hết năm 2023, lĩnh vực Thương mại điện tử (TMĐT) đã đóng góp khoảng 15% - 17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.

Từ đây, “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và định hướng năm 2030” đã xác định TMĐT là động lực chính để phát triển kinh tế số.

Nguồn: Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Đồ họa: Phương Anh

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương (trực tiếp là Cục Thương mại và kinh tế số) và các sàn TMĐT cùng thực hiện một chương trình chung để thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ gia đình, hộ kinh doanh, các cửa hàng bán buôn và bán lẻ được chuyển đổi số, đưa lên không gian mạng.

Sàn TMĐT hỗ trợ hàng ngàn doanh nghiệp Việt lên sàn

Đi từ thực trạng phần đông doanh nghiệp Việt quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ (MSME) chưa biết cách tiếp cận TMĐT và chậm nắm bắt trào lưu và thị hiếu người dùng trực tuyến, từ tháng 4 năm nay, Shopee đã triển khai chương trình “Chuyển đổi số doanh nghiệp qua TMĐT”.

Dự án tập trung vào tối đa hóa hỗ trợ vận hành trọn gói, trong đó nhà bán hàng được trao quyền vận hành cho sàn và tập trung hoàn toàn vào nâng cao chất lượng sản phẩm. Nói ngắn gọn, doanh nghiệp giữ nguyên vai trò cung ứng sản phẩm trong khi Shopee quản lý toàn bộ khâu tiếp thị, cung cấp đầy đủ các dịch vụ vận hành, đóng gói, vận chuyển và các hoạt động thúc đẩy bán hàng, giúp tiết kiệm tối đa các chi phí vận hành như lưu kho, bán hàng và quản lý các chỉ số vận hành hiệu quả, đồng thời tối ưu các chỉ số chuyển đổi đơn hàng.

 Shopee tích cực tạo ra cầu nối giữa các bên liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi số thành công qua TMĐT

Shopee tích cực tạo ra cầu nối giữa các bên liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi số thành công qua TMĐT

Chị Nguyễn Thị Thảo, một hộ sản xuất sản phẩm may mặc ở Nam Định hiện đang tham gia chương trình cho biết: “Mô hình này thực sự rất lý tưởng đối với những hộ kinh doanh nhỏ khi Shopee cung cấp đầy đủ dịch vụ để chúng tôi có thể tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng tay nghề sản phẩm”. Đến nay, doanh nghiệp của chị Thảo đã mở được 3 cơ sở gồm 300 công nhân, với năng lực sản xuất từ khoảng 250.000 sản phẩm mỗi tháng.

Sau 4 tháng triển khai, dự án “Chuyển đổi số doanh nghiệp qua TMĐT” đã kết nối với hàng trăm nhà cung cấp và nhà sản xuất thuộc đa dạng ngành nghề tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong đó có 16 nhà cung cấp đến từ 6 làng nghề tại Nam Định, Thường Tín, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình.

Đáng chú ý, doanh thu trung bình hàng tháng của các nhà cung cấp tham gia chương trình đều tăng từ 2 đến 20 lần so với thời điểm mới bắt đầu. Dự kiến đến hết năm nay, sáng kiến này của Shopee sẽ kết nối 1.000 doanh nghiệp Việt và quảng bá rộng rãi các sản phẩm “Made in Vietnam” đến hàng chục triệu người dùng.

 Dự án của Shopee cũng tạo ra hàng ngàn cơ hội việc làm tại các địa phương

Dự án của Shopee cũng tạo ra hàng ngàn cơ hội việc làm tại các địa phương

Thành công bước đầu của dự án mở ra nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp MSME, nhưng ông Trần Tuấn Anh tin rằng, cần thiết phải có sự đồng hành của các cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt.

Mục tiêu đưa hơn 14 triệu cửa hàng lên không gian mạng

Hiện nay, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 nghìn chợ, do đó chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã xác định mỗi hộ nông dân, mỗi hộ kinh doanh đều có thể trở thành những cửa hàng trực tuyến trên TMĐT để tăng cường khả năng tiếp thị, quảng bá các dịch vụ của mình.

Để đạt được điều này, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh 3 điểm. Đầu tiên là thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong những vùng kinh tế trọng điểm, để xác định được những địa phương nào có những ưu thế gì để tối ưu hóa hiệu quả của chuỗi cung ứng. Vấn đề thứ hai là làm việc với những sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa có hàm lượng sản xuất tại Việt Nam cao, xây dựng và phát triển thương hiệu trực tuyến cho hàng hóa Việt Nam. Sau cùng là quy hoạch và phát triển mạng lưới logistics.

Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho biết: “Cách tiếp cận của chúng tôi hiện tại là có sự hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành để có sự liên kết với doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ sở sản xuất từ lớn đến nhỏ để có sự hướng dẫn hiệu quả, cập nhật các phương pháp kinh doanh, các cách tiếp thị, các công cụ vận hành hiệu quả nhất. Đồng thời, phải tạo được sự liên kết với các chuỗi cung ứng, đến các nhà sản xuất, các nhà phân phối, kho bãi…”

Shopee cũng đang có những kế hoạch lớn để tối ưu hóa hệ thống phân phối về logistics để hạ giá thành sản phẩm thấp nhất, đây cũng là động lực để thúc đẩy doanh số TMĐT tăng cao.

Doãn Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thuong-mai-dien-tu-dong-luc-chinh-de-phat-trien-kinh-te-so-2314643.html